Tòa cho rằng phải có mức án nghiêm khắc với bị cáo Trương Mỹ Lan

Sự kiện - Ngày đăng : 12:04, 11/04/2024

Hội đồng xét xử cho rằng cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất theo Bộ luật Hình sự quy định với bị cáo Trương Mỹ Lan.
Sự kiện

Tòa cho rằng phải có mức án nghiêm khắc với bị cáo Trương Mỹ Lan

Nhã Thanh (tổng hợp) 11/04/2024 12:04

Hội đồng xét xử cho rằng cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất theo Bộ luật Hình sự quy định với bị cáo Trương Mỹ Lan.

Ngày 11.4, Hội đồng xét xữ (HĐXX) TAND TP.HCM tiến hành tuyên bản án sơ thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Trương Mỹ Lan chi phối hoạt động của SCB

Theo nhận định của HĐXX, lời khai tại tòa của các bị cáo đa số thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng. Các lời khai phù hợp với nhau, phù hợp người làm chứng, người liên quan và các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở xác định Trương Mỹ Lan là chủ của hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

HĐXX cũng xét thấy SCB là ngân hàng thương mại cổ phần, theo quy định pháp luật, quyết định của đại hội đồng cổ đông được thông qua khi số đông cổ đông biểu quyết thông qua. Vì vậy, việc chiếm trên 91,5% cổ phần tại SCB nên Trương Mỹ Lan thực tế đã chi phối và thực chất điều hành toàn bộ hoạt động tại ngân hàng này.

HĐXX nhận định hành vi của bị cáo Lan và đồng phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại đặc biệt lớn với SCB, đẩy nhà băng vào tình trạng mất thanh khoản, gây hoang mang trong người dân, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, xói mòn niềm tin của nhân dân. Hành vi của các bị cáo có tính tổ chức, trong đó Trương Mỹ Lan là chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo hành vi phạm tội.

Do đó, tòa cho rằng cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất theo Bộ luật Hình sự quy định với bị cáo Lan.

screenshot-370-.png
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa - Ảnh: Thanh Niên

Che giấu, báo cáo không đầy đủ sai phạm của SCB

Về hoạt động thanh tra của Đoàn thanh tra Ngân hàng Nhà nước tại SCB, theo HĐXX nhận định, quá trình thanh tra, Trương Mỹ Lan gặp gỡ, bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Trưởng đoàn thanh tra). Cùng với đó, bị cáo Lan chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB) đưa 5,2 triệu USD cho Đỗ Thị Nhàn.

Ngoài ra, phía SCB còn đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong đoàn thanh tra, cao nhất là 390.000 USD.

Từ đó, Đỗ Thị Nhàn che giấu, báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB theo hướng giảm nhẹ, có lợi cho SCB để ngân hàng này không bị đưa vào kiểm soát đặc biệt và tiếp tục kiến nghị đề xuất tạo điều kiện được tái cơ cấu.

Theo HĐXX, các bị cáo trong đoàn thanh tra vì vụ lợi mà đã chỉ đạo, lập các báo cáo không trung thực, không đầy đủ, bao che sai phạm của SCB. Việc này dẫn đến không kịp thời ngăn chặn, để Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút, sử dụng tiền của SCB trái pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho ngân hàng này.

Tại tòa, bị cáo Nhàn nêu lý do nhận 5,2 triệu USD nhằm bảo vệ gia đình... Song, HĐXX thấy lời trình bày này “không có căn cứ” bởi quá trình nhận tiền của bị cáo thực hiện trong thời gian dài.

Từ những phân tích trên, HĐXX nhận định hành vi của Trương Mỹ Lan cấu thành tội “Đưa hối lộ”, còn hành vi của Đỗ Thị Nhàn phạm vào tội “Nhận hối lộ”.

Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt Trương Mỹ Lan tử hình (tổng hợp cả 3 tội danh), gồm “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Các bị cáo còn lại trong vụ án bị đề nghị mức án từ 3 năm tù (hưởng án treo) đến tù chung thân.

Nhã Thanh (tổng hợp)