Công an TP.HCM: Kinh tế ở đâu thuận lợi thì có nhiều cơ sở cho tội phạm hoạt động

Sự kiện - Ngày đăng : 18:45, 11/04/2024

Nhiều nhóm tội phạm người nước ngoài chọn địa bàn TP.HCM hoạt động là do TP là đầu mối giao thương kinh tế - văn hóa, giáo dục, hợp tác quốc tế… lớn nhất cả nước; tập trung nhiều cộng đồng người nước ngoài sinh sống.
Sự kiện

Công an TP.HCM: Kinh tế ở đâu thuận lợi thì có nhiều cơ sở cho tội phạm hoạt động

Hồ Quang {Ngày xuất bản}

Nhiều nhóm tội phạm người nước ngoài chọn địa bàn TP.HCM hoạt động là do TP là đầu mối giao thương kinh tế - văn hóa, giáo dục, hợp tác quốc tế… lớn nhất cả nước; tập trung nhiều cộng đồng người nước ngoài sinh sống.

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó phòng tham mưu, Công an TP.HCM đã nói như vậy tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM vào chiều 11.4.

cong-an-tphcm-kinh-te-o-dau-thuan-loi-thi0co-nhieu-co-so-cho-toi-pham-hoat-dong-hinh-anh.png
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó phòng tham mưu, Công an TP.HCM chia sẻ với báo chí về tình hình phòng chống tội phạm công nghệ cao vào chiều 11.4- Ảnh: PV

Theo ông Hà, thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Công an TP.HCM đang tăng cường đấu tranh trấn áp tội phạm công nghệ cao, tín dụng đen, mại dâm. Qua đó đã phát hiện nhiều nhóm tội phạm nước ngoài đang hoạt động do người nước ngoài cầm đầu.

Để thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng chống tội phạm người nước ngoài, ông Hà cho biết Công an TP đang tăng cường theo dõi các hội nhóm trên không gian mạng; kiểm tra các cơ sở có người lưu trú có người mang quốc tịch nước ngoài; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chặt chẽ người nước ngoài. Tổ chức các đợt cao điểm đấu tranh phòng chống và xử lý tội phạm tín dụng đen, ma túy, truy bắt các đối tượng truy nã.

Theo ông Hà, sở dĩ loại tội phạm này chọn TP.HCM là địa bàn hoạt động vì TP là đầu mối giao thương kinh tế - văn hóa, giáo dục, hợp tác quốc tế… lớn nhất cả nước; tập trung nhiều cộng đồng người nước ngoài sinh sống, đây là điều kiện để tội phạm xâm nhập và thực hiện hành vi phạm tội.

“Kinh tế ở đâu thuận lợi thì có nhiều cơ sở cho tội phạm hoạt động”, ông Hà nói.

Để đấu tranh với tội phạm người nước ngoài, Công an TP đề nghị các cơ sở kinh doanh lưu trú làm tốt công tác quản lý người nước ngoài. Khi tiếp nhận khách người nước ngoài, cơ sở lưu trú phải yêu cầu cung cấp thông tin giấy tờ tùy thân, cập nhật về hệ thống quản lý. Nếu nhân sự có lai lịch không rõ ràng, cần báo ngay cho Công an TP để kịp thời kiểm tra xử lý.

Về vụ việc 2 cháu bé bị bắt cóc ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, ông Hà cho biết hiện cảnh sát điều tra Công an quận 1 đang tiến hành điều tra để làm rõ các hành vi vi phạm, động cơ, mục đích và đồng phạm (nếu có) để có cơ sở xử lý vụ việc.

Theo ông Hà, tội phạm mua bán người là loại tội phạm nguy hiểm được Quốc hội quan tâm và ban hành riêng một bộ luật để bảo vệ quyền con người. Luật đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1.1.2012. Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành nhiều thông tư, nghị định, nghị quyết, thông tư liên tịch.

Trên cơ sở đó Công an TP.HCM đang tăng cường nắm tình hình trên không gian mạng, các hội nhóm kín trên mạng xã hội. Các lực lượng chức năng đang theo dõi sát những hoạt động cho nhận con nuôi, hiến tạng để kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng cầm đầu.

Lực lượng chức năng của TP đang tăng cường rà soát nắm tình hình các trường hợp ăn xin, người lang thang cơ nhỡ. Công an TP sẽ phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tiến hành xác minh, kịp thời phát hiện trường hợp mua bán trẻ em; kiểm tra các khu lưu trú, nhà trọ cho thuê để phát hiện người mang thai hộ, người mua bán thận.

“Chúng tôi đang tiến hành trao đổi với các bệnh viện để nắm thông tin các trường hợp mang thai hộ, người hiến tạng để chủ động điều tra xử lý đối với những vụ việc có nghi vấn. Nâng cao cảnh giác với nhân thân sản phụ khi nhập viện để ngăn chặn nguy cơ tráo đổi giấy chứng sinh. Cơ quan chức năng đang tăng cường tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho cộng đồng và trẻ em trước các mối đe dọa, bắt cóc”, ông Hà cho biết.

Hồ Quang