TS Vũ Tiến Lộc: Có thể tiến sát mốc 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:28, 10/01/2020
Sáng 10.1.2020, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2019 (VBF) đã diễn ra tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì trên 7% năm thứ hai liên tiếp, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; cơ cấu kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định; quy mô thương mại quốc tế vượt mốc 500 tỉ USD; xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc.
"Đạt được kết quả đáng khích lệ này có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước", ông nói và cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ tương lai, dự án xanh, quản trị hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
"Chúng tôi mong muốn lắng nghe những đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, thu hút và sử dụng có hiệu quả hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh các nhà đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia đang cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư. Những ý kiến đóng góp sẽ giúp Chính phủ hoàn thiện hơn vai trò “kiến tạo” của mình đồng thời cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực quan trọng trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh ổn định, vững chắc và khuyến khích tinh thần doanh nghiệp. Đó không chỉ là những tuyên ngôn như “Chính phủ hành động, kiến tạo” hay “lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ” mà đã trở thành các hành động cụ thể trong các chính sách kinh tế được ban hành và thực thi thời gian qua.
Tuy nhiên, trong các nội dung của Nghị quyết 02, thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng là hai nội dung được doanh nghiệp ghi nhận có nhiều chuyển biến nhất, ngược lại vấn đề về phá sản doanh nghiệp, bảo hộ nhà đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu được đánh giá ít chuyển biến.
Hoạt động thanh kiểm tra thuế vẫn chưa được cải thiện nhiều, vẫn có 33% doanh nghiệp cho rằng cán bộ suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp và 30% doanh nghiệp cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh kiểm tra thuế; các doanh nghiệp vẫn phải đi lại để nộp hồ sơ nhiều lần (trung bình 3 lần cho mỗi thủ tục) xây dựng. Các thủ tục về xây dựng và phòng cháy chữa cháy vẫn chưa được thực hiện liên thông. Tỷ lệ doanh nghiệp phải xin xác nhận phòng cháy chữa cháy lên đến 63% và có đến 30% doanh nghiệp cho rằng họ gặp khó khăn khi làm thủ tục. -
Về lĩnh vực tiếp cận tín dụng, ông Lộc cho biết 39% doanh nghiệp cho biết tình trạng bồi dưỡng cho cán bộ ngân hàng để vay được vốn là phổ biến; việc thiếu công khai, minh bạch của các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin về đất đai đang trở thành vấn đề lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Lộc, hiện tượng tham nhũng vặt khi làm thủ tục hành chính vẫn còn đáng quan ngại; việc cắt giảm danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện nằm ở cấp luật cần tiếp tục được thực hiện.
Cùng với đó, đa số các Cổng có tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến rất thấp, chỉ một vài hồ sơ hoặc không đến 1% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận. Có tình trạng một số cơ quan từ chối tiếp nhận hồ sơ giấy để ép doanh nghiệp và người dân phải nộp hồ sơ điện tử; các chính sách tạo điều kiện cho thanh toán điện tử đang được xây dựng, triển khai nhưng vẫn chậm so với kế hoạch.
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020: nếu giữ nguyên tốc độ tăng doanh nghiệp như trong 3 năm qua thì đến hết năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 984 nghìn doanh nghiệp. Do đó, để đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp thì các biện pháp cải cách phải được duy trì và đẩy mạnh hơn nữa trong khoảng thời gian còn lại.
Bên cạnh đó, sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp nhà nước có xu hướng giảm trên tất cả các lĩnh vực, trừ phân bổ nguồn lực đất đai. Tuy nhiên, tình trạng ưu ái doanh nghiệp sân sau vẫn rất nghiêm trọng.
Lưu ý về tính ổn định của chính sách, ông Lộc cho rằng, nguyên tắc không hồi tố bất lợi cho doanh nghiệp và người dân phải được bảo đảm khi xây dựng các quy định pháp luật.
"Việc lấy ý kiến các dự thảo văn bản pháp luật cần được thực hiện một cách thực chất và thường xuyên, không ban hành, thay đổi chính sách một cách đột ngột. Thêm vào đó, các loại giấy phép quyền kinh doanh cũng cần được kéo dài thời hạn hoặc không xác định thời hạn nhằm giúp ổn định môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp", Chủ tịch VCCI kiến nghị.
Ông Lộc cũng đưa ra một số đề xuất liên quan đến nộp thuế, giấy phép xây dựng, quản lý đất đai, bất động sản, hạ tầng, tiếp cận điện năng…
Dẫn yêu cầu của Tổng bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội trong năm 2020, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh để đáp ứng được yêu cầu mục tiêu năm 2020 hơn năm 2019 thì dư địa quan trọng nhất vẫn là cải cách thể chế.
“Hai từ khóa của năm nay sẽ là gỡ bỏ rào cản và kết nối phát triển. Cụ thể, chúng ta sẽ phải tiếp tục gỡ bỏ các rào cản về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh… Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nỗ lực kết nối cần triển khai đồng bộ với nỗ lực dỡ bỏ rào cản. Đây sẽ là động lực để cải cách thể chế”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Lam Thanh