An Giang: Tham gia chuỗi liên kết, nông dân đón Tết trong nợ nần
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 07:31, 09/01/2020
3 năm chưa giám định xong tài sản
Ngày 8.1, cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết, đến nay, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra ở Công ty TNHH SX TMDV Thuận An (Công ty Thủy sản Thuận An) vẫn đang trong quá trình tạm đình chỉ, do chờ hoài chưa có kết quả giám định, định giá tài sản. Khi nào có kết quả, phía công an sẽ phục hồi điều tra vụ án.
Trước đó, tháng 4.2017, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố hình sự vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và khám xét đối với Nguyễn Thái Sơn - Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Thị Huệ Trinh - Tổng Giám đốc Công ty Thuận An. CQĐT cũng khởi tố bị can và ra lệnh khám xét đối với Hồ Bích Thủy - nguyên Kế toán trưởng và Lương Thị Ngọc Anh - nguyên thủ quỹ Công ty Thuận An về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tháng 1.2018, vụ án chính thức được chuyển về cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang để tiếp tục điều tra giải quyết theo thẩm quyền.
Nông dân mòn mỏi chờ tiền - Ảnh: Thiên Bảo
Cơ quan chức năng tỉnh An Giang sau đó đã thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Đến tháng 8.2018, Công an tỉnh An Giang ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, do chờ hoài không thấy kết quả giám định. Và cho đến nay, kết quả giám định vẫn chưa có, còn vụ án vẫn tiếp tục bị đình chỉ.
Từ năm 2014, tỉnh An Giang cho triển khai dự án “Chuỗi liên kết dọc trong sản xuất cá tra” với sự tham gia của Công ty Thuận An, Argibank An Giang và các hộ nuôi cá. Khi tham gia chuỗi, các hộ không nhận tiền, mà chỉ nhận thức ăn nuôi cá, được ngân hàng trả tiền thay, rồi ký nhận nợ với ngân hàng. Khi cá thu hoạch sẽ được bán độc quyền cho Công ty Thuận An. Sau đó, công ty này có trách nhiệm tất toán khoản vay của nông dân với ngân hàng, còn bà con sẽ nhận phần chênh lệch còn lại.
Cuối tháng 10.2016, lãnh đạo Công ty Thuận An đi công tác nước ngoài, rồi không trở về, để lại một khoản nợ kếch xù, chuỗi liên kết cũng đổ vỡ.
Vì sao giải ngân “thần tốc”?
Trước đó, ngày 15.9.2016, Agibank An Giang đã ký hợp đồng cấp tín dụng 116 tỉ đồng cho Công ty Thuận An thực hiện nuôi cá tra liên kết. Cũng trong ngày này, Agibank An Giang ký tiếp 1 hợp đồng cấp tín dụng khác cho Công ty Thuận An vay 380 tỉ đồng vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, tài sản mà Công ty Thuận An thế chấp trị giá chỉ hơn 244 tỉ đồng!
Chỉ vài tháng sau, Tổng Giám đốc Công ty Thuận An là bà Nguyễn Thị Huệ Trinh đi nước ngoài rồi “mất tích”. Lúc này Argibank An Giang mới tá hỏa, căn cứ vào từng hợp đồng tín dụng để “quy nợ” cho các hộ nuôi, bắt họ phải trả, trong khi họ đã giao cá cho công ty mà chưa nhận được tiền. Trong cảnh tuyệt vọng, người nuôi đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi, trong nhiều năm, nhưng không được giải quyết.
Nợ nần, nhiều dân dân giờ phải “treo” ao, bỏ nghề nuôi cá - Ảnh: Thiên Bảo
Ông Nguyễn Văn Nghiệp (hộ nuôi cá trong dự án) bức xúc: “Nông dân tham gia chuỗi luôn thực hiện đúng quy định, chưa từng có lỗi gì. Chúng tui chỉ vay vốn bằng thức ăn, sau đó trả nợ bằng việc giao cá cho Công ty Thuận An. Khi lãnh đạo công ty ôm tiền bỏ trốn, thì ngân hàng lại đẩy hết cho nông dân. Chẳng khác nào bắt chúng tui phải trả nợ 2 lần (vì trước đó đã giao cá cho công ty rồi). Hỏi sau này còn ai dám tham gia vào chuỗi liên kết?”.
Ông Lê Văn Nưng - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho hay, tỉnh đã làm việc trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước, đề xuất chuyển phần nợ của các hộ nuôi cho Công ty Thuận An, và công ty này có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng theo dự án chuỗi. Tuy nhiên, yêu cầu này không được chấp thuận, đến nay, vụ việc vẫn cứ giậm chân tại chỗ.
“Tỉnh chọn Công ty Thuận An làm đầu mối, nhưng việc cho vay như thế nào, có đúng quy định hay không?... Đó là chuyện của ngân hàng, tỉnh không giám sát cũng như không thúc ép ngân hàng phải giải ngân bao nhiêu tiền cho Công ty Thuận An. Nếu công an bắt được vợ chồng ông Sơn, bà Trinh, tỉnh sẽ yêu cầu làm rõ xem việc cho vay đó, đúng sai như thế nào?”, ông Nưng cho biết thêm.
Thiên Bảo