‘Tiếng chim vườn ngọc’: Áp lực trên vai diễn viên trẻ
Văn hóa - Ngày đăng : 16:55, 13/04/2024
‘Tiếng chim vườn ngọc’: Áp lực trên vai diễn viên trẻ
"Tiếng chim vườn ngọc" là tên mới của vở "Tiếng chim vườn ngọc lan" - vở kịch từng thành công vang dội tại sân khấu 5B Võ Văn Tần (TP.HCM) cách đây 25 năm.
Đây là kịch bản tiên phong trong việc khai thác sâu tâm lý người đồng tính, cùng với sự hóa thân xuất sắc của dàn nghệ sĩ hàng đầu như: Diệp Lang, Kim Xuân, Thành Lộc, Thanh Thủy, Hồng Vân. Vở diễn nổi tiếng không chỉ vì chất lượng nghệ thuật cao mà còn tạo nên sự tranh luận dữ dội về cảnh người chồng Đạo Sinh bình tĩnh đứng nhìn vợ mình (Ngọc Lan) âu yếm với người tình Trần Hùng.
Năm 2024, đạo diễn Minh Nguyệt tái dựng kịch bản này cùng với dàn diễn viên rất nội lực, gồm nghệ sĩ Trung Dân, NSƯT Võ Minh Lâm, Quách Ngọc Tuyên, Công Danh, Lê China, Hồng Thắm. Dù bản dựng cũ gần như bị quên lãng nhưng dàn diễn viên hiện tại vẫn chịu nhiều áp lực khi hóa thân vào những nhân vật đã từng ghi dấu ấn sâu sắc. Đặc biệt, người lo lắng nhất là NSƯT Võ Minh Lâm vì đảm nhiệm vai chính Đạo Kinh - vai diễn mà NSƯT Thành Lộc đã hóa thân quá xuất sắc.
Võ Minh Lâm là diễn viên cải lương, từng tham gia nhiều vở kịch. Có lẽ nhờ vậy mà Lâm biết tiết chế cách diễn nhẹ nhàng, gần gũi đúng tính chất kịch. Trong vai Đạo Kinh, Võ Minh Lâm đã lột tả được nỗi lòng của một người mang thân xác đàn ông khát khao muốn được làm phụ nữ. Nhân dáng đẹp, ánh mắt buồn yếu ớt và lối diễn của Lâm đã cho khán giả thấy được điều ấy. Võ Minh Lâm cũng làm nổi bật khát khao bản năng thầm kín qua việc thích đeo trang sức phụ nữ, tô son và mơ mộng được ôm ấp hình bóng một người đàn ông.
Nghệ sĩ Trung Dân thừa nhận bản thân có lo lắng khi đảm nhận vai diễn trong vở này. “Tôi được giao vai người cha của nhân vật chính, đó là thợ bạc Trần Hùng mà chú Diệp Lang đã hóa thân. Lối diễn của chú quá độc đáo nên tôi lo lắng mình bị so sánh. Thế nhưng, tôi yêu nhân vật cùng vở diễn này nên chấp nhận thử thách. Tôi hy vọng mình không làm khán giả thất vọng”, anh chia sẻ.
Nghệ sĩ Trung Dân vốn ít khi hóa thân vào vai bi, thế nhưng trong vở diễn này anh hoàn toàn khác. Nhân vật người cha của Trung Dân, qua những tông giọng lúc trầm lúc bổng cùng ánh mắt rất da diết, đã thể hiện niềm thương đứa con trai độc nhất rơi vào cạm bẫy cuộc đời.
Quách Ngọc Tuyên, trước đó đã rất thành công trong vai anh chàng khờ khạo vở Bến lửa long thì lần này cũng đầy cảm xúc trong vai Trần Hùng, một chàng trai mới lớn rung động và yêu mãnh liệt một người đàn bà có chồng.
Một nhân vật rất đáng nói là Lê China trong vai nữ chính Ngọc Lan. Đây là một vai diễn nặng về tâm lý miêu tả mâu thuẫn nội tâm, khát khao được yêu thương của người vợ bị chồng hờ hững. Ngọc Lan thèm khát được làm mẹ và cả những cử chỉ thân mật yêu đương nhưng với chị, đó là giấc mơ xa xỉ. Đạo diễn đã xử lý những cảnh để Lê China phải rơi nước mắt và nữ diễn viên này đã làm tròn vai. Chắc chắc Lê China không thể sánh với nghệ sĩ Thanh Thủy, Hồng Vân về nhan sắc và độ mong manh nữ tính của nhân vật, nhưng Lê China đã làm tốt vai trò của mình.
Ngọc Lan của Lê China được phác họa mạnh mẽ và hiện đại hơn Ngọc Lan của ngày xưa; Công Danh rất mạnh mẽ và toan tính trong vai một người cha mưu mô; Hồng Thắm lột tả tốt số phận người vợ nhu nhược trước chồng và người mẹ bất lực trước đứa con trai đồng tính của mình.
Họa sĩ Lê Văn Định đã xử lý sân khấu theo hướng biểu tượng. Cái hình tượng lồng chim treo trên cao được hiểu rằng hai nhân vật Đạo Kinh và Ngọc Lan đang sống trong cảnh “cá chậu chim lồng”. Cuộc sống của họ bị điều khiển và định đoạt bởi người khác, không có quyền được sống như mình mong muốn.
Một chi tiết đánh vào khứu giác rất tinh tế là họa sĩ Lê Văn Định yêu cầu đạo diễn xịt dầu thơm mùi ngọc lan khắp khán phòng, tạo nên cảm xúc đầy kích thích cho khán giả.
Đối với khán giả 8X trở về sau này, Tiếng chim vườn ngọc năm 2024 xem như là một vở mới hoàn toàn. Quả thật phiên bản mới của Tiếng chim vườn ngọc lan vẫn có sức hấp dẫn riêng và cho đến tận bây giờ, vấn đề giới tính vẫn chưa cũ. Cái hay của vở kịch được mô tả rất nhân văn và đầy khắc khoải, chứ không chỉ là những lời kêu gọi bình đẳng giới một cách hời hợt hoặc mượn giới tính để chọc cười.