Thời điểm người dùng chính thức chia tay Windows 7 đã đến

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:43, 31/12/2019

Từ ngày 14.1.2020, các máy tính cá nhân (PC) chạy Windows 7 vẫn hoạt động nhưng Microsoft sẽ không còn hỗ trợ kỹ thuật, cập nhật phần mềm hoặc cập nhật bảo mật cho hệ điều hành này.
Ảnh minh họa từ Internet

Và Microsoft sẽ triển khai các thông báo bật lên toàn màn hình cho người dùng Windows 7 từ giữa tháng 1.2020 (tức vào ngày hôm sau ngày 14.1.2020), nhằm mục đích thúc giục người dùng nâng cấp lên Windows 10, thậm chí là khuyên họ nên mua... PC mới.

Ra thông báo "khai tử" từ tháng 1.2019 nhưng từ tháng 4.2019, Microsoft mới bắt đầu tạo các cửa sổ nhỏ trên máy tính người dùng để nhắc về sự thay đổi sắp tới, nhưng có lẽ sự thay thế bằng thông báo trên toàn màn hình sẽ khiến người dùng Windows 7 khó bỏ qua hơn.

Bởi vì trên thực tế, nhiều người dùng vẫn ưa chuộng hệ điều hành Windows 7 (ra đời từ năm 2009) hơn là nâng cấp lên Windows 10, dù nó có an toàn hơn (chỉ có 15% phần mềm độc hại trên Windows 10, trong khi của Windows 7 là đến 63%.)

Sau nhiều nỗ lực chứng minh, Windows 10 đã vượt qua Windows 7 trên thị trường máy tính để bàn vào cuối năm 2018.

Báo cáo tháng 12.2018 của NetMarketShare cho thấy 39,2% máy tính mà họ thu thập dữ liệu đã sử dụng Windows 10, trong khi 36,9% sử dụng Windows 7. Còn tính đến tháng 11.2019, Windows 7 đang được 26,86% người dùng Windows sử dụng, trong khi thị phần của Windows 10 đã lên 53,33%.

Windows 7 là hệ điều hành máy tính cá nhân được Microsoft sản xuất như là một phần của gia đình hệ điều hành Windows NT. Nó được phát hành để đưa vào các máy tính sản xuất vào ngày 22.7.2009 và có sẵn để người dùng tải về tự cài đặt vào ngày 22.10.2009, chưa đầy 3 năm sau khi phiên bản tiền nhiệm Windows Vista phát hành.

Vào năm 2012 trước đó, gã khổng lồ phần mềm trụ sở tại Mỹ từng quyết định gia hạn thêm 5 năm hỗ trợ tất cả các phiên bản Windows 7 cho người dùng cá nhân.

Hãy cập nhật máy tính càng sớm càng tốt

Hồi tháng 3.2019, Google cảnh báo Microsoft có một lỗ hổng zero-day trong hệ điều hành Windows 7 nhưng vẫn chưa được vá, đồng thời cảnh báo các phiên bản cũ hơn Windows 7 cũng có thể gặp rủi ro.

Lỗ hổng zero-day cho phép hacker khai thác để gửi mã độc tới người dùng, khi chưa được vá, nó cho phép hacker leo thang chiếm các đặc quyền cục bộ trong máy tính để phát tán mã độc.

Microsoft khi đó cam kết với khách hàng rằng sẽ điều tra các vấn đề bảo mật được báo cáo, sớm chủ động cập nhật bản vá lỗi đồng thời khuyến cáo người dùng nâng cấp lên Windows 10, vì các phiên bản hệ điều hành mới hơn có nhiều biện pháp bảo vệ tốt hơn.

Nhưng đến đầu tháng 6.2019, Microsoft phát đi cảnh báo còn khoảng 1 triệu máy tính chạy hệ điều hành Windows chưa vá lỗ hổng bảo mật (mã CVE-2019-0708 hay BlueKeep) có mức độ nguy hiểm tương đương mã độc tống tiền Wanna Cry năm 2017.

Lỗ hổng này liên quan đến việc thực thi một mã nguồn quan trọng trong phần mềm Remote Desktop Services tồn tại trong Windows XP, Windows 7 và các phiên bản máy chủ như Windows Server 2003, Windows Server 2008 R2 và Windows Server 2008.

Các hệ điều hành này vẫn nằm trong một bộ phận lớn máy tình Windows đang sử dụng, đặc biệt là trong môi trường công ty. Và Microsoft tiếp tục khuyến cáo rằng các quản trị viên hệ thống cần cập nhật hệ thống máy tính càng sớm càng tốt.

Thi Anh tổng hợp