UnioTech tuyên bố phá vỡ sự độc quyền của Windows trong chiến dịch Trung Quốc tự lực về công nghệ
Thế giới số - Ngày đăng : 21:39, 14/04/2024
UnioTech tuyên bố phá vỡ sự độc quyền của Windows trong chiến dịch Trung Quốc tự lực về công nghệ
Theo các chuyên gia trong ngành, Trung Quốc đang đạt được tiến bộ ổn định về phát triển chip và hệ điều hành nội địa nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài khi đang chịu nhiều lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tại Tongming Lake IT City, khu công nghiệp công nghệ cao ở khu kinh tế Yizhuang phía nam thủ đô Bắc Kinh, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm loại bỏ công nghệ cốt lõi từ nước ngoài được thể hiện đầy đủ trong một khu vực rộng hơn 500 sân bóng đá.
Kể từ khi bắt đầu phát triển vào năm 2019, Tongming Lake IT City hiện là nơi đặt trụ sở của một số hãng công nghệ nổi tiếng Trung Quốc. Trong số đó có hãng thiết kế chip Loongson Technology và Sophgo Technologies; nhà cung cấp máy chủ và điện toán đám mây Inspur Group; đơn vị giải pháp dữ liệu lớn Kunpeng của Huawei; công ty khởi nghiệp giải pháp an ninh mạng KML Technology Group; hãng chuyên phát triển hệ điều hành UnioTech Software.
Trong chuyến tham quan của các phương tiện truyền thông do chính quyền Bắc Kinh tổ chức tuần trước, Tian Ye (quản lý tại UnioTech Software) nói với khách tham quan rằng các sản phẩm của công ty đang "phá vỡ sự độc quyền của hệ điều hành Windows".
UnioTech Software, công ty được thành lập từ cộng đồng những người đam mê Linux ở Trung Quốc, đang dẫn đầu các nỗ lực trong nước nhằm thay thế hệ điều hành nước ngoài trên máy tính cá nhân (PC) và máy chủ. Hệ điều hành PC dựa trên Linux của UnioTech Software ngày càng trở nên phổ biến với các chính phủ vì cung cấp các lựa chọn thay thế cho Windows (do Microsoft tạo ra).
Nỗ lực của Trung Quốc nhằm loại bỏ dần các hệ thống nước ngoài trong quân đội cùng các cơ quan nhà nước đã diễn ra nhiều năm và tăng tốc với chiến dịch Xinchuang do chính phủ khởi xướng, nhằm mục đích phát triển các giải pháp địa phương để thay thế chip, hệ thống, cơ sở dữ liệu và phần mềm nước ngoài. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu xây dựng lĩnh vực công nghệ trong nước thành một ngành có tổng sản lượng hàng năm là 100 tỉ nhân dân tệ (13,9 tỉ USD) vào 2025.
Bất chấp những nỗ lực đó, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc phải đối mặt với những rào cản chính trong lĩnh vực bán dẫn.
Dan Hutcheson, Phó chủ tịch công ty nghiên cứu ngành bán dẫn TechInsights (Canada), nói trong một hội thảo trực tuyến rằng Trung Quốc đi sau phương Tây khoảng 10 đến 15 năm về công nghệ in thạch bản (bước quan trọng trong sản xuất chip) dù khoảng cách về kỹ thuật xử lý nhỏ hơn.
Russel Wu, Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp thiết bị mạng TML (từng làm việc cho Intel), nói Trung Quốc thua xa các đối thủ nước ngoài về chất lượng sản phẩm và độ chính xác trong chế tạo chip, nhưng quốc gia châu Á này sẽ cố gắng tự cung tự cấp nếu cần.
“Chúng tôi chọn hợp tác bất cứ khi nào có thể, nhưng nếu không thể, chúng tôi sẽ đi theo con đường riêng của mình. Có thể chậm hơn nhưng chúng tôi sẽ không chết”, Russel Wu nói.
Ông nói thêm rằng chiến dịch Xinchuang mang đến cơ hội tạo ra hệ sinh thái riêng của Trung Quốc để các công ty khởi nghiệp trong nước có thể dựa vào nhau và cùng nhau phát triển.
Hệ điều hành của UnioTech Software đã được cấu hình để hoạt động với hầu hết bộ xử lý do các công ty và thương hiệu CPU (bộ xử lý trung tâm) lớn do Trung Quốc sản xuất, gồm Huawei, Hygon Information Technology, Phytium Technology, Loongson, Zhaoxin Semiconductor và Sunway.
Hầu hết công ty này đã bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen, nghĩa là không thể sử dụng các dịch vụ sản xuất chip theo hợp đồng ở nhiều nơi trên trên thế giới. Kết quả là họ phải phụ thuộc vào các nhà sản xuất chip Trung Quốc để tạo ra CPU cho mình.
UnioTech Software cho biết tính đến năm ngoái, hệ điều hành của họ đã được cài đặt trên hơn 6 triệu máy tính nội địa Trung Quốc, với 40.000 khách hàng là các tổ chức như cơ quan chính phủ, tổ chức tài chính và công ty nhà nước.
Hồi tháng 3, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng chi tiêu cho phát triển khoa học và công nghệ thêm 10% trong năm 2024 lên khoảng 370,8 tỉ nhân dân tệ. Sự hỗ trợ tài chính bổ sung được thực hiện dù nền kinh tế của Trung Quốc đang trì trệ, với thị trường bất động sản suy thoái.
Một số doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc đã cảm nhận được sức nóng từ những nỗ lực nhằm chuyển sang các lựa chọn thay thế trong nước.
VMware, công ty điện toán đám mây vừa được gã khổng lồ chip Broadcom (Mỹ) mua lại, đã cắt giảm quy mô đội ngũ bán hàng tại Trung Quốc vào năm ngoái, một phần do các công ty nhà nước tránh xa các dịch vụ cơ sở dữ liệu của họ, theo trang SCMP.
Trang SCMP cho biết VMware đã phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Huawei và các công ty Trung Quốc khác cung cấp giải pháp tương tự.
VMware không trả lời ngay lập tức câu hỏi về chủ đề này từ SCMP.
Cameron Johnson, chuyên gia về chuỗi cung ứng ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), nói: “Điều này không có gì mới và động lực thay thế công nghệ nước ngoài của Trung Quốc đã diễn ra trong hai thập kỷ. Các công ty Mỹ ở Trung Quốc nhận thức được động cơ của nước này trong việc ưu tiên các nhà cung cấp CNTT nội địa. Chuyện đó mâu thuẫn với việc Trung Quốc đang cố gắng thuyết phục phần còn lại của thế giới rằng họ luôn mở cửa cho hoạt động kinh doanh”.
Hôm 12.4, tờ Wall Street Journal đưa tin chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các nhà mạng viễn thông lớn thay thế chip nước ngoài trong mạng cốt lõi của họ trước năm 2027.
Cơ quan giám sát ngành đã ra lệnh cho ba nhà mạng di động nhà nước lớn nhất quốc gia này, gồm China Mobile, China Unicom và China Telecom, kiểm tra mạng của họ và đưa ra các mốc thời gian để thay thế các bộ xử lý không phải từ Trung Quốc.
China Mobile, China Unicom và China Telecom nằm trong số những nhà cung cấp đám mây và trung tâm dữ liệu lớn nhất của đất nước, sử dụng chip từ công ty Mỹ.
Theo Wall Street Journal, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã ban hành chỉ thị này vào đầu năm nay, có thể ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chip Mỹ như Intel và AMD.
Chỉ thị viễn thông nêu trên tương tự động thái của các chính phủ phương Tây cấm sử dụng thiết bị mạng Huawei vì cho rằng đây là mối đe dọa với an ninh quốc gia.
Trung Quốc đang đẩy nhanh chiến dịch loại bỏ công nghệ Mỹ, một phần là để tránh các lệnh trừng phạt ngày càng nhiều từ chính quyền Biden. Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo các cơ quan và tập đoàn được nhà nước hậu thuẫn ngừng sử dụng iPhone, thúc đẩy các công ty từ bỏ máy tính nước ngoài và yêu cầu những nhà sản xuất ô tô điện của họ dùng chip được thiết kế trong nước.
Nỗ lực rộng rãi, phối hợp này diễn ra nhanh chóng vào năm 2023 với sự trỗi dậy của các hãng công nghệ hàng đầu quốc gia như Huawei và SMIC (hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc). Điều này làm tăng triển vọng về các lựa chọn thay thế trong nước ở toàn bộ chuỗi cung ứng công nghệ.