Sóc Trăng: Hàng chục hộ kinh doanh ở hồ Nước Ngọt sắp trắng tay do bị buộc trả lại mặt bằng
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:07, 13/01/2020
Những ngày này, hàng chục hộ thuê mặt bằng kinh doanh trong khu văn hóa hồ Nước Ngọt ở P.6, TP.Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) mang tâm trạng bất an khi nhận được thông báo di dời do Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH-TT) tỉnh Sóc Trăng Lê Ngọc Huyền ký.
Thông báo di dời do bà Huyền ký - Ảnh: Hàm Yên
Theo thông báo này thì để chuẩn bị các bước bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, Trung tâm VH-TT (trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Sóc Trăng) yêu cầu các hộ kinh doanh thu dọn tài sản để di dời, giao lại mặt bằng từ nay đến hạn cuối là ngày 12.2.2020.
Thông báo của bà Huyền vấp phải sự phản ứng từ nhiều hộ kinh doanh hàng chục năm trong khu vực hồ Nước Ngọt, vì đây là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán chỉ vài ngày nên việc di dời rất khó thực hiện. Những hộ kinh doanh cho biết bức xúc nhất là trong thông báo này Trung tâm VH-TT không đề cập đến vấn đề hỗ trợ bồi hoàn phần tài sản trên đất.
Cần đảm bảo hài hòa lợi ích của các hộ kinh doanh
Theo đơn khiếu nại có trên 30 chữ ký thì những người này thuê mặt bằng của Trung tâm Văn hóa triển lãm tỉnh Sóc Trăng (tiền thân của Trung tâm VH-TT) để kinh doanh từ 10-30 năm. Ngày 1.4.2019, Trung tâm Văn hóa - triển lãm thông báo chấm dứt hợp đồng và thông báo sẽ đề xuất xin ý kiến cấp trên về hướng xử lý các hộ kinh doanh sau khi hết hợp đồng.
Đầu tháng 5.2019, Trung tâm Văn hóa triển lãm mời các hộ kinh doanh họp với sự có mặt của ông Võ Thanh Văn, Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng và ông Trần Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Sóc Trăng.
"Trong cuộc họp này, ông Văn có thông báo theo chỉ đạo của UBND tỉnh Sóc Trăng là có chủ trương bồi hoàn và hỗ trợ di dời cho tất cả các hộ kinh doanh để giữ lại cảnh quan của hồ Nước Ngọt. Ông Văn đề nghị chúng tôi tự kê khai tài sản gắn liền với đất và cây xanh trong khu vực kinh doanh, không được tự ý tháo dỡ, di dời để giữ lại cảnh quan", đơn của các hộ dân nêu.
Thực tế cho thấy trước khi có cuộc họp giữa lãnh đạo Sở Tài chính với những hộ kinh doanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí (nay đã nghỉ hưu) đã chủ trì cuộc họp với nhiều ngành để nghe báo cáo về sắp xếp nhân sự khi Trung tâm Văn hóa triển lãm sáp nhập vào Trung tâm TD-TT và giao đơn vị đầu mối xác định giá trị tài sản hỗ trợ di dời các hộ kinh doanh trong khu văn hóa hồ Nước Ngọt.
Công văn do Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp ký có nội dung không chấp nhận phương án của Sở Tài chính - Ảnh: Hàm Yên
Sau cuộc họp này, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Sóc Trăng Tôn Quang Hoàng ký thông báo ngày 7.5.2019 có nội dung ghi "Về việc xác định giá trị tài sản hỗ trợ kinh doanh tại Trung tâm Văn hóa triển lãm hồ Nước Ngọt: Giao Sở Tài chính tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn để xác định giá trị tài sản, xây dựng phương án hỗ trợ di dời đối với các hộ kinh doanh (trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của các hộ kinh doanh và phù hợp với quy định của pháp luật)".
Là người tham dự cuộc họp do ông Lê Thành Trí chủ trì, ông Huỳnh Anh Dũng, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa triển lãm hồ Nước Ngọt, nói rằng các hộ kinh doanh có nhiều đóng góp cho khu văn hóa hồ Nước Ngọt. Do đó, chủ trương hỗ trợ bồi hoàn được đưa ra là nhằm giảm thiểu một phần khó khăn cho người dân khi phải di dời.
Từ chủ trương trên, Sở Tài chính Sóc Trăng sau đó đã thuê đơn vị thẩm định giá, xác định tổng tài sản của 64 hộ kinh doanh trên 15 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong lúc người dân đang rà soát lại giá trị tài sản được thẩm định thì họ nhận được thông báo di dời từ Trung tâm VH-TT và UBND tỉnh Sóc Trăng đưa ra văn bản không đồng ý với phương án hỗ trợ di dời của Sở Tài chính.
Lá phổi xanh bị biến thành khu đô thị
Ở Sóc Trăng, hồ Nước Ngọt được người dân ví như "lá phổi xanh" của TP.Sóc Trăng vì có rất nhiều cây xanh bao quanh hồ nước rộng lớn. Tuy nhiên, ngày 13.6.2019, ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư dự án khu đô thị mới hồ Nước Ngọt. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 2.467 tỉ đồng.
Trong khi đó, cuộc họp tháng 5.2019, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí (nay đã nghỉ hưu) yêu cầu xây dựng phương án hỗ trợ di dời - Ảnh: Hàm Yên
Ông Võ Thanh Văn, Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng, cho biết đã có doanh nghiệp trúng thầu xây dựng khu đô thị mới hồ Nước Ngọt. Trước khi chuẩn bị di dời các hộ kinh doanh, lãnh đạo Trung tâm Văn hóa triển lãm hồ Nước Ngọt nói rằng có người vào hồ Nước Ngọt kinh doanh từ lúc Sóc Trăng mới tách tỉnh vào năm 1992. Khi đó, để tạo điều kiện cho hồ Nước Ngọt phát triển, Sóc Trăng kêu gọi người dân vào kinh doanh.
"Hai mươi mấy năm là lâu, quá trình kinh doanh người ta đầu tư nhiều nên anh Dũng kiến nghị xem có cách nào giúp người ta, để bà con đi vui vẻ. Thời điểm đó mình trao đổi với Sở Xây dựng, thống nhất đánh giá lại xem tài sản bên trên còn lại bao nhiêu, mình gắn vào giá trị đầu tư, xem như nhà đầu tư bỏ tiền ra trả cho dân", ông Văn nói.
Theo ông Văn, khi được UBND tỉnh Sóc Trăng đồng thuận với chủ trương trên, Sở Tài chính với Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch phối hợp người dân kiểm kê, thuê đơn vị thẩm định giá trị tài sản của các hộ kinh doanh. Tuy nhiên, khi làm xong thì Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch đưa ra ý kiến trước đây các hợp đồng đã ký đều ghi di dời không hoàn trả lại tiền đầu tư. Từ đó lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định: "Căn cứ hợp đồng mà làm".
"Nếu các hộ dân di dời, đập bỏ hết thì trong hồ tan hoang nên đề nghị hỗ trợ một phần cho dân để họ để lại hết tài sản trên đất để giữ lại cảnh quan đẹp. Quan điểm của mình lúc đó là vậy", lãnh đạo Sở Tài chính Sóc Trăng chia sẻ.
Đơn khiếu nại tập thể của hàng chục hộ kinh doanh - Ảnh: Hàm Yên
Không đồng thuận với phương án di dời mà không bồi hoàn hỗ trợ, một trong những hộ kinh doanh giải khát là ông Lê Vĩ Đại, nói: "Mấy chục năm trước hồ Nước Ngọt không ai dám vào vì tệ nạn xã hội. Hồ đẹp như hôm nay là do công sức của các hộ kinh doanh đầu tư, đóng góp vào. Chúng tôi ra đi để nhường đất cho nhà đầu tư mà không được bồi hoàn là bất hợp lý. Tôi nghe nói từng có cuộc họp nêu ra phương án là cấp nền tái định cư cho hộ kinh doanh".
Còn ông Võ Minh Tâm, chủ quán cà phê Hoa Kiểng 2 thì nói: "Trong hồ Nước Ngọt có gia đình sinh sống qua 3 thế hệ. Đó là chưa kể có người hiến hàng nghìn mét vuông đất cho Nhà nước làm công trình công cộng trong hồ Nước Ngọt mà hôm nay chúng tôi phải ra đi một cách trắng tay. Trước đây, chúng tôi vào kinh doanh vì Nhà nước kêu gọi đầu tư, ký hợp đồng theo dạng tái tục, tức là khi hết hợp đồng thì ký tiếp. Thử hỏi nếu không ký hợp đồng tái tục thì làm sao chúng tôi dám đầu tư lớn để kinh doanh như vậy?".
Hàm Yên