Tiếng thét tưởng nhớ con tê giác cuối cùng của Việt Nam
Văn hóa - Ngày đăng : 11:23, 17/04/2024
Tiếng thét tưởng nhớ con tê giác cuối cùng của Việt Nam
“Arơ Mí ơi ơ… i, ơ…i, ơ…i. A, a….a….a!” - tôi bụm hai bàn tay lại và hét to dài cái âm kia lên. Cứ thế nhiều lần. Một mình tôi với cõi rừng xưa. Có thể tiếng của tôi va mơ hồ chút nào đó vào những ngọn núi Vốt Grả, Rai a Pả lờ, Klang ai, Nhai Pả rờ, Điêng R’la (*) phía đàng xa trên kia.
Hiện thân lạ của đầm lầy
Vó Brê là vùng thung lũng trũng sình hoang dã thuở quanh đây rậm rừng nguyên sinh. Khi người Kinh xuất hiện thì nó có thêm cách gọi, là Bàu Chim. Những làng mạc nhà xây đã áp gần sát không gian Vó Brê năm nào, và dòng sông thượng nguồn Dà Đờng - dưới nữa gọi là sông Đồng Nai, rồi dưới nữa gọi là sông Sài Gòn - vẫn phía ngoài kia, cách không tới cây số theo đường chim bay. Nhưng giờ nó cũng chẳng còn chút chỉ dấu nào đáng để gọi là đầm lầy: vắng nước, vắng sình, biến mất hệ thủy sinh.
Đã hơn chục năm rồi lũ lụt không còn tràn ngập Vó Brê này, dù các thập kỷ trước đó theo quy luật tự nhiên cứ mùa mưa là liên miên núi rừng ngập lụt, tích trữ nước tự nhiên cho rừng nhiệt đới ở những thung lũng, bãi bồi, vùng trũng. Dòng sông Dà Đờng to dài nhất Nam Tây Nguyên đã có đến sáu cái đập thủy điện, nên đoạn có nước, đoạn luôn trơ đáy. Lần này tôi lội một mình, vì người bạn già tri âm của tôi Điểu K’Giang, kẻ am tường gắn bó sâu thẳm nhất với con Arơ Mí (tiếng S’Tiêng gọi loài tê giác) đã “đi gặp Yàng” rồi, vào mùa khô 2020 vì nỗi buồn rừng núi...
Cái hàng rào kẽm gai dài lê thê vắt từ mép chân cuối của sườn núi này qua chân sườn núi kia lặng thinh đứng đó. Ầy là cách thức cuối cùng cho một giải pháp an ninh tượng trưng để ngăn cách người với thú hoang khi nó phải cộng sinh với người. Mục tiêu hàng rào kẽm gai ra đời nhằm bảo vệ con Arơ Mí, từ sự tư vấn của các nhà bảo tồn động vật hoang dã của WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên). Nó ngăn phần sình lầy làm lúa nước có tên Sere đăng Plăng với Bri dà tụ tắc ke - chút thẻo sình lầy hoang dã phía trong cùng sót lại mà con Arơ Mí xuống tìm nước uống và ăn khoáng chất. Đừng vô minh mà bảo chốn đại ngàn là nơi vô chủ, bởi ở đó mọi thứ đều có tên, luôn “có chủ” hợp lẽ trời, và cũng được coi sóc và yêu thương theo một cách thức tinh tế sâu nặng ân tình.
Tôi lại hét Arơ Mí. Hét vào sự um tùm của trảng cây bụi mới kia, vào chỗ ngày nào con tê giác lê cái thân khổng lồ của nó đặt xuống sình để uống nước ở bàu. Chắc không ai còn nghĩ đến nó nữa đâu. Thì tôi nhớ. Thì tôi tự “giỗ” nó vậy, bằng cách quỳ xuống dải rừng đây hét lên tên nó. Trong “rừng” đa dạng sinh học Việt Nam có một loài mới đó đã ngừng “kêu”, để con người phải kêu thay.
Hồ sơ quần thể sống sót
Ra trường, người ta cắt cử tôi về vùng sâu xa tận cùng và cách trở này để... thường trú. Thi vị. Nhờ vậy mà xứ này vận vào tôi và tôi thương nó. Tôi thương đặc biệt loài Arơ Mí hoang dã còn ở trong rừng kia.
Thập niên 1980, 1990, vẫn còn cả những quần thể tê giác trong tự nhiên ở sườn cuối của dãy Trường Sơn (miền Cát Tiên) này. Nghĩa là không phải chỉ có một con, mà nhiều con, nhiều bầy. Nhưng những quần thể đó “teo” dần theo thời gian!
Dưới sự sốt sắng làm thay và lăn xả lẫn hối thúc của các nhà khoa học sinh thái quốc tế, Việt Nam đã chấp nhận lập vùng bảo tồn tê giác từ năm 1992 và đặt tên là Khu Bảo tồn tê giác Cát Lộc - ghép hai địa danh chung lâm phần mà tê giác sinh sống trải dài từ Cát Tiên đến rừng Bảo Lộc. Vườn Quốc gia Cát Tiên sau đó được lập với liên tụ lâm phận giáp ranh ba tỉnh Đồng Nai - Lâm Đồng - Sông Bé (sau này là Bình Phước). Tôi còn nhớ biểu tượng ban đầu của Vườn Quốc gia Cát Tiên là hình dạng loài tê giác đang sống ở đây.
Nó là tê giác Việt Nam. Hình thái của nó không giống tê giác hai sừng châu Phi mà chúng ta thường nhìn thấy trên truyền hình. Nó thấp và nhỏ con hơn. Và nó chỉ có một sừng, gần giống với loài tê giác Java ở Indonesia, song dáng nhỏ hơn chút. Vì vậy mà hồi đó các nhà động vật học thế giới xếp nó là một phân loài của tê giác Java (Rhinoceros Sondaicus). Nó đứng riêng một góc trời trong thế giới tê giác trên địa cầu. Nên tên khoa học của nó mới được đặt là Rhinoceros Sondaicus Annamiticus (tôi từng yêu cầu các nhà khoa học sinh thái phải đặt là Cattienmiticus hoặc Vietnamiticus bởi xứ Annam đã là quá khứ xa lắc).
Người S’Tiêng thấy sự tồn tại của nó là “chuyện lớn”. Các nhà động vật học, tự nhiên học, lâm học thấy nó quá quan trọng với thế giới sinh thái và đa dạng sinh học của đất nước. Nhưng đâu đó có đôi nhà lãnh đạo không thấy nó “lớn”.
Ngoan cường
Rừng núi là quê hương của nó, sinh cảnh sống của nó, nhưng “dùng” rừng như thế nào, cho việc gì thì nằm ở con người. Cả mấy chục ngàn người, với nhiều làng xã bỗng dưng “rơi” xuống, sống xung quanh nó, thì nó thoát bởi đường nào đây!?
Arơ Mí bị đoạt mạng khi Vườn Quốc gia ra đời, bởi nhân lực kiểm lâm nào của vườn mà quản nổi mọi giờ, mọi khắc trên bảy mươi ngàn hecta. Cơ chế quản lý của vườn cũng bị rượt, “bao vây”, đối phó, chạy đua bởi những làng mạc, xã huyện mới hình thành từ vùng đệm cho đến trà trộn chen vào vùng lõi của Vườn.
Tiếng người mới rộn rạo ở cánh rừng nào thì các loài khác ở đó hết quê hương. Các loài thú “ra đi” trước và thổ dân bản địa bằng kiểu gì đó sẽ là chuyển dịch sau cùng. Mọi thứ của rừng đều phải “ra đi” để phụng sự hoặc hầu hạ con người, dưới những lớp vỏ ngôn ngữ nhân đức mới hoặc ma mị.
Nó chết ngoan cường. Chết khi không còn đường nào để sống sót, sau khi cố chống chọi, đối phó, bị dồn vào ngõ cụt, cửa tử bằng cách tước đi nguồn thức ăn, bao vây, săn lùng, rượt đuổi, chung chạ... Con người không ai sống được như thế đâu Arơ Mí.
29.4.2010.
Mùa khô
Những người dân đi rừng phát hiện bộ xương của nó, sừng đã bị lấy đi, ở vùng rừng giáp ranh giữa xã Tiên Hoàng với xã Phước Cát - các xã mới được hình thành giữa không gian rừng xưa và bá tánh là những lớp người đi kinh tế mới và di cư tự do. Coi như ngày “giỗ” nó là cái ngày 29 tháng Tư ấy.
Nhiều thế kỷ qua người Việt, người Hoa, cùng các sắc dân gốc Tây Bắc ở gần biên giới Trung Quốc đã đồn thổi sừng tê là biệt dược chữa được “bá bệnh”, nhưng thổ dân miền Thượng như người S’Tiêng thì không biết dùng đến nó.
Nó chết vì cái sừng của nó.
Nó chết bởi sinh cảnh không còn.
Nó chết vì bỗng dưng phải sống chung với người. Các chuyên gia của WWF cùng chính quyền đã nhận ra vết đạn trên thân xác của nó!
WWF đã nỗ lực hết sức, tận tâm, lặn lội, giữa nhiều năm trên xứ lạ. Họ không cứu được nó cho đất nước tôi, cho nhân loại, giản dị nhất là cho thổ dân S’Tiêng vốn gắn bó, nặng nợ, và thương yêu muôn loài cùng rừng núi.
Có cái gì đó hổ thẹn.
Di ảnh thú
Cọp vẫn còn đâu đó trong đôi vườn quốc gia. Voi cũng vậy. Nhưng tê giác thì vĩnh viễn không còn, ở cái xứ sở từng đầy tê giác. Những ai trên mười lăm tuổi ở các bòn S’Tiêng tôi đi qua họ đều biết tới một loài gọi là Arơ Mí. Nhưng thử hỏi về tên loài nó thì người trẻ dưới mười tuổi đều ngơ ngác.
Nhớ về tình rừng buồn như khi suối đầm đã cạn, đất đã thay người, cây đã thay cây.
Tôi lật mấy tấm ảnh hiếm hoi mà nhà nhiếp ảnh sinh thái tài ba thiện nghệ nào đó của WWF đã chụp được về nó. Nhìn nó mà tôi rưng rưng.
Mộ phần của Điểu K’ Giang nằm cách bòn Khiêu của ông không xa. Tôi cũng tạt vào lạy hương hồn bạn già. Thầm khuyên: “Thôi, ở yên đấy hén, đừng lang thang trên rừng. Tâm lực có bền bỉ tốt và mạnh mẽ cỡ nào cũng chẳng cứu được loài nào đâu, giữa một thế gian hỗn độn!”.
Một loài trên mặt đất mất đi là một phần dương gian của chúng ta bị khiếm khuyết, tật nguyền, ám ảnh.
Nguyễn Hàng Tình
(*) Những chữ in nghiêng là thổ ngữ của người bản địa S’Tiêng (ở xã Phước Cát II thuộc huyện Cát Tiên, Lâm Đồng) gọi các nơi chốn, con vật, sự vật trong nền văn minh rừng núi của họ