Doanh nghiệp nước ngoài nêu những trăn trở với môi trường kinh doanh tại Việt Nam

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:43, 10/01/2020

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2019 (VBF) diễn ra sáng 10.1.2020, Hiệp hội các Doanh nghiệp nước ngoài đã bày tỏ những quan ngại trong quá trình đầu tư làm ăn cũng như những kỳ vọng trong chính sách của Việt Nam .
Cao tốc Bắc Nam được dành cho doanh nghiệp trong nước thực hiện - Ảnh: Internet

Trông đợi chính sách thuế công bằng, ổn định

Bà Amanda Rasmussen - Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) - cho rằng AmCham trông đợi các chính sách thuế ổn định, công bằng phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu để thu hút và duy trì đầu tư.

"Sự thay đổi trong chính sách thuế, bao gồm việc áp dụng hiệu lực hồi tố, là một trong các quan ngại lớn nhất của các doanh nghiệp thành viên của AmCham. Chúng tôi kêu gọi sự công nhận các quy định của OECD về chuyển giá, cũng như cho phép thỏa thuận trước về giá giao dịch liên kết để hỗ trợ việc lên kế hoạch kinh doanh", AmCham nêu.

Cùng với đó, AmCham cũng cho biết đang trông đợi sự cải thiện một cách hiệu quả việc giảm các gánh nặng về tuân thủ, bổ sung việc tuân thủ thời hạn 15 ngày cho các cuộc thanh tra đơn giản. Chúng tôi đề nghị cải cách các vấn đề này và các chính sách khác ở cấp độ quốc gia để củng cố lòng tin của nhà đầu tư và kích thích thương mại và đầu tư.

Đề cập đến vấn đề an ninh mạng, AmCham cho rằng việc thiếu các tiêu chuẩn, chuẩn mực kỹ thuật số và chứng chỉ số, cùng với các rủi ro về đe dọa mạng, có thể kìm hãm sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng doanh nghiệp cần thiết để thúc đẩy việc thực hiện công nghệ để hỗ trợ cho sự đổi mới và tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, các yêu cầu của pháp luật hiện hành đối với việc lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam và đặt chi nhánh/văn phòng đại diện tại Việt Nam áp đặt các gánh nặng không cần thiết cho các nhà cung cấp dịch vụ mà không mang lại lợi ích tương ứng. AmCham trông đợi các quy định hướng dẫn để làm giảm sự nhầm lẫn và giảm bớt sự không chắc chắn.

Về dịch vụ tài chính và công nghệ tài chính, AmCham cho rằng sự phát triển của dịch vụ tài chính và công nghệ tài chính sẽ phụ thuộc vào việc thực thi một khung pháp lý, chính sách và quy định mà trong đó hỗ trợ cho đầu tư và cho phép các lĩnh vực này tiếp tục đóng góp vào ngành tài chính toàn diện và thịnh vượng của Việt Nam.

Ví dụ, việc thanh toán không dùng tiền mặt là tất yếu cho sự đổi mới, thành phố thông minh và công nghiệp 4.0. Các dịch vụ đó và công nghệ hỗ trợ kèm theo đến từ các công ty tài chính công nghệ nước ngoài lớn mà hiện nay đang hoạt động và đầu tư vào Việt Nam.

Theo đó, việc đặt ra giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán nhanh và công nghệ tài chính sẽ hạn chế đáng kể khả năng của các công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính của Việt Nam trong việc kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Điều này cũng dẫn đến việc giới hạn khả năng thu hút nhân tài và làm cho các công ty khởi nghiệp kém cạnh tranh hơn so với các công ty ngang hàng trong khu vực.

"Dự thảo nghị định hiện có sửa đổi Nghị định 101 đang áp đặt một mức trần về sở hữu vốn nước ngoài có thể đi chệch hướng của sự đổi mới hiện nay và ngăn cản những thay đổi khác sắp đến. Nhìn chung, các hạn chế này có thể gây trở ngại lớn cho việc phát triển lĩnh vực này và chúng tôi hy vọng chính phủ sẽ cho phép dịch vụ công nghệ tài chính đóng góp vào nền công nghệ, tính sáng tạo và tài chính toàn diện của Việt Nam", AmCham nêu.

Gia tăng công ty Trung Quốc làm tăng rò rỉ nhân lực

Hiệp hội DN Hàn Quốc chia sẻ rằng một trong những lo ngại của họ là về nguồn nhân lực. Theo đó, sự gia tăng đầu tư của các công ty Trung Quốc ở phía bắc Hà Nội đang làm tăng sự rò rỉ nhân lực, đây là một vấn đề đối với các công ty Hàn Quốc trong tất cả các lĩnh vực. Thứ hai là về những đề nghị hỗ trợ cấp quốc gia.

Đặc biệt, khi đầu tư vào khu vực miền Trung, các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn vì thiếu nhân lực chất lượng cao và chi phí lao động đang tăng lên. Thứ ba là về khía cạnh ổn định chi phí lao động.

"Chúng tôi đã đầu tư vào Trung Quốc và khu vực Bình Dương ở miền Nam Việt Nam, và đầu tư 100 triệu đô la vào Quảng Nam vào năm 2015. Chúng tôi hiện đang sử dụng 6.700 lao động, tuy nhiên chúng tôi đang đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng trong vận hành doanh nghiệp do chi phí lao động tăng. Chúng tôi mong muốn chính phủ Việt Nam có chính sách ổn định chi phí lao động tại Việt Nam", hiệp hội này nêu.

Hiệp hội này cũng đề xuất về việc cần có thái độ ngoại giao cởi mở trong xây dựng các cơ sở hạ tầng chính tại Việt Nam. Ban đầu, đấu thầu rộng rãi có sơ tuyển (Pre-qualification) đoạn PPP của Đường cao tốc Bắc Nam được tiến hành theo phương thức đấu thầu quốc tế, tuy nhiên đã bị hủy bỏ và chỉ cho các công ty trong nước được tham gia, và ngay cả tham gia với tư cách thầu phụ cũng loại trừ các doanh nghiệp nước ngoài.

"Điều này có thể có tác động tiêu cực đến uy tín quốc gia do việc hủy bỏ đấu thầu. Bằng việc giới hạn sự tham gia của các công ty nước ngoài, chúng tôi tin rằng không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài bị tước đi cơ hội tham gia mà còn cản trở việc giới thiệu kinh nghiệm và công nghệ của các nước tiên tiến vào các dự án cơ sở hạ tầng chính của Việt Nam, không có lợi cho sự phát triển của Việt Nam. Vì lý do này, chúng tôi đề nghị rằng trong các dự án vốn trên xã hội (Social Overhead Capital Projects) sau này nên cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được tham gia vào dự án", hiệp hội này cho hay.

Lam Thanh