Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sắp bỏ phiếu về tư cách thành viên chính thức của Palestine
Chuyển động - Ngày đăng : 08:55, 18/04/2024
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sắp bỏ phiếu về tư cách thành viên chính thức của Palestine
Hãng Reuters đưa tin Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến tổ chức bỏ phiếu về tư cách thành viên chính thức của Chính quyền Palestine (PA) vào ngày 18.4.
Thời gian bỏ phiếu cụ thể là 3 giờ chiều. Nghị quyết khuyến nghị Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công nhận Palestine là thành viên cần ít nhất 9 trên tổng số 15 phiếu tại Hội đồng Bảo an và không bị bất cứ ủy viên thường trực (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) phủ quyết.
Dự thảo nghị quyết do Algeria đệ trình. Trước đó nước này kêu gọi tổ chức bỏ phiếu vào chiều 17.4, đúng dịp Hội đồng Bảo an nhóm họp bàn về tình hình Trung Đông.
Phía Mỹ tuyên bố nỗ lực thành lập một nhà nước Palestine độc lập nên diễn ra thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên chứ không phải thông qua Liên Hợp Quốc. Theo Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield: “Chúng tôi không nghĩ đệ trình một nghị quyết lên Hội đồng Bảo an chắc chắn giúp hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước trong tương lai”.
Tuần trước ủy ban kết nạp thành viên mới đã họp 2 lần thảo luận vấn đề tư cách thành viên của Palestine. Đến ngày 16.2 họ ra báo cáo ghi rằng ủy ban không thể đệ trình khuyến nghị thống nhất lên Hội đồng Bảo an do có nhiều quan điểm khác nhau.
Chiến dịch quân sự do Israel thực hiện tại Dải Gaza suốt 7 tháng qua làm sống lại lời kêu gọi công nhận một nhà nước Palestine trong cộng đồng quốc tế. Phía PA cũng tái khởi động nỗ lực xin tư cách thành viên Liên Hợp Quốc chính thức. Họ lập luận rằng 137 trên tổng số 193 thành viên hiện tại (gồm nhiều nước từ Trung Đông, châu Phi lẫn khu vực khác nhưng không có Mỹ, Canada, hầu hết Tây Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đều đã công nhận.
Nỗ lực xin trở thành thành viên Liên Hợp Quốc chính thức cho “nhà nước Palestine” vào năm 2011 từng nhận lấy thất bại. Tuy nhiên vào ngày 31.10 năm đó, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) lại bỏ phiếu chấp nhận Palestine là thành viên chính thức. Động thái này nhận phải phản ứng quyết liệt từ Mỹ và Israel, hai nước sau đó cắt viện trợ dành cho UNESCO rồi rút khỏi tổ chức vào năm 2018 (Mỹ năm ngoái vừa gia nhập lại).
Tháng 11.2012, cờ Palestine lần đầu được kéo lên tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York, sau khi Đại hội đồng bỏ phiếu trao tư cách quan sát viên cho Palestine. Ba năm sau, Tòa án Hình sự quốc tế đồng ý xem Palestine là một nhà nước.
Tại châu Âu, Bulgaria, Cyprus, Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan, Romania, Thụy Điển công nhận nhà nước Palestine.