Người lao động cần nhận diện các 'chiêu trò' lừa đảo, tránh bị chiếm đoạt tài sản

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:53, 18/04/2024

Thời gian gần đây, các nhóm lừa đảo thường 'đánh' vào tâm lý của nạn nhân, đưa ra những tình huống khơi dậy lòng tham hoặc nỗi lo sợ của nạn nhân, ví dụ như người thân đang bị tai nạn cấp cứu, tài khoản ngân hàng bị khóa, trúng giải độc đắc... để có thể thao túng tâm lý nạn nhân trong thời gian ngắn hòng chiếm đoạt tài sản.
Theo dòng thời sự

Người lao động cần nhận diện các 'chiêu trò' lừa đảo, tránh bị chiếm đoạt tài sản

laodongthudo.vn 18/04/2024 11:53

Thời gian gần đây, các nhóm lừa đảo thường 'đánh' vào tâm lý của nạn nhân, đưa ra những tình huống khơi dậy lòng tham hoặc nỗi lo sợ của nạn nhân, ví dụ như người thân đang bị tai nạn cấp cứu, tài khoản ngân hàng bị khóa, trúng giải độc đắc... để có thể thao túng tâm lý nạn nhân trong thời gian ngắn hòng chiếm đoạt tài sản.

Trao đổi tại Hội thảo “Xây dựng môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động” do Báo Lao Động tổ chức chiều 17.4, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã nêu cách nhận biết các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và một số biện pháp để phòng chống.

bbca6422b96e5030097f.jpg
Tổng biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển phát biểu tại hội thảo

Luật sư cho biết, nhóm lừa đảo thường đánh vào tâm lý của nạn nhân, đưa ra những tình huống làm khơi dậy lòng tham hoặc nỗi lo sợ của nạn nhân, ví dụ các tình huống khó xác minh như người thân đang bị tai nạn cấp cứu, tài khoản ngân hàng của nạn nhân bị khóa, trúng giải độc đắc... để có thể thao túng nạn nhân trong thời gian ngắn.

Đối tượng thường trình bày không rõ ràng, sử dụng những ngôn từ tiêu cực nhằm kích động cảm xúc như “chỉ còn một cơ hội duy nhất, tình huống nguy kịch, sẽ đến khám nhà hay bắt giữ"... Để tăng tính thuyết phục, đối tượng lừa đảo còn tìm hiểu các mối quan hệ của nạn nhân và biết tên những người thân cận của nạn nhân.

Về việc lựa chọn nạn nhân, các đối tượng này thường chọn nhóm nạn nhân có dấu hiệu hiểu biết kém về pháp luật và thông tin xã hội như trẻ em, người già... Đây là những đối tượng có nguy cơ cao hơn so với những đối tượng khác, khi không thường xuyên cập nhật thông tin về các hình thức lừa đảo mới.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo hiện nay có xu hướng lừa đảo theo nhóm nạn nhân cụ thể. Các đối tượng này sẽ thu thập thông tin khách hàng từ một số chương trình khuyến mãi sau đó gửi tin nhắn yêu cầu khách hàng nhấp vào đường link web hoặc đưa thêm thông tin, sau đó sẽ sử dụng thông tin đó để xâm nhập vào tài khoản ngân hàng, hoặc dùng thủ đoạn khác nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Trước tình trạng các phương thức lừa đảo ngày càng tinh vi, luật sư Nguyễn Văn Hậu lưu ý, người dân và đặc biệt là công nhân, lao động làm việc tại các khu công nghiệp, nhà máy cần phải trang bị cho bản thân kiến thức pháp luật cần thiết, chuẩn bị tâm lý vững vàng và luôn chú ý: Không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân; luôn kiểm tra xác thực của yêu cầu trước khi chuyển tiền, cung cấp mã OTP, hoặc thông tin tài khoản E-Banking; cài đặt bảo mật tài khoản mạng xã hội bằng xác thực 2 lớp để tăng cường an ninh.

202ef5c6288ac1d4989b.jpg
Luật sư Nguyễn Văn Hậu lưu ý, người lao động cần hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân và thông tin người thân lên mạng xã hội

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng lưu ý, cần hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân và thông tin người thân lên mạng xã hội bởi những thông tin này có thể trở thành công cụ để các nhóm lừa đảo sử dụng để thao túng tâm lý nạn nhân.

Đặc biệt, cần xác minh thông tin trước khi chuyển tiền: Nếu nhận được yêu cầu chuyển tiền từ người thân, hãy gọi điện hoặc gặp trực tiếp để xác nhận thông tin trước khi thực hiện giao dịch.

Cảnh giác với các ứng dụng vay tiền online: Không vay tiền từ các ứng dụng không rõ nguồn gốc và không nộp các loại phí đặc biệt để nhận khoản vay nếu không nằm trong thỏa thuận ban đầu giữa các bên.

Cảnh giác khi kết bạn qua mạng xã hội: Luôn kiểm tra kỹ thông tin và cẩn trọng khi tương tác làm quen, kết bạn hoặc hẹn hò qua mạng xã hội.

Không nhấp vào các link liên kết đáng ngờ, kiểm tra cẩn thận trước khi cung cấp thông tin cá nhân trên những đường link lạ; không nhập thông tin cá nhân vào các trang web không xác định hoặc không an toàn.

Kiểm tra những ký hiệu, đường dẫn bị sai lệch: Các đối tượng thường sử dụng những trang web và logo của những tổ chức uy tín như ngân hàng, công an, các bộ, ngành... Những trang web chính thức luôn có biện pháp để nhận biết thật giả được công bố trên kênh thông tin đại chúng. Vì vậy, trước khi nhập dữ liệu của những địa chỉ lậu này luôn luôn phải kiểm tra có phải chính chủ hay không.

Cảnh giác với các lời mời tham gia cộng tác: Luôn kiểm tra thông tin về công ty hoặc tổ chức trước khi đồng ý làm cộng tác viên và không tin tưởng vào các quảng cáo tuyển dụng có vẻ quá hấp dẫn.

Cập nhật thông tin về các thủ đoạn lừa đảo: Thường xuyên cập nhật và chia sẻ thông tin về các hình thức lừa đảo mới để cảnh báo cộng đồng.

Báo cáo cho cơ quan chức năng: Nếu nghi ngờ đối tượng lừa đảo hoặc vi phạm pháp luật, người dân hãy nhanh chóng báo cho cơ quan công an để được giúp đỡ và xử lý hợp lý.

"Công đoàn có thể phối hợp với Đoàn Luật sư và các tổ chức chính trị ở địa phương đẩy mạnh việc phổ biến thông tin pháp luật đến với người lao động. Công đoàn đặc biệt quan tâm hỗ trợ các lao động phổ thông trong việc phòng - chống - khắc phục với vai trò bảo vệ những lợi ích hợp pháp trong công việc cho người lao động, trong các trường hợp người lao động không may trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo nói trên. Công đoàn có trách nhiệm hỗ trợ phần nào trong việc bảo đảm quyền lợi, tạo điều kiện cho người lao động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong công tác điều tra và khắc phục hậu quả", luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất.

laodongthudo.vn