Tìm thấy vi khuẩn ngăn muỗi nhiễm vi rút sốt xuất huyết, Zika để không truyền bệnh sang người
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 19:20, 19/04/2024
Tìm thấy vi khuẩn ngăn muỗi nhiễm vi rút sốt xuất huyết, Zika để không truyền bệnh sang người
Nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã xác định được vi khuẩn đường ruột của muỗi mang tên Rosenbergiella_YN46 có thể ngăn chúng bị nhiễm những loại vi rút như sốt xuất huyết và Zika, từ đó ngăn chặn mầm bệnh này truyền sang người.
Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện này có thể cung cấp một phương pháp tự nhiên để giảm sự lây vi rút do muỗi truyền và giải quyết những mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng toàn cầu về sự bùng phát vi rút.
Nhóm nghiên cứu từ thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thâm Quyến, Côn Minh và Thập Yển ở Trung Quốc cũng như bang Connecticut tại Mỹ viết trong một bài báo đã được bình duyệt đăng trên tạp chí Science hôm 19.4: “Vi khuẩn này có thể được đưa vào quần thể muỗi ở những vùng thường xuyên xảy ra sốt xuất huyết để giảm sự lây truyền vi rút”.
Một bài báo đã được bình duyệt là được đánh giá bởi các chuyên gia trong lĩnh vực đó trước khi xuất bản. Quá trình bình duyệt nhằm đảm bảo rằng bài báo đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao về nội dung và hình thức. Các bài báo được bình duyệt thường được xuất bản trên tạp chí khoa học uy tín.
Vi rút sốt xuất huyết và Zika là những loại flavivirus gây ra các bệnh nhiễm trùng có khả năng gây tử vong ở người bị muỗi nhiễm bệnh đốt.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 100 đến 400 triệu ca nhiễm sốt xuất huyết xảy ra mỗi năm, với gần 130 quốc gia bị ảnh hưởng. WHO cũng cảnh báo rằng sự nóng lên toàn cầu có thể đẩy số ca nhiễm sốt xuất huyết cao hơn nữa do nhiệt độ ấm hơn, mưa nhiều hơn và thời gian hạn hán kéo dài hơn.
Trong quá trình tìm kiếm một phương pháp an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường để kiểm soát các bệnh do muỗi truyền, Cheng Gong (tác giả chính của bài báo trên tạp chí Science), giáo sư khoa học cơ bản y tế tại Đại học Thanh Hoa, dẫn đầu một nhóm các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu về muỗi ở tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc, vào năm 2020.
“Qua quá trình khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy bệnh sốt xuất huyết thường xuyên xảy ra ở một số khu vực trong tỉnh Vân Nam nhưng các nơi khác thì không. Hiện tượng này thu hút sự chú ý của chúng tôi vì những địa điểm này có khí hậu, môi trường và mật độ muỗi tương tự nhau. Chúng tôi được thúc đẩy để tìm ra điều gì đã tạo ra sự khác biệt”, Cheng Gong nói.
Các nhà khoa học bắt đầu thu thập hàng ngàn con muỗi từ khắp tỉnh Vân Nam và phân lập vi khuẩn từ ruột của chúng. Họ đã xác định được một loại vi khuẩn mang tên Rosenbergiella_YN46 có khả năng giúp muỗi chống lại nhiễm vi rút sốt xuất huyết và Zika.
Theo phân tích của họ, vi khuẩn tiết ra một loại enzyme giúp axit hóa ruột của côn trùng và ngăn chặn vi rút xâm nhập vào tế bào. Cơ chế này cũng có thể hoạt động để ngăn chặn tất cả loại flavivirus, chẳng hạn như vi rút viêm não Nhật Bản và vi rút sốt vàng da, lây nhiễm cho muỗi.
Tác giả chính khác là Wang Daxi, nhà khoa học cộng tác nghiên cứu tại Viện BGI Research, cho biết viện này đã sử dụng công nghệ giải trình tự mới để phân tích hiệu quả các mẫu muỗi lớn. BGI Research là viện nghiên cứu công nghệ sinh học hàng đầu tại Trung Quốc.
“Chúng tôi có thể kiểm tra hàng trăm mẫu muỗi cùng lúc và thu được thông tin chi tiết về các chủng vi khuẩn, vi rút với độ chính xác cao và chi phí hợp lý. Việc thiếu trang thiết bị tiên tiến trước đây là một trở ngại lớn”, Wang Daxi nói.
Tại tỉnh Vân Nam, nhóm nghiên cứu phát hiện vi khuẩn Rosenbergiella_YN46 phổ biến hơn trong ruột của muỗi bắt được từ các thành phố có tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết thấp như Vân Sơn và Phổ Nhĩ, so với những khu vực lưu hành bệnh này ở Tây Song Bản Nạp và Lâm Thương.
Sau đó, các nhà khoa học thực địa đã xây dựng một khuôn viên ở Tây Song Bản Nạp và thêm vi khuẩn vào nước nơi trứng muỗi sinh sôi. Họ đã chứng minh rằng vi khuẩn có thể định cư trong ruột muỗi ở mọi giai đoạn sống, làm giảm đáng kể tỷ lệ nhiễm sốt xuất huyết ở những con muỗi không quen mang vi khuẩn.
Theo Cheng Gong từ Đại học Thanh Hoa, những phát hiện này mang lại tiềm năng cho một phương pháp dựa trên tự nhiên để ngăn chặn các bệnh mà muỗi truyền trên toàn thế giới do flavivirus gây ra.
“Phương pháp kiểm soát sinh học dựa trên những phát hiện từ tự nhiên và không yêu cầu can thiệp y tế cho con người, chẳng hạn như vắc xin và phương pháp điều trị đặc hiệu vẫn chưa được phát triển. Nó cũng không dựa vào việc loại bỏ muỗi, loài có thể phát triển khả năng kháng thuốc trừ sâu”, Cheng Gong nói. Cheng Gong cho biết muỗi là một mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn và hệ sinh thái vì chúng là nguồn thức ăn quan trọng cho chim và cá.
“Yếu tố gây hại duy nhất là vi rút do muỗi mang theo. Khi muỗi không còn mang vi rút, chúng, con người và động vật đều có thể chung sống một cách hòa hợp”, Cheng Gong cho hay.
Bước tiếp theo của nhóm nghiên cứu là xác định nguồn gốc của vi khuẩn mà Cheng Gong cho rằng có khả năng đến từ lá, cành hoặc mật hoa một số loại cây nhất định. Ông chỉ ra các nghiên cứu trước đây cho thấy tất cả loài vi khuẩn thuộc chi Rosenbergiella đều có nguồn gốc từ nhựa cây hoặc mật hoa.
“Sau đó, chúng tôi có thể chuyển cây này đến Tây Song Bản Nạp để kiểm tra thêm xem muỗi có thể hấp thụ vi khuẩn đường ruột khi ăn từ cây và ngừng bị nhiễm flavivirus hay không. Nếu loại cây này phù hợp để trồng ở các hộ gia đình hoặc khu dân cư thành thị, thành quả nghiên cứu của chúng tôi có thể được áp dụng trên toàn thế giới sau khi đánh giá tính hiệu quả, an toàn và rủi ro của nó với các loài thực vật địa phương khác”, Cheng Gong nói.