Trung Quốc bị ảnh hưởng vì Tesla, Amazon, Intel và Ericsson tiếp tục sa thải nhiều nhân viên
Thế giới số - Ngày đăng : 12:20, 20/04/2024
Trung Quốc bị ảnh hưởng vì Tesla, Amazon, Intel và Ericsson tiếp tục sa thải nhiều nhân viên
Việc cắt giảm lực lượng lao động quy mô lớn tại các hãng công nghệ nổi tiếng trên toàn cầu như Tesla, Amazon, Intel và Ericsson gây ra sự lo lắng ở Trung Quốc, nơi các công ty lớn cũng tiến hành sa thải nhân viên.
Nhà sản xuất thiết bị viễn thông Ericsson (Thụy Điển) cho biết kế hoạch của họ tại Trung Quốc sẽ gồm cả việc cắt giảm khoảng 240 vị trí tại cơ sở nghiên cứu và phát triển mạng lưới cốt lõi.
Ericsson tháng trước đã thông báo sẽ cắt giảm khoảng 1.200 việc làm tại thị trường quê nhà, hiện “đa dạng hóa hoạt động nghiên cứu và phát triển của mình để phù hợp với doanh số bán hàng”. Người đại diện của Ericsson cho biết công ty “vẫn cam kết với khách hàng ở Trung Quốc” và rằng sẽ không rời khỏi thị trường này.
Gần đây, Ericsson đã dự báo về sự sụt giảm trong chi tiêu cho thiết bị mạng 5G tại các thị trường lớn, gồm cả Mỹ.
Các hãng công nghệ lớn Trung Quốc đã chứng kiến biên chế của họ bị thu hẹp vào năm 2022 và 2023 để giảm chi phí. Một công ty trong số đó đã cùng các đối tác đa quốc gia của họ tiếp tục sa thải nhiều nhân viên ở Trung Quốc.
Ví dụ, ByteDance (chủ sở hữu TikTok) đã bắt đầu sa thải nhân viên tại đơn vị hợp tác doanh nghiệp Feishu, ảnh hưởng đến khoảng 1.000 người, trang SCMP đưa tin vào tháng 3, dẫn lời một người quen thuộc với vấn đề này.
Các hãng công nghệ lớn Trung Quốc khác như Tencent Holdings, Xiaomi, JD.com, Kuaishou Technology, Didi Chuxing, Bilibili và Weibo cũng bắt đầu cắt giảm nhân sự.
Việc cắt giảm nhân viên của Tesla tại Trung Quốc (được công bố nội bộ hôm 15.4) chủ yếu liên quan đến nhân viên bán hàng và sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất trong nhà máy ở thành phố Thượng Hải.
Chỉ có vài chục nhân viên tại nhà máy ở Thượng Hải bị mất việc, đại diện cho một phần rất nhỏ trong lực lượng lao động 20.000 người tham gia lắp ráp ô tô điện Model 3 và Model Y của Tesla, nhưng một số phòng trưng bày của công ty ô tô điện Mỹ trên khắp Trung Quốc có thể sẽ phải đóng cửa, theo trang SCMP.
Việc sa thải được công bố vào đầu tháng 4 bởi Amazon Web Services (AWS), đơn vị dịch vụ điện toán đám mây của Amazon, đã ảnh hưởng đến một số lượng người không được tiết lộ, theo hãng truyền thông Leiphone (Trung Quốc). Leiphone cho biết tiền trợ cấp thôi việc cho một số nhân viên AWS ở Trung Quốc cao gấp ba lần mức lương trung bình tại địa phương của họ.
Tuy nhiên, đại diện của AWS nói thông tin này “sai thực tế” về mức bồi thường. Về việc cắt giảm việc làm, AWS cho biết “đã xác định được một số lĩnh vực mục tiêu của tổ chức cần hợp lý hóa và công ty cam kết hỗ trợ nhân viên trong suốt quá trình chuyển đổi của họ sang các vai trò mới trong và ngoài Amazon”.
Một nhân viên AWS yêu cầu giấu tên nói rằng “gió nổi lên báo trước một cơn bão sắp tới”, trích dẫn một bài thơ cổ của Trung Quốc về những dấu hiệu tiêu cực. Một nhân viên khác của Amazon tại một đơn vị không thuộc AWS cho biết một số đồng nghiệp chỉ đang chờ bị sa thải và nhận trợ cấp thôi việc.
Theo tờ Economic Daily News (Đài Loan), hãng sản xuất chip Intel (Mỹ) đã bắt đầu một đợt sa thải mới vào đầu tháng 4 tại đơn vị tiếp thị và bán hàng của mình, có thể ảnh hưởng đến hoạt động tại Trung Quốc ngay trong tuần này. Intel chưa phản hồi khi được trang SCMP đề nghị bình luận.
Bất chấp sự cắt giảm trong lĩnh vực công nghệ, tỷ lệ thất nghiệp nói chung của Trung Quốc vẫn không thay đổi. Tỷ lệ thất nghiệp chung ở khu vực thành thị của Trung Quốc ở mức 5,2% vào tháng 3, so với mức 5,3% trong hai tháng đầu năm nay.
Hôm 15.4, Tesla thông báo sẽ sa thải hơn 10% lực lượng lao động toàn cầu khi phải vật lộn với doanh số bán hàng giảm và cuộc chiến giá cả ô tô điện, theo một bản ghi nhớ nội bộ mà hãng tin Reuters nhìn thấy.
Báo cáo thường niên mới nhất cho thấy Tesla có 140.473 nhân viên trên toàn cầu tính đến tháng 12.2023.
Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla, cho biết trong bản ghi nhớ: “Khi chúng tôi chuẩn bị cho Tesla trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, điều cực kỳ quan trọng là phải xem xét mọi khía cạnh của công ty để giảm chi phí và tăng năng suất. Là một phần của nỗ lực này, chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng tổ chức và đưa ra quyết định khó khăn là giảm hơn 10% số lượng nhân viên trên toàn cầu”.
Tesla vừa báo cáo doanh số ô tô điện toàn cầu của hãng trong quý 1/2024 sụt giảm lần đầu tiên sau gần 4 năm do việc giảm giá không thể kích thích được nhu cầu.
Công ty Mỹ đã chậm cập nhật cho các mẫu ô tô điện lỗi thời trong khi lãi suất cao làm giảm nhu cầu tiêu dùng với các mặt hàng đắt tiền. Các đối thủ ở Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, đang tung ra những mẫu ô tô điện rẻ hơn.
Reuters gần đây đưa tin Tesla đã hủy bỏ phát triển ô tô điện giá rẻ (tạm gọi là Model 2) từng hứa hẹn từ lâu mà các nhà đầu tư trông cậy để thúc đẩy tăng trưởng cho công ty trên thị trường đại chúng. Elon Musk phủ nhận báo cáo này, nhưng không xác định bất kỳ điểm thiếu chính xác cụ thể nào.
Tesla đang tìm cách tăng cường tỷ suất lợi nhuận vốn đã bị sụt giảm do giảm giá liên tục, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi công ty phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ địa phương, gồm cả công ty dẫn đầu thị trường BYD và Xiaomi mới tham gia. BYD đã tạm thời vượt Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới trong quý 4/2023.
Do thiếu các lựa chọn giá thấp khiến một số khách hàng không muốn chuyển sang ô tô điện, Tesla đã chứng kiến nhu cầu giảm. Công ty Mỹ đã nhiều lần cố gắng giảm giá để cạnh tranh tốt hơn với các công ty khác, chẳng hạn BYD.
Vào tháng 1, Elon Musk đã nói với các nhà phân tích rằng các đối thủ Trung Quốc, đáng ngại nhất là BYD và Geely, sẽ đánh bại hầu hết công ty ô tô khác trên thế giới khi họ tăng doanh số ô tô điện trên toàn cầu với mức giá rẻ hơn nhiều những gì Tesla hiện có thể cung cấp.
Nỗi lo ngại của Elon Musk đã trở thành sự thật khi Tesla công bố lượng giao ô tô điện quý 1/2024 giảm 8,5% xuống còn 386.810 xe.
Việc Xiaomi vừa gia nhập vào thị trường ô tô điện Trung Quốc chắc chắn khiến Elon Musk càng lo lắng thêm về sự cạnh tranh ở quốc gia này.
Xiaomi, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc thường gắn liền với việc sản xuất smartphone, đã ra mắt chiếc ô tô điện đầu tiên của mình tại một sự kiện sang trọng ở thủ đô Bắc Kinh cuối tháng 3. Chiếc sedan Speed Ultra 7 (SU7) của Xiaomi có giá khởi điểm 30.000 USD (tương đương 215.900 nhân dân tệ).
Dù Speed Ultra 7 bước vào một thị trường đông đối thủ cạnh tranh, việc Xiaomi ra mắt mẫu ô tô điện rẻ hơn mẫu rẻ nhất của Tesla, chỉ ba năm sau khi Giám đốc điều hành Lôi Quân công bố kế hoạch xe điện, đã thu hút được sự chú ý đặc biệt, với gần 90.000 đơn đặt hàng trong 24 giờ đầu tiên.
Các công ty thường thấy giá cổ phiếu của mình tăng vọt sau khi tuyên bố cắt giảm lực lượng lao động, vì Phố Wall ủng hộ triển vọng về việc cải thiện hiệu quả và lợi nhuận. Thế nhưng, đó không phải là cách các nhà đầu tư phản ứng với tin tức mới về Tesla.
Cổ phiếu Tesla đã giảm liên tiếp những ngày gần đây và hiện chỉ còn 147,05 USD, thấp nhất 13 tháng qua, khiến vốn hóa thị trường công ty chỉ còn 460,78 tỉ USD.