Mỹ có thể viện trợ gì cho Ukraine với hơn 60 tỉ USD?
Quốc tế - Ngày đăng : 12:52, 21/04/2024
Mỹ có thể viện trợ gì cho Ukraine với hơn 60 tỉ USD?
Theo The New York Times, hoạt động cung cấp khí tài Mỹ cho Ukraine có thể khôi phục ngay sau khi dự luật viện trợ nước ngoài 95 tỉ USD được ký ban hành.
Viện trợ Ukraine vào khoảng hơn 60 tỉ USD, sẽ được dùng để bổ sung kho dự trữ quốc phòng Mỹ và mua sắm hàng loạt hệ thống phòng thủ mà phía Kyiv đang rất cần. Ngay sau khi hạ viện phê duyệt dự luật, Tổng thống Joe Biden lập tức kêu gọi thượng viện sớm bỏ phiếu thông qua.
Chưa rõ Mỹ sẽ cung cấp những khí tài gì, tuy nhiên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick Ryder vào ngày 18.4 từng nói họ dự định chuyển giao thêm đạn dược phòng không cùng đạn pháo.
“Chúng tôi có mạng lưới hậu cần mạnh, cho phép vận chuyển vật tư rất nhanh như đã làm trước đây. Việc vận chuyển chỉ mất vài ngày”, theo ông Ryder.
Hoạt động cung cấp khí tài bằng máy bay hoặc tàu từ Mỹ thường do Bộ Tư lệnh vận tải (TRANSCOM) sắp xếp. Đơn vị này nắm trong tay cơ sở dữ liệu của hàng loạt cảng hàng hóa, đường sắt, đường bộ có thể được sử dụng bởi phương tiện dân sự lẫn phương tiện quân sự trên toàn thế giới.
Một nguồn cung vũ khí cùng đạn dược khác là kho khí tài Mỹ đặt tại châu Âu. Công tác vận chuyển do Nhóm Hỗ trợ an ninh Ukraine (thành lập cuối năm 2022) với khoảng 300 nhân sự phụ trách điều phối.
Từ tháng 8.2021 đến nay Mỹ đã 55 lần dùng đến Quyền điều chỉnh nguồn lực của tổng thống (PDA) chuyển giao khí tài sẵn có trong kho dự trữ gồm phương tiện bọc thép, đạn dược, máy bay không người lái (UAV) cùng nhiều trang bị khác. Số khí tài cung cấp có tổng giá trị ít nhất 26,3 tỉ USD.
Gói viện trợ gần nhất vào ngày 12.3 trị giá 300 triệu USD, cung cấp tên lửa phòng không Stinger, đạn pháo HIMARS, đạn pháo 155mm và 105mm, súng chống tăng AT4, đạn cho vũ khí cá nhân, vũ khí phá hủy vật cản, phụ tùng lẫn trang bị phụ trợ.
Về khả năng cung cấp tên lửa dẫn đường ATACMS, ông Ryder không xác nhận nhưng cũng không loại bỏ khả năng Mỹ chuyển giao thêm.
ATACMS được phát triển vào những năm 1980 để tiêu diệt mục tiêu giá trị cao của Liên Xô nằm sâu sau chiến tuyến. Đây là tên lửa dẫn đường hiếm hoi trong thời kỳ Mỹ chủ yếu dựa vào vũ khí không dẫn đường tấn công mục tiêu trên mặt đất.
Ngày nay, Mỹ sở hữu 2 phiên bản ATACMS: loại mang bom chùm và loại mang một đầu đạn. Washington thường chỉ cung cấp cho đồng minh loại ATACMS phiên bản mang đầu đạn, vì phiên bản mang bom chùm có sức công phá lớn. Mỗi quả trị giá khoảng 1 triệu USD.
ATACMS mà Mỹ viện trợ cho Ukraine năm ngoái có tầm bắn 165km, tương thích với hệ thống pháo HIMARS, dễ dàng tiêu diệt mục tiêu (sở chỉ huy, kho đạn dược) nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Số lượng ATACMS trong kho khí tài Mỹ hiện không còn nhiều và được dành cho trường hợp chiến tranh lớn với Nga, CHDCND Triều Tiên hay Trung Quốc nổ ra. Tuy nhiên khi Lầu Năm Góc bắt đầu nhận tên lửa tấn công chính xác (PrSM) tân tiến hơn thì họ có thể cung cấp thêm ATACMS cho Ukraine.
Ngày 17.4, Lockheed Martin (đơn vị sản xuất cả ATACMS lẫn PrSM), cho biết vào năm ngoái, hãng đã giao 4 quả PrSM đầu tiên cho lục quân Mỹ. Tháng 3 năm nay họ ký hợp đồng giao thêm nhiều tên lửa nữa.
Để khôi phục hoạt động cung cấp, Mỹ phải đẩy nhanh quá trình sản xuất đạn dược mà Ukraine cần, đặc biệt là đạn pháo 155mm.
Hiện tại, thời gian sản xuất đạn pháo tại Mỹ là khoảng vài tuần. Công ty General Dynamics đang mở thêm nhà máy nhằm tăng lượng vỏ đạn. Lục quân Mỹ cho biết sản lượng đã tăng từ 14.000 - 30.000 quả/tháng, mục tiêu đến năm 2025 đạt 100.000 quả/tháng.