Cách các thành phố thích ứng với nắng nóng cực đoan

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:21, 21/04/2024

Trang Arch Daily tổng hợp một số cách được các thành phố trên thế giới triển khai để thích ứng với nắng nóng cực đoan ngày càng thường xuyên.
Khoa học - công nghệ

Cách các thành phố thích ứng với nắng nóng cực đoan

Cẩm Bình 21/04/2024 15:21

Trang Arch Daily tổng hợp một số cách được các thành phố trên thế giới triển khai để thích ứng với nắng nóng cực đoan ngày càng thường xuyên.

Tháng 6.2023, Trái đất trải qua tháng nóng kỷ lục. Nhiệt độ tại Iran lên đến 66,7 độ C – vượt xa giới hạn chịu đựng của con người. Tình trạng như vậy chẳng phải điều bất thường nữa mà là dấu hiệu nhắc nhở rõ ràng rằng hành tinh sẽ nóng dần lên khi biến đổi khí hậu thêm trầm trọng.

Nắng nóng cực đoan quét qua nhiều khu vực, từ Mỹ, châu Âu đến châu Á. Các thành phố phải tìm mọi cách để thích ứng.

Tái quy hoạch đường sá

Khi xây dựng kế hoạch chống lại nắng nóng, thành phố Arnhem của Hà Lan cân nhắc tái quy hoạch đường sá. Họ nhận ra rằng đường nhựa càng nhiều thì hiệu ứng “đảo nhiệt đô thị” càng mạng vì bề mặt đường hấp thụ nhiệt vào ban ngày và giải phóng nhiệt vào ban đêm.

Arnhem đang tiến hành đánh giá xem đường nào chưa được sử dụng đúng mức, có thể giảm làn lấy không gian trồng cây. Ngoài ra thành phố còn trồng cây dọc vỉa hè lẫn đường dành cho xe đạp nhằm tăng bóng mát, xây công viên và hồ, xác định khu vực nên giữ thông thoáng giúp điều chỉnh nhiệt độ.

cach01.png
Tái quy hoạch đường sá có thể góp phần giảm hiệu ứng "đảo nhiệt đô thị" - Ảnh: Arch Daily

Tái thiết kế không gian công cộng

Tại Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) nơi nhiệt độ gần đây lên đến 50 độ C, thành phố thử nghiệm nhiều cách ứng phó khác nhau chẳng hạn lắp bạt che nắng cho công viên ngoài trời để ban đêm mở ra giải phóng nhiệt, bố trí tường dẫn gió làm mát trực tiếp, đảm bảo khu vực ngồi nghỉ có bóng râm, lắp đặt thiết bị phun sương.

Trồng cây

Khu dân cư thu nhập thấp thường có ít cây dẫn đến thiếu bóng râm, nên các địa điểm này thường nóng hơn ít nhất 5 độ C. Một vài thành phố ở Mỹ giải quyết vấn đề bằng cách triển khai dự án trồng cây quy mô lớn.

Dallas và Phoenix trồng cây dọc theo những con đường mà học sinh tiểu học đi đến trường. Medellín và Colombia thì phát triển mạng lưới 30 “hành lang xanh” với hàng nghìn cây để người đi bộ lẫn người đạp xe thấy mát mẻ hơn.

Dự án như vậy cần đảm bảo khả năng cây sống sót trước nắng nóng. Tại Madrid của Tây Ban Nha, khu rừng bao quanh thành phố nhằm mục đích làm mát bị mệnh danh là “nghĩa địa cây” do tỷ lệ chết do hạn hán quá cao. Nhiều nơi khác rút kinh nghiệm, đa dạng hóa cây trồng và lựa chọn loài có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu.

cach.jpg
Trồng cây giúp hạ nhiệt, tạo bóng râm - Ảnh: Arch Daily

Ứng dụng kỹ thuật làm mát cổ xưa

Vài công trình tại Abu Dhabi ứng dụng kỹ thuật làm mát cổ xưa phiên bản hiện đại hóa. Ví dụ tháp Al Bahar cao 25 tầng được trang trí bằng rèm lấy cảm hứng từ lưới mắt cáo Hồi giáo truyền thống. Rèm trang bị cảm biến nên tự động mở ra khi ánh sáng mặt trời chiếu vào, qua đó giúp giảm đáng kể nhu cầu dùng điều hòa.

Còn ở Trung Quốc, thiết kế “giếng trời” thời xưa (khoảng sân râm mát lấy gió tự nhiên làm mát) ngày càng được ưa chuộng.

Sơn trắng

Phủ một lớp sơn trắng trên mái có thể phản chiếu đến 90% ánh sáng mặt trời, giúp không gian trong nhà mát hơn khoảng 30% và giảm phụ thuộc điều hòa. Thành phố New York của Mỹ áp dụng miễn phí cách này cho một vài công trình trên địa bàn (trong đó có nhà cho người thu nhập thấp) cũng như cung cấp sơn giảm giá cùng lao động sơn mái miễn phí cho nhiều công trình khác. Công nghệ mới như sơn siêu trắng phát triển bởi Đại học Purdue góp phần làm tăng hiệu quả ứng phó nắng nóng. Không ít thành phố khác như Los Angeles thậm chí còn sơn trắng đường.

cah02.jpg
Nhiều thành phố triển khai sơn trắng mái nhà và đường sá - Ảnh: Arch Daily

Bổ nhiệm chuyên gia giám sát

Ngày càng nhiều thành phố nhận thức được nguy cơ từ nắng nóng cực đoan và nhu cầu cấp thiết phải triển khai ứng phó, nên họ đặt ra vị trí chuyên phụ trách công tác này. Năm 2021 giáo sư Jane Gilbert trở thành quan chức ứng phó nắng nóng của hạt Miami-Dade, giám sát loạt sáng kiến như trồng cây, lắp đặt mái nhà và xây dựng vỉa hè làm mát, nâng cấp nhà ở cho người thu nhập thấp để kéo giảm tiêu thụ năng lượng. Chính quyền địa phương cũng ban hành nghị định mới bảo vệ lao động làm việc ngoài trời, đảm bảo họ được nghỉ giải lao thường xuyên cũng như uống nước đầy đủ khi nhiệt độ lên đến 40 độ C.

Cẩm Bình