7 yếu tố để khôi phục dữ liệu hiệu quả sau khi bị tấn công ransomware

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:00, 22/04/2024

Gần đây, các cuộc tấn công ransomware (mã độc tống tiền) đã liên tục xảy ra, dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng, gây tổn thất về dữ liệu, tài sản. Chính vì thế, các phương án khôi phục dữ liệu sau khi bị tấn công là điều đáng được quan tâm.
Khoa học - công nghệ

7 yếu tố để khôi phục dữ liệu hiệu quả sau khi bị tấn công ransomware

Nguyễn Sơn Hà 22/04/2024 14:00

Gần đây, các cuộc tấn công ransomware (mã độc tống tiền) đã liên tục xảy ra, dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng, gây tổn thất về dữ liệu, tài sản. Chính vì thế, các phương án khôi phục dữ liệu sau khi bị tấn công là điều đáng được quan tâm.

Báo cáo năm 2022 về những mối đe dọa mạng của SonicWall cho biết, trong năm 2021, thế giới có tổng cộng 623,3 triệu cuộc tấn công ransomware, tức trung bình mỗi giây có 19 ca xảy ra. Điều này cho thấy một nhu cầu cấp thiết là các tổ chức cần tăng cường khả năng an ninh mạng của mình.

anh-man-hinh-2024-04-22-luc-12.48.27.png
Trong năm 2021, thế giới có tổng cộng 623,3 triệu cuộc tấn công ransomware

Với cường độ tấn công ransomware hiện tại, các tổ chức gần như không thể đưa ra được những biện pháp ngăn chặn hoàn toàn. Do đó, “phục hồi dữ liệu” cần được ưu tiên. Đó là lý do tại sao “sao lưu dữ liệu” là một trong những phương pháp phòng vệ và phục hồi trước ransomware hiệu quả, giúp tăng khả năng hồi phục, cắt giảm downtime (thời gian ngừng hoạt động) và giảm nguy cơ mất dữ liệu.

Nắm rõ bản chất của những cuộc tấn công này, các chuyên gia từ Synology đã phân tích và xác định những yếu tố chính của một kế hoạch phục hồi sau ransomware, bao gồm:

Tránh tạo ra data silo (dữ liệu doanh nghiệp đơn lẻ, không hợp nhất): Hiện nay, với sự phát triển đa dạng của công nghệ, các công ty đang áp dụng rất nhiều công cụ trên nhiều nền tảng khác nhau để vận hành hoặc phát triển doanh nghiệp. Dữ liệu giữa các phòng ban bị phân tán sẽ tăng nguy cơ bị tấn công bằng ransomware hơn. Vì thế, các công ty cần tránh tạo ra data silo bằng cách có một cơ chế sao lưu toàn diện đối với tất cả các dữ liệu.

Sao lưu nhanh và hiệu quả: Khi phát triển nhanh chóng, các dữ liệu của doanh nghiệp không chỉ cần được lưu trữ để phân tích, mà còn được chuyển lên hệ thống lưu trữ đám mây hay đưa vào các thiết bị IoT. Khi đó, lượng dữ liệu sẽ ngày một lớn. Vì thế, các doanh nghiệp cần có một hệ thống để sao lưu dữ liệu nhanh chóng và hiệu quả. Lý do đơn giản là khi dữ liệu được sao lưu tốt, thời gian phục hồi (RPO) sẽ được rút ngắn đi.

Thời gian lưu trữ của dữ liệu sao lưu: Với tốc độ phát triển của công nghệ gần đây, ransomware hiện tại có thể ẩn mình từ 30 đến 90 ngày trước khi phát tán. Vì vậy, nguồn sao lưu cần được lưu giữ hiệu quả và an toàn, đảm bảo dữ liệu sạch và có khả năng phục hồi nhằm sẵn sàng đối phó với bất kỳ sự cố bất ngờ nào để doanh nghiệp có thể duy trì liên tục hoạt động kinh doanh.

Kiểm tra khả năng khôi phục của các bản sao lưu: Các công ty cần liên tục kiểm tra và diễn tập khả năng khôi phục của các bản sao lưu, bởi chúng ta không thể dự đoán khi nào thì các cuộc tấn công ransomware sẽ diễn ra. Việc này không chỉ giúp gia tăng độ tin cậy của các bản sao lưu, mà còn giúp các doanh nghiệp có thể nhanh chóng và thuần thục thao tác phục hồi dữ liệu khi đối mặt với ransomware.

Cấu trúc sao lưu không thể truy cập: Các phương thức tấn công ransomware phổ biến thường liên quan đến việc mã hoá dữ liệu gốc của công ty, đồng thời xoá bỏ dữ liệu sao lưu hiện có. Vì thế, các dữ liệu sao lưu của doanh nghiệp cần được duy trì đầy đủ tính bảo mật, chống giả mạo và khả năng cách ly ransomware trực tiếp trong môi trường vật lý hay kể cả trên hệ thống mạng, nhằm đảm bảo tổ chức luôn có bản sao lưu dữ liệu sạch và có thể phục hồi.

Khả năng khôi phục nhanh chóng, linh hoạt: Mục tiêu chính của các tổ chức là làm sao vẫn có thể đảm bảo duy trì vận hành khi bị ransomware tấn công. Mục tiêu này bao gồm hai điểm quan trọng chính là: “thời gian” và “sự linh hoạt”. Để giảm thiểu downtime, dữ liệu cần được phục hồi ngay lập tức để rút ngắn thời gian khôi phục. Hơn nữa, vì ransomware thường nhắm vào single platform, nên các bản sao lưu phải có khả năng khôi phục cross platform và cross-hypervisor, nhằm giảm thiểu rủi ro khi khôi phục dữ liệu.

Thân thiện với người dùng, quản lý tập trung: Môi trường công nghệ thông tin của doanh nghiệp đang ngày càng trở nên phức tạp hơn. Mặc dù đa số các doanh nghiệp vẫn đang sử dụng cơ chế bảo mật căn bản để sao lưu dữ liệu, nhưng độ phức tạp cao trong việc quản lý có thể dẫn đến sơ suất hoặc sai số chủ quan - đây là điểm yếu khi các cuộc tấn công bằng ransomware diễn ra. Vì thế, các bản sao lưu cần có chức năng quản lý tập trung, đồng thời có thể hiển thị dữ liệu cho việc giám sát, đảm bảo tất cả bản sao đều đang hoạt động bình thường.

Trong bối cảnh các cuộc tấn công ransomware ngày càng trở nên nguy hiểm, các doanh nghiệp và tổ chức cần phải tính đến nhiều phương án để sẵn sàng phục hồi dữ liệu nếu doanh nghiệp hay tổ chức bị tấn công. Không dừng lại ở việc sao lưu dữ liệu đơn thuần hay áp dụng chiến lược vàng 3-2-1, chính các bản sao lưu này cũng cần được bảo vệ tăng cường bằng nhiều lớp bảo mật khác nhau.
Đối với những bản sao, người dùng nên sao lưu nhiều lần và lưu tại nhiều vị trí khác nhau. Đồng thời cũng nên áp dụng công nghệ sao lưu bất biến (immutable backup) để đảm bảo dữ liệu không thể bị thay đổi do ransomware hay cuộc hình thức tấn công khác.
Cuối cùng, việc không kém phần quan trọng là phải đảm bảo được khả năng và tốc độ phục hồi của dữ liệu một cách hiệu quả để giảm thiểu thời gian ngừng hoạt động của doanh nghiệp và tổ chức.

Nguyễn Sơn Hà