Cà Mau: Nhiều mặt hàng khô ‘cháy’ hàng ngày cận tết
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 13:44, 21/01/2020
Ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân H.Ngọc Hiển cho biết, toàn huyện hiện có gần 20 cơ sở sản xuất tôm khô, trong đó, có 4 cơ sở sử dụng nhãn hiệu tập thể Tôm khô Rạch Gốc. Và gần 30 cơ sở sản xuất bánh phồng tôm, trong đó có 7 cơ sở được mang nhãn hiệu tập thể bánh phồng tôm Mũi Cà Mau do Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận, đảm bảo đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sản phẩm bánh phồng tôm của H.Ngọc Hiển được đánh giá rất ngon - Ảnh: Trần Khải
Trung bình, mỗi ngày sản lượng tôm khô thành phẩm được cung ứng ra thị trường từ 1 - 1,5 tấn, nhưng hiện nguồn cung không đủ cầu. Trên nét mặt rạng ngời vì thị trường khô năm nay có phần nhỉnh hơn năm trước, bà Nguyễn Thị Hồng Yến, chuyên làm khô tôm tít bán dịp tết, ngụ xã Tân Ân, cho biết: “Năm nay biển động, nên tôm tít thất mùa, nhưng đổi lại giá cao nên thu nhập gia đình cũng khá. Phải như năm trước, thì năm nay gia đình tôi ăn tết hoành tráng luôn rồi”.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Canh Tý nhưng không khí lao động của người dân đang rất tất bật - Ảnh: Trần Khải
Cũng theo bà Yến, không riêng gì mặt hàng khô tôm tít hút hàng, mà các sản phẩm như khô cá khoai, cá đù, mực… năm nay cũng khan hiếm. Nhờ đó, các mặt hàng này tăng giá rất cao, khiến cho người bán vô cùng phấn khởi.
Theo đánh giá của Hội Nông dân H.Ngọc Hiển, so với năm 2019, thì năm nay giá tôm khô mang nhãn hiệu Tôm khô Rạch Gốc có nhiều biến động, giá tăng từ hơn 20%. Nguyên nhân giá tôm khô tăng, là do sản lượng giảm, sản phẩm làm ra không đáp ứng được nhu cầu của thị trường Tết Cạnh Tý.
“Sản phẩm Tôm khô Rạch Gốc hiện nay đã vào được nhiều siêu thị lớn như Co.op Mart, một số siêu thị ở TP.HCM, Hà Nội và các công ty, doanh nghiệp chế biến thực phẩm. Đặc biệt, sản phẩm tôm chà bông cũng vừa được bình xét là hàng công nghiệp cấp Quốc gia.
Bên cạnh đó, mặt hàng bánh phồng tôm Mũi Cà Mau cũng phát triển khá nhanh và có nhiều triển vọng. Trước đây, mỗi năm mặt hàng này cung ứng ra thị trường khoảng 20 tấn, riêng năm nay tăng vọt gần 100 tấn”, ông Lâm cho hay.
Sản phẩm khô cá khoai - Ảnh: Trần Khải
Được biết, khi chưa có nhãn hiệu tập thể, thì bánh phồng tôm có giá rất rẻ, chỉ từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Từ khi có nhãn hiệu thì giá sản phẩm này tăng gần như gấp đôi, dao động từ 100.000 - 180.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng tôm khô, cá khô, mắm tôm… trên địa bàn H.Ngọc Hiển đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương, với mức thu nhập quân bình từ 4 - 7 triệu đồng/tháng.
Anh Huỳnh Văn Tứ, hộ kinh doanh, ngụ TT.Rạch Gốc, tiếc: “Hiện tôi hết hàng bán tết rồi, hổm rày hàng khan hiếm, giá tăng cao quá. Nếu biết trước tăng cao như vậy, tôi đã trữ hàng nhiều thì dịp này trúng mánh rồi. Hầu như các mặt hàng khô tết năm nay đều tăng từ 50.000 - 400.000 đồng/kg, tùy loại sản phẩm. Không có mặt hàng nào mà không tăng đâu, bây giờ “cháy” hàng luôn rồi”.
Các gia đình khẩn trương sản xuất khô để cung ứng cho thị trường - Ảnh: Trần Khải
“Mặt hàng tôm khô, bánh phồng tôm đến thời điểm này tại các cơ sở vẫn còn sản xuất để cung ứng cho thị trường. Các mặt hàng này năm nay khan hiếm, nhiều cơ sở hiện đã “cháy” hàng. Riêng sản phẩm mắm tôm, có rất nhiều người làm, nhưng vẫn “cháy” hàng luôn. Nguyên nhân, là do năm nay mất mùa, nên nguồn nguyên liệu khan hiếm”, ông Lâm thông tin.
Trần Khải