Phó thủ tướng yêu cầu rà soát việc gia tăng nhập khẩu thép cán nóng
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:13, 23/04/2024
Phó thủ tướng yêu cầu rà soát việc gia tăng nhập khẩu thép cán nóng
Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng để chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp.
Công văn số 2684/VPCP-TH ngày 23.4.2024 nêu: Văn phòng Chính phủ có báo cáo số 1309/BC-VPCP ngày 14.4.2024, trong đó tóm tắt bài viết về việc lượng nhập khẩu thép cán nóng (HRC) tăng mạnh lên hơn 9,6 triệu tấn, chủ yếu là từ Trung Quốc và Ấn Độ, đăng trên báo chí.
Về vấn đề này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng thời gian vừa qua để chủ động thực hiện biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng ngành sản xuất trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Thống kê của hải quan cho hay trong 3 năm trở lại đây nhập khẩu HRC vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Đơn cử, năm 2023, tổng lượng nhập khẩu HRC là 9,64 triệu tấn, trong đó riêng nhập từ Trung Quốc là 6,3 triệu tấn. Con số tương ứng của năm 2022 là 8,1 triệu tấn và 3,3 triệu tấn.
Trong quý 1/2024, nhập khẩu thép HRC đạt 3 triệu tấn, gấp 1,5 lần so với lượng sản xuất trong nước, riêng lượng nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng đột biến, chiếm 75% tổng lượng nhập.
Trước thực trạng này, các doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất HRC tại Việt Nam quy mô lớn là Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa đã nộp đơn đề nghị Bộ Công thương mở cuộc điều tra chống bán phá giá với hàng HRC nhập khẩu.
Sau đó, có 12 doanh nghiệp đã lên tiếng yêu cầu không tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu, là Tập đoàn Hoa Sen, Công ty cổ phần Thép TVP, Công ty cổ phần Tôn Đông Á, Công ty cổ phần Thép Nam Kim, Công ty Tôn Phương Nam, Công ty cổ phần Tôn Pomina, Công ty cổ phần Sản xuất thép Vina One, Công ty cổ phần Sản xuất, kinh doanh thép Việt Nhật, Công ty cổ phần Kim khí Nam Hưng…
Bác bỏ ý kiến nói nhập khẩu HRC từ Trung Quốc gây thiệt hại cho ngành sản xuất HRC của Việt Nam, các doanh nghiệp này cho rằng sản phẩm HRC từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đang không bán phá giá, vì biên độ phá giá chỉ 1,26%. Trong khi đó, Luật Quản lý ngoại thương quy định không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu có biên độ bán phá giá không vượt quá 2% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp nói trên, hiện có 2 doanh nghiệp sản xuất được HRC tại Việt Nam với gần 80% ngành HRC nội địa. Một khi thuế chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc được áp dụng, 2 doanh nghiệp này sẽ độc quyền hoàn toàn nguồn cung, dẫn tới việc tăng giá bán khiến giá bán thành phẩm tăng tương ứng. Khi đó, giá nhập khẩu HRC cũng tăng cao. Nếu áp thuế chống bán phá giá, chắc chắn ngành sản xuất tôn mạ, ống thép tại Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Đối tượng chịu thiệt là người tiêu dùng.
Tuy nhiên, số liệu thực tế cho thấy thị phần của HRC nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga cũng rất ổn định với mức 23 - 25% nhiều năm qua và sẽ gia tăng trong trường hợp các nhà sản xuất Trung Quốc, Ấn Độ bán phá giá có khả năng bị áp thuế. Do vậy, lo ngại doanh nghiệp trong nước độc quyền là điều không thực tế.
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngày 19.3, cục đã nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép HRC có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ của các doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước.
Sau khi xem xét hồ sơ yêu cầu điều tra của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, căn cứ quy định tại điều 28 và điều 30 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại đã có thông báo đề nghị các doanh nghiệp nộp hồ sơ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hồ sơ để làm rõ các nội dung, thông tin có liên quan đến cáo buộc về hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước theo đúng quy định.