Ông Biden ký luật cấm TikTok, các công ty Mỹ có thể trở thành mục tiêu trả đũa của Trung Quốc
Thế giới số - Ngày đăng : 11:22, 25/04/2024
Ông Biden ký luật cấm TikTok, các công ty Mỹ có thể trở thành mục tiêu trả đũa của Trung Quốc
Sau khi Tổng thống Joe Biden ký ban hành luật có thể loại TikTok khỏi thị trường Mỹ, Trung Quốc phải quyết định cách tốt nhất để trả đũa việc công ty đáng giá nhất của mình bị tấn công.
Đạo luật được ông Biden ký ban hành tối 24.4 sẽ yêu cầu ByteDance (tập đoàn Trung Quốc sở hữu TikTok) có một năm để thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ, nếu không ứng dụng chia sẻ video ngắn đình đám này phải đối mặt với lệnh cấm hoàn toàn. Tại cuộc họp giao ban hàng trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gợi ý các phóng viên về tuyên bố từ Bộ Thương mại nước này vào tháng trước rằng sẽ thực hiện “các biện pháp để kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Đến nay, chính phủ Trung Quốc vẫn thể hiện sự kiềm chế trong việc ứng phó trước làn sóng hạn chế thương mại từ Mỹ trong mùa bầu cử. Sự điều tiết của Trung Quốc trở nên hợp lý hơn khi chính quyền Biden thực hiện những hành động mang chủ yếu mang tính biểu tượng, chẳng hạn áp đặt thuế quan với kim loại mà Trung Quốc xuất khẩu rất ít sang Mỹ.
Tuy nhiên, việc đưa TikTok hoặc ByteDance ra khỏi Mỹ có thể thách thức sự kiềm chế đó. Năm ngoái, Trung Quốc đã thể hiện sẵn sàng đáp trả việc Mỹ thực hiện chiến dịch nhằm hạn chế họ tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến, cụ thể là tiến hành cuộc điều tra Micron Technology (hãng sản xuất chip nhớ số 1 Mỹ).
“Trung Quốc hiện vẫn để ngỏ các lựa chọn”, theo Xiaomeng Lu, Giám đốc công nghệ địa lý tại Eurasia Group - công ty tư vấn rủi ro chính trị hàng đầu thế giới. Bà Xiaomeng Lu nói nếu TikTok cạn kiệt các lựa chọn pháp lý của mình và phải rời khỏi Mỹ, “một số thương hiệu công nghệ Mỹ có thể có nguy cơ chịu thiệt hại trong chu kỳ ăn miếng trả miếng này”.
Các hạn chế về internet của Bắc Kinh đã buộc hầu hết công ty truyền thông xã hội Mỹ rời khỏi thị trường Trung Quốc, gồm cả Meta Platforms và Snap, thu hẹp danh sách các mục tiêu tiềm năng cho một phản ứng ăn miếng trả miếng. Bất kỳ hành động nào từ Trung Quốc đều có thể cố gắng tránh gây tổn hại cho nền kinh tế của họ, khi các nhà hoạch định chính sách đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng bất động sản đè nặng lên tăng trưởng cùng nhu cầu trong nước yếu kém.
Căng thẳng thương mại gia tăng xảy ra khi Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken đến Trung Quốc trong tuần này để nhấn mạnh những lo ngại của Mỹ về việc các công ty Trung Quốc có thể hỗ trợ cho quân đội Nga. Chính quyền Biden đã đe dọa Trung Quốc bằng các biện pháp trừng phạt với các ngân hàng của nước này nếu họ hỗ trợ chiến dịch của Nga ở Ukraine. Đây là động thái có nguy cơ làm tổn hại đến sự hợp tác giữa Mỹ với Trung Quốc tại các điểm nóng địa chính trị khác như Trung Đông và Triều Tiên.
Một vấn đề cần cân nhắc khác là cảm quan, sau khi đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua vào năm 2023. Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã tới thành phố San Francisco (Mỹ) vào tháng 11.2023 để thu hút các CEO Mỹ và chào đón lãnh đạo các công ty nước ngoài ở thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 3, khi các quan chức tăng cường nỗ lực thúc đẩy gây dựng niềm tin.
Wei Zongyou, giáo sư về chính sách đối ngoại và an ninh Mỹ tại Đại học Phúc Đán ở thành phố Thượng Hải, nói: “Nếu họ trừng phạt các công ty Mỹ, điều này có thể làm tăng thêm mối lo ngại của các công ty Mỹ về việc hoạt động ở đó. Điều đó đồng nghĩa khả năng áp dụng thêm các hạn chế và trừng phạt với các công ty Mỹ ở Trung Quốc là không lớn”.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có những vũ khí khác ít được biết đến hơn, gồm cả việc hạn chế Mỹ tiếp cận nền kinh tế số 2 thế giới.
Các cơ quan nhà nước và công ty Trung Quốc được chính phủ hậu thuẫn đã ra lệnh cho nhân viên ngừng mang iPhone cùng các thiết bị nước ngoài khác đi làm vào năm ngoái. Đây là lệnh cấm chưa từng thấy trước đó, có thể làm giảm doanh số bán hàng của Apple tại Trung Quốc. Ô tô điện Tesla vốn đã phải chịu những hạn chế trong các cơ quan chính phủ do lo ngại về dữ liệu được thu thập bằng camera tích hợp trên xe.
Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục áp dụng thêm các lệnh cấm sử dụng phần cứng của Mỹ, có khả năng gây áp lực lên các công ty như Microsoft và Intel. Nhiều công ty lớn điều hành các nhóm vận động hành lang có ảnh hưởng ở Mỹ từng phản đối việc chính quyền Biden trừng phạt Trung Quốc sâu rộng hơn vì sợ mất quyền tiếp cận thị trường này.
Intel đã buộc phải từ bỏ thương vụ mua lại Tower Semiconductor trị giá 5,4 tỉ USD năm ngoái sau khi không giành được sự chấp thuận kịp thời của cơ quan quản lý Trung Quốc. Đây là được coi là phản ứng của Trung Quốc trước việc chính quyền Biden thắt chặt hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến đến quốc gia châu Á.
Theo Li Mingjiang, Phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), dù ông Tập Cận Bình đặt ra mục tiêu lâu dài cho Trung Quốc là độc lập về công nghệ, việc xa lánh các công ty nước ngoài trong lĩnh vực đó sẽ chỉ làm chậm sự phát triển của Trung Quốc. Ông nói: “Điều Trung Quốc muốn bây giờ là giảm bớt sự tách rời công nghệ với Mỹ. Trừng phạt một hãng công nghệ Mỹ sẽ không có ích cho mục đích này”.
Hành động có thể xảy ra nhất là Trung Quốc sẽ cố gắng ngăn chặn việc bán TikTok cho một thực thể của Mỹ. Trung Quốc có thể tận dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mà họ áp đặt vào năm 2020 với các thuật toán điều chỉnh nội dung, vốn là trung tâm cho sự thành công toàn cầu của TikTok. Tuy nhiên, đó là động thái sẽ buộc ByteDance phải rời khỏi thị trường Mỹ thay vì chấp nhận thoái vốn khỏi TikTok.
TikTok cho biết sẽ có hành động pháp lý để chống lại luật mới mà ông Biden vừa ký ban hành. Điều đó sẽ chứng kiến TikTok dựa vào lập luận của Tu chính án thứ nhất trong Hiến pháp Mỹ, như từng thực hiện để chống lại lệnh cấm của bang Montana, trong một nỗ lực có thể kéo dài nhiều năm.
Tu chính án thứ nhất là một trong những điều khoản quan trọng nhất của Hiến pháp Mỹ. Nó bảo vệ các quyền tự do cơ bản thiết yếu cho một xã hội dân chủ. Tu chính án này đã được sử dụng để bảo vệ nhiều loại hình ngôn luận, gồm cả bài phát biểu chính trị, báo chí tự do và biểu tình.
Shou Zi Chew, Giám đốc điều hành TikTok, tuyên bố sẽ đấu tranh trước tòa để chống lại luật mới có thể khiến TikTok bị cấm tại Mỹ.
"Hãy yên tâm, chúng tôi sẽ không đi đâu cả. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi của các bạn tại tòa án. Sự thật và Hiến pháp Mỹ đứng về phía chúng tôi", Shou Zi Chew nói tối 24.4, ngay sau khi Tổng thống Joe Biden ký ban hành luật liên quan đến TikTok.
Ở một diễn biến khác, ông Donald Trump, người trước đây cố gắng cấm TikTok khi còn làm Tổng thống Mỹ, có thể sẽ cứu nguy cho nền tảng này nếu thắng cuộc bầu cử trước ông Biden vào tháng 11 tới. Cựu Tổng thống Mỹ bày tỏ lo ngại việc cấm TikTok sẽ giúp Facebook của Meta Platforms lớn mạnh hơn.
Zhu Feng, Hiệu trưởng Trường Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Nam Kinh, cho biết Trung Quốc hiện phải chờ xem cuộc bầu cử Mỹ diễn ra như thế nào. Ông nhấn mạnh rằng luật này có tác động đến cả hai quốc gia.
Theo Zhu Feng, loại lệnh cấm này không chỉ gây tổn hại cho Trung Quốc mà “còn gây tổn hại với 170 triệu người Mỹ sử dụng ứng dụng TikTok”.