TP.HCM lập Ban Chỉ đạo xây dựng Thành phố học tập
Giáo dục - Ngày đăng : 14:05, 25/04/2024
TP.HCM lập Ban Chỉ đạo xây dựng Thành phố học tập
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng Thành phố học tập trên địa bàn.
Theo đó, Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc có nhiệm vụ tổ chức triển khai, tham mưu thực hiện các tiêu chí của Bộ tiêu chí Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO; triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch thực hiện xây dựng Thành phố học tập giai đoạn 2024-2030 trên địa bàn thành phố.
Ban Chỉ đạo do ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM làm Trưởng ban, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM làm Phó trưởng ban thường trực. Ban Chỉ đạo còn có các phó trưởng ban và nhiều thành viên thuộc các sở ngành liên quan.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng quyết định thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT làm tổ trưởng.
Nhiệm vụ của của thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng Thành phố học tập trên địa bàn TP.HCM do người đứng đầu tổ chức phối hợp liên ngành phân công.
Ban Chỉ đạo họp định kỳ hằng quý hoặc 6 tháng một lần để rà soát, đánh giá tình hình, kết quả đạt được theo yêu cầu đề ra và giải quyết các khó khăn, vướng mắc nếu có.
Trước đó, Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024-2030” trong ngành năm 2024.
Một số nội dung thực hiện trong năm 2024 là:
Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về xây dựng thành phố học tập UNESCO. Trong đó, tập trung tổ chức tuyên truyền, thông tin nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên về học tập suốt đời, xây dựng thành phố học tập trong nền kinh tế số, xã hội số.
Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng thành phố học tập: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các đơn vị; đa dạng hóa phương thức tổ chức học tập của người học; tổ chức các chương trình giáo dục trên kênh phát thanh, truyền hình, các ứng dụng truyền hình của các đài phát thanh, truyền hình.
Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng công nghệ số của các mạng xã hội để triển khai các hoạt động xây dựng thành phố học tập; xây dựng kho học liệu mở phục vụ việc tự học và học tập suốt đời của người dân TP; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân TP.
Triển khai xây dựng hệ thống, phần mềm quản lý và báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ số trong Bộ tiêu chí thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
Phối hợp tổ chức các hội thảo nhằm giao lưu, đẩy mạnh hợp tác trong giáo dục, hướng đến xây dựng TP.HCM trở thành nơi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, là điểm đến cho người học, người dạy và cộng đồng các nước trong khu vực và thế giới.
Tăng cường việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm với các thành phố thành viên khác trên thế giới, cập nhật kiến thức và thực tiễn tại các hội thảo, hội nghị học tập toàn cầu của UNESCO; tích cực tham các chương trình, hội thảo, sự kiện do UNESCO tổ chức.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực học tập suốt đời, xây dựng thành phố học tập; tổ chức các buổi hội thảo trong nước để chia sẻ kinh nghiệm với các thành phố thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng thành phố học tập toàn cầu của UNESCO với thành phố Sơn La, thành phố Bangkok (Thái Lan).