Nông sản Việt Nam xuất không được, giữ lại không xong

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:01, 11/02/2020

Việc xuất khẩu nhỏ giọt nông sản qua Trung Quốc khiến nông sản Việt Nam lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa cơn bão coronavirus. Nếu phải trữ kho lạnh để bảo quản chờ xuất đi được, thì phí thuê container lạnh và tiền điện có thể lên đến 200 triệu đồng/container.
Hàng ngàn container xếp hàng ở cửa khẩu Tân Thanh chờ xuất hàng sang Trung Quốc - Ảnh: TTXVN

Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Tiền Giang hôm 10.2, Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T - ông Nguyễn Đình Tùng, cho biết, hiện kho lạnh của tập đoàn này đã không còn đủ chỗ để dự trữ lượng hàng mà đơn vị này mua vào.

Ông Tùng thông tin, những năm trước ông cho mua rải đều nông sản - cụ thể là trái cây, và cho cấp đông xuất khẩu. Sau đó, mới mua lượng hàng mới. Còn hiện tại giữa tâm bão do coronavirus, ông phải đẩy mạnh mua vào để phần nào đó tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Điều này, khiến lượng hàng mua vào tăng đột biến, gấp 8, 9 lần so với những năm trước.

Chỉ riêng trái sầu riêng, mỗi ngày tập đoàn này mua vào khoảng 30 tấn, tương đương với 2 container. Khi nhà nhà kho của công ty không còn chỗ để trữ và bảo quản, những đơn vị như Vina T&T buộc phải đi thuê container lạnh để trữ hàng với chi phí không hề nhỏ. Cụ thể, 1 container lạnh sẽ có giá thuê khoảng 9 triệu đồng/tháng - tăng gấp đôi với thời điểm bình thường. Chưa hết, để chạy 1 contaner lạnh, phải tiêu tốn khoảng 1 triệu đồng tiền điện mỗi ngày.

Ông Tùng tính toán và cho rằng, thời điểm xuất container đầu và container cuối có thể cách nhau đến 5 tháng giữa tình hình hiện tại. Như vậy, mỗi tháng 1 container tốn khoảng 39 triệu đồng để bảo quản nông sản, 5 tháng sẽ khiến 1 container đội giá lên gần 200 triệu đồng chi phí bảo quản. Điều này khiến cho nông sản Việt Nam rơi vào cảnh đi không được, ở lại không xong.

Đại diện 1 doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cho rằng, trong hoàn cảnh này, nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận rủi ro để tham gia tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Bộ Công thương và Chính phủ cần có những chỉ đạo với Hiệp hội Logistics để có động thái hỗ trợ về kho lạnh hoặc miễn giảm tiền điện cho doanh nghiệp khi dự trữ, bảo quản hàng hóa. Điều này góp phần giảm tải những chi phí mà đáng lý không phát sinh cho doanh nghiệp.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng cần có những hỗ trợ cho những doanh nghiệp như Vina T&T vượt qua giai đoạn khó khăn. Các doanh nghiệp logistics phải cùng chung tay tiêu thụ trái cây cho bà con nông dân chứ không phải lợi dụng thời điểm khó khăn này để đẩy giá thuê kho lạnh, container lạnh lên cao.

Giữa bão coronavirus đang hoành hành ở TP.Vũ Hán (Trung Quốc), nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, chủ lực là các loại nông sản. Điều này một lần nữa khiến chúng ta “bừng tỉnh” khi bấy lâu nay quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong việc tiêu thụ nông sản.

Tổng cục Hải quan thống kê rằng, trong năm 2019 chỉ riêng rau quả đã chiếm kim ngạch xuất khẩu 3,75 tỉ USD. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 64,8%, tương đương với 2,43 tỉ USD. Với những con số biết nói này, khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp đóng của khẩu biên giới để phòng chống, giảm thiểu sự lây lan của coronavirus, nông sản Việt Nam lập tức “nhảy múa”.

Trước đây, đã có nhiều chuyên gia kinh tế cảnh bảo những hệ lụy, hạn chế khi nông sản Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Việc 1 thị trường đông dân như Trung Quốc, lại có chung đường biên giới, không thể phủ nhận những thuận lợi khi đưa nông sản vào. “Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại cho chúng ta nhận thức rằng, việc đa dạng thị trường tiêu thụ mới là biện pháp lâu dài, hiệu quả cho nông sản Việt”, một chuyên gia kinh tế nhận định.

Thanh Nguyên