Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 22:55, 26/04/2024

Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Bảo vệ môi trường

Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long

Văn Kim Khanh 26/04/2024 22:55

Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".

gp-2.jpg
Các diễn giả thảo luận tại hội thảo - Ảnh: Văn Kim Khanh

Hội thảo nhằm thúc đẩy, tìm giải pháp, đề xuất cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng nguồn nước hợp lý, hướng tới phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Qua đó, lan tỏa truyền thông giúp các địa phương, người dân, doanh nghiệp có thông tin đầy đủ hơn về tình hình hạn mặn, thiếu nước trong sản xuất, sinh hoạt. Từ đó, có những hành động thiết thực từ việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, sản xuất trước diễn biến cực đoan của thời tiết hiện nay.

gp-4.jpg
Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Văn Kim Khanh

Thông tin tại hội thảo, ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, nguồn nước mặt ở ĐBSCL phụ thuộc vào thượng nguồn sông Mê Kông. Vì vậy, các hoạt động khai thác phía thượng nguồn lưu vực sông Mê Kông đã và đang là nguy cơ trực tiếp làm suy giảm nguồn nước chảy vào Việt Nam.

Ngoài ra, ĐBSCL cũng đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn. Cùng với đó là vấn đề suy giảm dòng chảy, xâm nhập mặn và nguy cơ ô nhiễm xuyên biên giới, áp lực về gia tăng dân số và phát triển kinh tế xã hội...

Về giải pháp trước mắt cho nguồn nước cho ĐBSCL, ông Hiếu cho rằng cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, cập nhật liên tục các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, hạn hán... của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Từ đó, các địa phương chủ động trong triển khai các kế hoạch sản xuất, thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Trong đó, cần ưu tiên cao nhất đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

gp-3.jpg
PGS-TS Lê Anh Tuấn, giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ trình bày tham luận tại hội nghị. - Ảnh: V.K.K

PGS-TS Lê Anh Tuấn, giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) cũng nêu lên báo động về an ninh nguồn nước vùng ĐBSCL. Ông Tuấn cho rằng giải pháp sống còn cho vấn đề an ninh nguồn nước ở ĐBSCL là tập trung cắt giảm các sản xuất công nghiệp có mức xả thải cao.

Bên cạnh đó, PGS-TS Lê Anh Tuấn cũng đề ra các giải pháp như: vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước; chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tưới cho cây trồng để hạn chế thiệt hại; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước, linh hoạt tích trữ nước ngọt, tránh lãng phí nguồn nước.

Ngoài ra, cần rà soát và cơ cấu lại diện tích cây trồng, khuyến cáo thực hiện chuyển đổi mùa vụ nhằm hạn chế thiệt hại do hạn mặn gây ra; triển khai các phương án ngăn mặn, giữ ngọt. Theo ông Tuấn, chỉ có những giải pháp đồng bộ mới có tác dụng lâu dài đối với tài nguyên nước ở ĐBSCL.

gp-6.jpg
Thiết bị phục vụ kiểm soát nhiễm mặn của Trà Vinh - Ảnh: Văn Kim Khanh

Góp ý về giải pháp lâu dài, các chuyên gia cho rằng cần đầu tư, hiện đại hóa các công trình hạ tầng mang tính tổng thể, đồng bộ, liên vùng để giảm thiểu xâm nhập mặn vào ĐBSCL. Tăng cường vai trò của Ủy ban sông Mekong Việt Nam trong quản lý tổng hợp lưu vực sông Cửu Long; đảm bảo phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan nghiên cứu, tổ chức, nhà khoa học và cộng đồng tham gia trong quá trình ra quyết định và theo dõi, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước tại ĐBSCL. Ngoài ra, tiếp tục đàm phán, hợp tác với các quốc gia thượng nguồn có hồ chứa thủy điện lớn, kể cả ở dòng chính và dòng nhánh, để vận hành phát điện, xả nước xuống hạ du, bảo đảm duy trì chế độ dòng chảy trên sông ở mức phù hợp...

Hội thảo "Tìm giải pháp nguồn nước cho đồng bằng sông Cửu Long" - Clip: Văn Kim Khanh

Văn Kim Khanh