2 kịch bản dự kiến cho giá cả dưới ảnh hưởng của coronavirus
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:50, 08/02/2020
Trong đó, đánh giá về tác động đến giá cả, lạm phát, Bộ KH-ĐT cho biết trường hợp dịch do coronavirus kết thúc ở quý 1/2020, giá các mặt hàng thực phẩm có nguy cơ tăng cao hơn ở quý 2/2020 (so với kịch bản ngày 31.1.2020).
Nếu dịch do coronavirus tiếp tục diễn biến sang quý 2/2020, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống sẽ tăng cao hơn do hoạt động sản xuất giảm sút và tăng vào các tháng cuối năm.
Cụ thể với kịch bản thứ nhất: Giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc chỉ tăng cao vào các dịp lễ Tết do nhu cầu tăng, sau đó trở về mức ổn định theo đúng quy luật tiêu dùng; ảnh hưởng của dịch do coronavirus kết thúc ở quý 1/2020, CPI tháng 2 và tháng 3.2020 giảm so với tháng trước; giá xăng dầu, giá gas không tăng so với năm 2019; giá dịch vụ giáo dục tăng theo lộ trình tác động làm tăng CPI 0,35%. Dự báo CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 3,96%.
Còn ở kịch bản thứ hai: Giả thiết như kịch bản 1 nhưng giá thịt heo bình quân năm 2020 tăng thêm 10% tác động vào CPI khoảng 0,42%; giá xăng dầu điều chỉnh tăng thêm 5% tác động lên CPI tăng khoảng 0,5%; giá gas tăng 10% ước tính sẽ tác động làm CPI tăng khoảng 0,12%; thiên tai và thời tiết bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cho thủy điện có thể xảy ra; dịch do coronavirus tiếp tục diễn biến sang quý 2/2020. Dự báo CPI bình quân năm 2020 so năm 2019 tăng 4,86%.
Để đối phó với tình hình hiện nay, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã yêu cầu các hệ thống phân phối lớn đều tăng dự trữ nguồn hàng của quý 1/2020 từ 30-50% so với năm 2019.
Đơn cử có một doanh nghiệp cung cấp lớn đã báo cáo số lương tăng khoảng từ 30-50% các mặt hàng thiết yếu như: gạo tăng 50%, thịt lợn tăng 30%, thịt gà 30%, các loại như thịt bò, hải sản, thực phẩm chế biến thì đều tăng khoảng 40%, rau củ quả, dầu ăn cũng như vậy.
Vụ Thị trường trong nước còn làm việc với các nhà phân phối lớn và những nhà sản xuất để có kịch bản, phương án đáp ứng đủ nguồn hàng, các nhu yếu phẩm, kể cả kịch bản xấu nhất khi dịch bệnh bùng phát theo cấp độ cao nhất.
Khả năng không đạt mục tiêu tăng trưởng
Kịch bản 1: Nếu dịch do coronavirus được khống chế kịp thời trong quý 1/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01), trong đó quý 1 tăng 3,8%; quý 2 tăng 6,55%; quý 3 tăng 7,07% và quý 4 tăng 6,81%.
Kịch bản 2: Nếu dịch do coronavirus được khống chế trong quý 2/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01), trong đó quý I tăng 3,8%; quý 2 tăng 5,81%; quý 3 tăng 7,05% và quý 4 tăng 6,81%.
Bộ KH-ĐT đánh giá, để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là thách thức rất lớn, khả năng sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Thi Anh