Hãng robot hình người hàng đầu Mỹ tham gia cuộc đua công nghệ chạy bằng điện do Trung Quốc thống trị
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 19:03, 28/04/2024
Hãng robot hình người hàng đầu Mỹ tham gia cuộc đua công nghệ chạy bằng điện do Trung Quốc thống trị
Boston Dynamics, một trong những công ty robot hàng đầu thế giới, tuyên bố sẽ ngừng phát triển robot hình người chạy bằng thủy lực và thay vào đó tập trung chế tạo robot chạy bằng động cơ điện. Đây là phân khúc mà các hãng công nghệ Trung Quốc đang ngày càng thống trị.
Công ty Boston Dynamics (có trụ sở tại Mỹ) gần đây phát hành một video tuyên bố robot hình người thủy lực mang tên Atlas sẽ ngừng hoạt động. Được biết đến với sự nhanh nhẹn như con người và những màn nhào lộn thành công, Atlas đã thu hút khán giả trên toàn thế giới.
Video giới thiệu Atlas thực hiện các thao tác như lộn ngược, vượt chướng ngại vật và khiêu vũ cùng những robot chó. Ngoài ra, video cũng cho thấy những trục trặc của Atlas, gồm cả một cú lộn ngược không thành công khiến đầu gối robot bị hư.
Mới đây, Boston Dynamics đã giới thiệu sản phẩm kế thừa chạy hoàn toàn bằng điện của Atlas, nhấn mạnh vào “các ứng dụng trong thế giới thực” của nó.
Robot thủy lực có sức mạnh chân tay lớn hơn, hệ thống thủy lực của chúng lại phức tạp và phản ứng chậm hơn. Trong khi động cơ điện nhẹ hơn, linh hoạt hơn, nhanh hơn và chi phí thấp hơn.
Cũng có tên là Atlas, mẫu robot thế hệ tiếp theo của Boston Dynamics có các động cơ điện riêng lẻ ở mỗi khớp, giúp nó có phạm vi chuyển động rộng hơn, đứng dậy từ tư thế nằm sấp – điều mà robot thủy lực và con người không thể làm được.
Việc Boston Dynamics chuyển hướng từ robot chạy bằng thủy lực ban đầu sang phiên bản điện đánh dấu sự thay đổi hướng tới các chiến lược mà các công ty Trung Quốc đã theo đuổi nhiều năm.
Unitree Robotics, nhà sản xuất robot hàng đầu Trung Quốc, đã chế tạo robot chạy bằng điện của riêng mình. Tháng trước, công ty có trụ sở tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) đã phát hành đoạn video về robot điện hình người mang tên H1 thực hiện động tác lộn ngược.
Theo trang web của Unitree Robotics, hệ thống truyền động điện của H1 “cung cấp tốc độ, sức mạnh, khả năng di chuyển và tính linh hoạt chưa từng có trong phân khúc của nó” và có thể chạy với tốc độ lên tới 11,9km/h. Điều này khiến H1 trở thành “robot nhanh nhất thế giới”.
Tại Cuộc thi Robot hình người Vận động Quốc tế năm 2023, được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Robot hình người Quốc tế IEEE 2023 ở thành phố Austin (bang Texas, Mỹ), H1 của Unitree đã giành vị trí số 1 trong phần vượt chướng ngại vật và đứng thứ hai ở nội dung đi bộ tự do, vượt trội so với các đối thủ như Apollo của Apptronik (Mỹ) và Kangaroo từ PAL Robotics (Tây Ban Nha).
Boston Dynamics là công ty lớn trong lĩnh vực robot hình người hơn một thập kỷ. Các sản phẩm của hãng đã xử lý xuất sắc nhiều loại vật nặng, hình dạng không đều nhau và tiếp tục thiết lập các tiêu chuẩn ngành về hiệu suất phần cứng.
Song theo Jizhishuo - blogger công nghệ độc lập, trong lĩnh vực thương mại hóa robot hình người, Trung Quốc dường như đã dẫn đầu về tiến bộ công nghệ. Robot chạy bằng điện yên tĩnh hơn, hiệu quả hơn và tốn ít chi phí bảo trì hơn mà không có nguy cơ rò rỉ chất lỏng.
Các công ty Trung Quốc cũng đang đi tiên phong về tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực lái ô tô tự động. Ví dụ, trong khi Tesla cam kết chỉ sử dụng cảm biến hình ảnh, các công ty Trung Quốc như Nio, BYD, Xpeng và Huawei đã tích hợp hệ thống LiDAR với camera, tận dụng sự kết hợp nhiều cảm biến và thuật toán tinh vi để cải thiện các ô tô tự hành của họ.
Hệ thống dựa trên thị giác được sử dụng trong các mẫu ô tô cấp thấp hơn, chẳng hạn xe điện Huawei Luxeed S7, chủ yếu để giảm chi phí.
Nhật Bản vẫn là nước dẫn đầu về sản xuất động cơ và phụ tùng cơ khí tốt nhất nhưng đang mất dần thị phần.
Tính đến năm 2023, Trung Quốc đứng đầu thế giới, cả về số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế robot hình người và số bằng sáng chế hợp lệ, vượt qua Nhật Bản, theo Viện Nghiên cứu Trực tuyến thuộc Nhân dân Nhật báo, trích dẫn số liệu thống kê từ báo cáo Phân tích Bằng sáng chế Công nghệ Robot hình người tháng 11.2023.
Sự khác biệt trong việc áp dụng công nghệ này cũng thúc đẩy sự đổi mới từ các nhà cung cấp thượng nguồn (cung cấp linh kiện, vật liệu cho sản xuất robot). Kể từ năm 2000, các công ty Trung Quốc đã nộp 25.957 bằng sáng chế liên quan đến LiDAR, so với 18.821 của các công ty Mỹ và 13.939 của những công ty Nhật Bản, theo hãng phân tích Patent Result có trụ sở tại Tokyo (thủ đô Nhật Bản).
LiDAR (Light Detection and Ranging) là một phương pháp đo khoảng cách tới mục tiêu bằng cách chiếu sáng mục tiêu đó với tia laser và đo các xung phản xạ bằng cảm biến.
Nói một cách đơn giản hơn, LiDAR hoạt động như một radar sử dụng ánh sáng thay vì sóng vô tuyến. Tia laser được phát ra từ thiết bị LiDAR, sau đó va chạm với vật thể và phản xạ trở lại thiết bị. Dựa trên thời gian mà tia laser mất để đi và về, thiết bị LiDAR có thể tính toán được khoảng cách đến vật thể.
LiDAR có nhiều ứng dụng khác nhau, bao gồm:
Khảo sát và lập bản đồ: LiDAR có thể được sử dụng để tạo ra bản đồ 3D chi tiết về địa hình, tòa nhà và các đối tượng khác.
Lái xe tự hành: LiDAR được sử dụng trong xe tự hành để giúp chúng "nhìn thấy" môi trường xung quanh và tránh chướng ngại vật.
Kiểm tra và bảo trì: LiDAR có thể được sử dụng để kiểm tra các cấu trúc và thiết bị để phát hiện hư hỏng hoặc lỗi.
Khảo cổ học: LiDAR có thể được sử dụng để khám phá các di tích khảo cổ ẩn dưới lòng đất.
Nông nghiệp: LiDAR có thể được sử dụng để đánh giá sức khỏe của cây trồng và xác định các khu vực cần tưới nước hoặc bón phân.
LiDAR là một công nghệ mạnh mẽ với nhiều ứng dụng tiềm năng. Khi công nghệ tiếp tục phát triển, chúng ta có thể mong đợi sẽ thấy LiDAR được sử dụng theo những cách mới và sáng tạo hơn nữa.
Dưới đây là một số điểm khác biệt chính giữa LiDAR và các công nghệ khác:
- Radar sử dụng sóng vô tuyến để đo khoảng cách, trong khi LiDAR sử dụng ánh sáng. Điều này có nghĩa là LiDAR có độ phân giải cao hơn và có thể hoạt động trong điều kiện tầm nhìn thấp.
- Sonar sử dụng sóng âm thanh để đo khoảng cách, còn LiDAR sử dụng ánh sáng. Điều này có nghĩa là LiDAR có phạm vi hoạt động ngắn hơn nhưng có độ chính xác cao hơn.
- Camera chụp ảnh, còn LiDAR đo khoảng cách. Điều này đồng nghĩa LiDAR có thể cung cấp thông tin về thế giới 3D, còn camera chỉ có thể cung cấp thông tin 2D.
LiDAR là công nghệ tương đối mới nhưng đã nhanh chóng trở thành một công cụ quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Khi chi phí của LiDAR tiếp tục giảm và hiệu suất được cải thiện, chúng ta có thể mong đợi sẽ thấy nó được sử dụng rộng rãi hơn nữa.