Bloomberg lật tẩy việc Huawei bí mật tài trợ hoạt động nghiên cứu tiên tiến ở Mỹ

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 21:30, 02/05/2024

Huawei, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại từ năm 2019, đang bí mật tài trợ cho các nghiên cứu tiên tiến tại các trường đại học Mỹ, gồm cả Harvard, thông qua một quỹ độc lập có trụ sở tại Washington D.C.
Nhịp đập khoa học

Bloomberg lật tẩy việc Huawei bí mật tài trợ hoạt động nghiên cứu tiên tiến ở Mỹ

Sơn Vân {Ngày xuất bản}

Huawei, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại từ năm 2019, đang bí mật tài trợ cho các nghiên cứu tiên tiến tại các trường đại học Mỹ, gồm cả Harvard, thông qua một quỹ độc lập có trụ sở tại Washington D.C.

Huawei là nhà tài trợ duy nhất cho một cuộc thi nghiên cứu đã trao giải thưởng hàng triệu USD kể từ khi thành lập vào năm 2022 và thu hút hàng trăm đề xuất từ ​​​​các nhà khoa học trên khắp thế giới, gồm cả nhà khoa học tại các trường đại học hàng đầu Mỹ đã cấm nhân viên của họ làm việc với công ty Trung Quốc này, theo hãng tin Bloomberg.

Cuộc thi được quản lý bởi Optica Foundation, chi nhánh của tổ chức phi lợi nhuận Optica (có trụ sở ở Washington D.C, thủ đô Mỹ), nơi các thành viên nghiên cứu về ánh sáng làm nền tảng cho các công nghệ như truyền thông, chẩn đoán y sinh và laser.

Một tài liệu không công khai mà Bloomberg nhìn thấy cho biết Optica Foundation "không được yêu cầu chỉ định Huawei là nguồn tài trợ hoặc nhà tài trợ chương trình" của cuộc thi và "sự tồn tại và nội dung thỏa thuận này cùng mối quan hệ giữa các bên cũng sẽ được coi là thông tin bí mật".

bloomberg-lat-tay-viec-huawei-bi-mat-tai-tro-hoat-dong-nghien-cuu-tien-tien-o-my-2-.jpg
Trụ sở chính của Optica tại Washington D.C, thủ đô Mỹ - Ảnh: Bloomberg

Các phát hiện này tiết lộ một chiến lược mà Huawei đang sử dụng để luôn dẫn đầu trong việc tài trợ cho nghiên cứu quốc tế bất chấp việc Mỹ áp đặt nhiều hạn chế trong những năm qua nhằm giải quyết lo ngại rằng công nghệ của hãng này có thể bị Trung Quốc sử dụng như công cụ gián điệp. Huawei có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc.

Các ứng viên và quan chức trường đại học được Bloomberg liên hệ cũng như một trong những giám khảo cuộc thi nói họ không biết về vai trò của Huawei trong việc tài trợ cho chương trình đến khi được phóng viên hỏi. Một số ứng viên được Bloomberg phỏng vấn tin rằng số tiền này đến từ Optica Foundation chứ không phải từ một thực thể nước ngoài.

Trên trang web của Optica Foundation liệt kê 11 cơ hội giành “Giải thưởng & học bổng nghề nghiệp sớm”. Ngoại trừ cuộc thi do Huawei tài trợ với giải thưởng 1 triệu USD mỗi năm (gấp 20 lần giải thưởng tiền mặt hàng năm có giá trị cao thứ hai), tất cả đều liệt kê các nhà tài trợ tài chính là cá nhân và doanh nghiệp.

Một phát ngôn viên của Huawei nói công ty và Optica Foundation đã tạo ra cuộc thi để hỗ trợ nghiên cứu toàn cầu và thúc đẩy giao lưu học thuật. Người phát ngôn này cho biết tên của Huawei được giữ kín để cuộc thi không bị coi là quảng cáo và không có mục đích xấu.

Liz Rogan, Giám đốc điều hành Optica, nói rằng một số nhà tài trợ cho OpticaFoundation “thích giấu tên, gồm cả các nhà tài trợ ở Mỹ và rằng không có gì bất thường về cách làm này”.

Liz Rogan cho biết khoản tài trợ của Huawei đã được cố vấn pháp lý bên ngoài xem xét và giành được sự chấp thuận của hội đồng quản trị Optica Foundation. Bà nói: “Chúng tôi hoàn toàn minh bạch về nguồn tài trợ và hỗ trợ cho các chương trình của quỹ với hội đồng quản trị Optica Foundation, hội đồng quản trị và nhân viên Optica”.

Nỗ lực bí mật ở Mỹ trái ngược với các sáng kiến ​​công khai của Huawei ở một số nước châu Âu. Ví dụ, Pháp và Đức là nơi có các trung tâm khoa học mang thương hiệu Huawei bất chấp Ủy ban châu Âu khuyến nghị loại bỏ thiết bị của công ty Trung Quốc này khỏi mạng của các quốc gia thành viên vì rủi ro bảo mật.

Báo cáo thường niên năm 2023 của Optica Foundation ghi nhận Huawei trong phần liệt kê “các nhà tài trợ cấp cao nhất” đã quyên góp hơn 1 triệu USD kể từ khi tổ chức này thành lập hơn 2 thập kỷ trước. Google và Meta Platforms, hai gã khổng lồ công nghệ Mỹ, nằm trong số những nhà tài trợ ở mức cao thứ hai, đã quyên góp từ 200.000 USD trở lên.

Báo cáo không nêu rõ thời điểm bất kỳ nhà tài trợ nào đưa tiền, số tiền đó được sử dụng vào mục đích gì hoặc họ đã tặng bao nhiêu.

Sợ mất tài trợ từ các nguồn liên bang Mỹ gồm Lầu Năm Góc và Quỹ Khoa học Quốc gia vì lo ngại về an ninh, nhiều trường đại học Mỹ đã yêu cầu các nhà nghiên cứu cắt đứt quan hệ với Huawei những năm gần đây. Các trường học này cũng tăng cường chính sách yêu cầu các học giả tiết lộ nguồn tài trợ nước ngoài.

Có thể không vi phạm các quy định của Bộ Thương mại Mỹ

Kevin Wolf, thành viên tại công ty luật Akin chuyên về kiểm soát xuất khẩu, cho biết thỏa thuận tài trợ bí mật của Optica Foundation có thể không vi phạm các quy định do Bộ Thương mại Mỹ đặt ra về việc ngăn chặn các cá nhân và tổ chức chia sẻ công nghệ với Huawei. Đó là bởi những quy định như vậy không áp dụng cho loại nghiên cứu mà cuộc thi đang yêu cầu - khoa học nhằm mục đích xuất bản, được công bố công khai để chia sẻ với cộng đồng nghiên cứu và công chúng, Kevin Wolf nói. Tuy nhiên, nếu Huawei chịu lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ, hoạt động này có thể sẽ không hợp pháp, theo Kevin Wolf.

Các chuyên gia về an ninh nhận định việc thiếu minh bạch trong thỏa thuận này vi phạm tinh thần của các chính sách trong trường đại học và cơ quan tài trợ của Mỹ yêu cầu các nhà nghiên cứu tiết lộ liệu họ có nhận được tiền nước ngoài hay không. Họ cũng cho biết một số nghiên cứu thu được có thể có liên quan đến cả quốc phòng và thương mại.

Các chủ đề mà Optica Foundation nêu ra trong một bài đăng trực tuyến là đáng quan tâm, gồm “các giải pháp dưới biển và trong không gian cho mạng lưới truyền thông toàn cầu”, “các cảm biến và máy dò quang học có độ nhạy cao”.

“Thật là tồi tệ khi một quỹ nghiên cứu uy tín lại nhận tiền ẩn danh từ công ty Trung Quốc, gây ra nhiều lo ngại về an ninh quốc gia cho chính phủ Mỹ”, theo James Mulvenon, nhà thầu quốc phòng từng nghiên cứu các vấn đề an ninh nghiên cứu và đồng tác giả của cuốn sách quan trọng về gián điệp công nghiệp Trung Quốc.

Jeff Stoff, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu An ninh & Chính trực phi lợi nhuận, nói việc tài trợ cho cuộc thi có thể cho phép Huawei tác động đến "các dự án nghiên cứu họ muốn thực hiện mà không cần ký hợp đồng trực tiếp với các tổ chức học thuật". Ông cho biết Huawei có thể sử dụng thỏa thuận này để tuyển dụng nhân tài bằng cách tài trợ cho các ứng viên quan tâm và mua lại tài sản trí tuệ từ nghiên cứu của họ trong tương lai.

Kevin Gamache, Giám đốc nghiên cứu an ninh của Đại học Texas A&M nói trường này không biết về sự tham gia của Huawei vào cuộc thi trước khi được Bloomberg liên hệ. Sau đó, trường đã xem xét vấn đề và được biết rằng hai nhà nghiên cứu của họ đã nộp đơn xin giải thưởng, cả hai đều không biết về nguồn tài trợ của cuộc thi.

Kevin Gamache cho biết: “Chúng tôi có các quy trình có thể xác định và ngăn chặn các liên kết với Huawei trừ khi chúng bị che giấu nghiêm trọng như thế này”.

Ít nhất một người nộp đơn tham gia cuộc thi đến từ Viện Công nghệ Massachusetts, nơi vào năm 2019 thông báo sẽ ngừng chấp nhận sự hợp tác mới với Huawei. Người phát ngôn Viện Công nghệ Massachusetts từ chối bình luận, ngoài việc chỉ ra chính sách của trường này.

bloomberg-lat-tay-viec-huawei-bi-mat-tai-tro-hoat-dong-nghien-cuu-tien-tien-o-my-1-.jpg
Huawei phải chịu các hạn chế từ Mỹ trong nhiều năm qua vì lo ngại rằng công nghệ của hãng có thể bị Trung Quốc sử dụng để do thám - Ảnh: Bloomberg

Người chiến thắng của các trường đại học

Optica Foundation yêu cầu các trường đại học có nhà nghiên cứu được tài trợ phải thay mặt người chiến thắng nhận tiền. Một số trong đó, gồm Đại học Harvard, Đại học Nam California, Đại học Vanderbilt tại Mỹ cũng như Đại học British Columbia và Đại học Wilfrid Laurier ở Canada, từ chối bình luận về việc liệu có hành động để đáp lại những phát hiện của Bloomberg hay không.

Người phát ngôn của Đại học Harvard cho biết trường này có chính sách không hợp tác với Huawei.

Eric Mazur (giáo sư vật lý Đại học Harvard), Chủ tịch hội đồng quản trị của Optica Foundation mà Giám đốc điều hành Optica cho biết đã chấp thuận thỏa thuận với Huawei, nói trong một tuyên bố: "Khi Optica Foundation phát triển và tiếp tục khám phá các hướng đi để mở rộng chương trình của chúng tôi, chúng tôi cam kết đảm bảo các chính sách minh bạch rõ ràng liên quan đến nguồn tài trợ của mình".

Người phát ngôn Đại học Nam California, nơi có hai người chiến thắng hai năm qua, nói họ tuân thủ các quy định của Mỹ về báo cáo quà tặng và hợp đồng nước ngoài. Người này cho biết: “Không có dấu hiệu nào để nghi ngờ bất kỳ sự liên quan nào của nước ngoài vào thời điểm các khoản thanh toán được thực hiện và tương tự như vậy, hiện tại chúng tôi cũng không có dấu hiệu nào như vậy”.

Alan Willner, giáo sư kỹ thuật Đại học Nam California từng là giám khảo của cuộc thi, không trả lời khi được đề nghị bình luận.

Một phát ngôn viên Đại học British Columbia cho biết trường có mối quan hệ với Optica Foundation và cả trường này lẫn người nộp đơn giành chiến thắng đều không biết vào thời điểm giải thưởng được trao rằng nó được tài trợ bởi một bên thứ ba.

Đại diện của Đại học Washington và Đại học Arizona (một trong những trường dạy quang học hàng đầu Mỹ) không trả lời các câu hỏi về việc Huawei tài trợ cho các ứng viên của họ.

Chuyên gia quang học Huawei

Theo một người quen thuộc với vấn đề này, Huawei đã trở thành thành viên của Optica (tổ chức mẹ của Optica Foundation) vào cuối năm 2021 ngay khi cam kết tài trợ cho cuộc thi. Theo các tài liệu không công khai được Bloomberg xem xét, Huawei có kế hoạch tài trợ cho cuộc thi này trong một thập kỷ, nghĩa là sẽ trao tổng cộng 10 triệu USD dựa theo các khoản từng giải ngân trước đây.

Huawei có một nhà điều hành trong ủy ban tuyển chọn gồm 10 người của cuộc thi, đó là Xiang Liu.

Xiang Liu là nhà khoa học sống ở Hồng Kông, trưởng nhóm chuyên gia về tiêu chuẩn quang học của Huawei, theo hồ sơ LinkedIn cá nhân. Hồ sơ cho biết vào năm 2021, Xiang Liu đã xuất bản một cuốn sách về công nghệ truyền thông 5G sau hơn 7 năm làm việc tại đơn vị Futurewei của Huawei tại Mỹ. Trước khi lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Cornell (Mỹ), Xiang Liu đã học tại Viện Vật lý của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, trực thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc.

Khi cuộc thi bắt đầu vào năm 2022, Xiang Liu trong một bài đăng trên LinkedIn đã cảm ơn Optica Foundation “vì sáng kiến ​​​​tuyệt vời này” và cho biết sẽ phục vụ trong ban tuyển chọn. Chad Stark, Giám đốc điều hành của Optica Foundation và là người ký trên các tài liệu mà Bloomberg nhìn thấy, đã cảm ơn Xiang Liu vì đã chia sẻ thông tin về cuộc thi. Chad Stark không đề cập đến vai trò là nhà tài trợ duy nhất của Huawei.

Tháng trước, Xiang Liu được quảng cáo là người điều hành một phiên Optica họp trực tuyến về “các công nghệ tiên tiến đang cách mạng hóa khả năng kết nối giữa các trung tâm dữ liệu”. Dù liệt kê công ty chủ quản của những người tham gia hội thảo (tất cả đều là hãng công nghệ lớn Mỹ) trong các tài liệu tiếp thị sự kiện, Optica chỉ mô tả Liu là thành viên của Optica và một hiệp hội nghề nghiệp khác.

Xiang Liu chuyển các câu hỏi của Bloomberg cho Huawei và Chad Stark không trả lời khi được đề nghị bình luận.

Sơn Vân