Đấu thầu vàng: Không hủy thì ế hàng, mục tiêu hạ nhiệt thị trường vàng thất bại?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:39, 05/05/2024
Đấu thầu vàng: Không hủy thì ế hàng, mục tiêu hạ nhiệt thị trường vàng thất bại?
Ngân hàng Nhà nước mở 4 phiên đấu thầu vàng, nhưng hủy đến 3 lần. Một phiên đấu thầu diễn ra thì cũng chỉ bán được 20% số vàng chào thầu cho 2 đơn vị.
Đấu thầu vàng miếng: Không hủy thì ế, vì sao?
Sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước đã đấu thầu vàng miếng trở lại nhằm tăng cung cho thị trường, kéo giảm chênh lệch giá trong nước và thế giới.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã lần thứ 4 tổ chức phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Cơ quan này công bố mức sàn để các đơn vị trả giá 82,9 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu tham dự, do đó phiên đấu thầu dự kiến diễn ra lần thứ 4 là ngày 3.5 tiếp tục bị hủy.
Như vậy, trong 4 lần Ngân hàng Nhà nước gọi thầu, có tới 3 lần thất bại do không đủ số lượng doanh nghiệp bỏ phiếu. Lần duy nhất tổ chức thành công là hôm 23.4 cũng chỉ bán được 20% số lượng vàng chào thầu cho 2 đơn vị.
Sau thông báo hủy thầu, giá vàng miếng SJC tăng mạnh lên mốc lịch sử. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn đang để giá vàng mua-bán vàng miếng ở mức 83,5 - 85,8 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao kỷ lục của vàng miếng SJC từ trước đến nay.
Đấu thầu vàng miếng được cho là giải pháp giảm chênh lệch giá vàng miếng trong nước với thế giới. Tuy nhiên, liên tiếp hủy thầu và 1 lần đấu "ế" khiến mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế đang gặp thách thức. Giá vàng vẫn liên tục tăng, thậm chí còn tăng trong khi giá vàng thế giới giảm.
Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu hạ nhiệt thị trường vàng hoàn toàn thất bại khi giá vàng miếng SJC ngày càng cao. Nếu không thay đổi cách thức đấu thầu vàng và sửa Nghị định 24 thì khó có thể kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới.
Trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần xem xét mức đặt cọc để phù hợp hơn. Tỷ lệ đặt cọc 10% là con số khá lớn. Theo ông, nếu sửa các điều kiện và mức giá sàn thì tỷ lệ vàng trúng thầu thành công sẽ cao hơn.
"Song, đấu thầu vàng không phải là giải pháp căn cơ. Giải pháp lâu dài và hiệu quả nhất chính là xem xét chỉnh sửa Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cho phù hợp với bối cảnh hiện nay", ông Thịnh nói.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng muốn bỏ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế thì nên dùng các biện pháp thương mại, không nên dùng các biện pháp tiền tệ như đấu giá vàng miếng.
"Hãy cho phép một số công ty kinh doanh vàng đủ điều kiện xuất nhập khẩu vàng. Chính phủ cần dùng công cụ mạnh nhất để xử lý vấn đề này là thuế. Hiện nay, hải quan điện tử đã có thể quản lý tốt nhập khẩu vàng. Với thị trường trong nước, cần áp dụng hóa đơn điện tử cho hoạt động mua bán vàng", ông Nghĩa cho hay.
Theo vị chuyên gia này, đấu thầu vàng miếng có thể tạo ra tâm lý yên tâm ngắn hạn cho nhà đầu tư, song giải pháp căn cơ nhất, dài hạn nhất là cho phép xuất nhập khẩu vàng tự do và áp dụng chính sách thuế phù hợp. Ông Nghĩa cũng cho rằng cần trả lại lại vàng cho thị trường, cụ thể là trả lại thương hiệu SJC để doanh nghiệp có thể kinh doanh một cách bình đẳng.
Đồng quan điểm với chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng khối lượng tối thiểu đặt thầu cũng như mức giá đặt cọc rất bất hợp lý. Điều này khiến rất hiếm doanh nghiệp có thể trúng thầu. Thậm chí, doanh nghiệp vàng cũng không dám tham gia, nhất là ở trước kỳ nghỉ lễ dài vì sức mua yếu và rủi ro rất lớn nếu trong thời gian nghỉ lễ giá vàng thế giới đã có phiên giảm mạnh.
Mức giá mua bán vàng miếng lên 83,5 - 85,8 triệu đồng/lượng hiện nay được xem là mức giá cao kỷ lục của vàng miếng SJC từ trước đến nay. Trong khi giá vàng thế giới 24 giờ qua trong xu hướng đi xuống, giá vàng miếng trong nước lại xác lập kỷ lục mới và nới rộng khoảng cách với giá vàng thế giới. Giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới 15 triệu đồng/lượng.
Xử lý doanh nghiệp bán hàng không xuất hóa đơn
Trong chỉ thị ngày 2.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thanh tra ngay với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.
Thủ tướng yêu cầu các giao dịch mua, bán kim loại quý này phải có hóa đơn điện tử để tăng minh bạch. Các doanh nghiệp không thực hiện, chế tài mạnh nhất là thu hồi giấy phép hoạt động. Các yêu cầu này được Chính phủ đưa ra nhiều lần trong thời gian gần đây, khi giá vàng liên tục biến động, chênh cao với giá thế giới.
Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nhu cầu tiêu thụ vàng, như năm 2023 khoảng 55,5 tấn, theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới. Nhưng các giao dịch mua bán vàng, bạc thường nhỏ lẻ, không đủ hóa đơn, chứng từ, thiếu tính minh bạch, chênh lệch giá trong nước và thế giới cao...
Tổng cục Thuế cho biết thời gian qua ngành này có nhiều giải pháp để kiểm soát việc xuất hóa đơn điện tử với các giao dịch mua bán vàng. Tuy nhiên, để kiểm soát được toàn bộ các giao dịch, ngành thuế cho rằng cần sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương.
Thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết đến nay toàn quốc đã có 53.425 cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, trong đó có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc và sử dụng trên 1 triệu hóa đơn điện tử.
Tổng cục Thuế kiến nghị trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.
Tổng cục Thuế cũng đề nghị UBND các tỉnh thành chỉ đạo các cơ quan ban ngành, địa phương triển khai các chuyên đề rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh vàng bán hàng không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua; tổ chức việc giám sát, kiểm tra việc duy trì, chấp hành của các cơ sở kinh doanh vàng đã áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền