Ký ức hào hùng của những người chiến sĩ Điện Biên
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:45, 06/05/2024
Ký ức hào hùng của những người chiến sĩ Điện Biên
Cách đây tròn 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. 70 năm đã trôi qua, ký ức hào hùng về những ngày tháng chiến đấu khốc liệt vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, cùng niềm tự hào không thể mờ phai.
Một thời hoa lửa
Cựu chiến binh, Anh hùng lao động Lê Xuân Bá (hiện sinh sống ở phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) sinh năm 1935 ở huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Năm 18 tuổi, chàng trai Lê Xuân Bá xung phong đi bộ đội, được biên chế về Đại đội 34 công binh, Tiểu đoàn 18, Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308) - Đại đoàn Quân tiên phong.
Trở thành chiến sĩ công binh, ông Bá cùng đồng đội trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, với nhiệm vụ ban đêm ra trận địa đào chiến hào, giao thông hào, ban ngày đào hầm cho Bộ Chỉ huy chiến dịch. Qua lời kể của ông, việc đào hầm, chiến hào bằng xẻng nhỏ, phải nằm sát đất để đào, đào được một lỗ rồi khoét sâu, mở rộng ra. Mặc bom, đạn của địch liên tục bắn ra ngăn cản việc đào hầm, các chiến sĩ của ta vẫn miệt mài đào.
“Ngày 7.5.1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Khi đó, địch đã hoàn toàn giơ cờ trắng, súng thì vứt xuống đầu hàng. Tôi vô cùng phấn khởi, cảm giác sung sướng lắm. Sau đó, tôi cùng đồng đội trong đơn vị đi cùng tù binh tháo gỡ, dọn dẹp bom mìn do địch cài trên chiến trường, dọn dẹp xong thì chuẩn bị cho lễ mít tinh mừng chiến thắng”, cựu chiến binh Lê Xuân Bá tự hào kể lại.
Sau lễ mừng chiến thắng, Đại đoàn 308 trở lại An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên), ông Bá cùng đồng đội được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên - kỷ vật mang đầy niềm tự hào mà ông trân quý, lưu giữ đến ngày nay.
Cùng niềm tự hào như cựu chiến binh Lê Xuân Bá, cựu chiến binh Nguyễn Đình Viên (sinh năm 1927, quê ở tỉnh Hà Tĩnh, hiện sinh sống ở phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột) vinh dự được có mặt trong đoàn quân làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Ngày tham gia chiến dịch, ông Viên được biên chế về Đại đội 267, Tiểu đoàn 531, Đại đoàn Công pháo 351. Là lính pháo binh, giữ vai trò là khẩu đội trưởng, nhiệm vụ đầu tiên của ông Viên là cùng các đồng đội bắn vào sân bay Mường Thanh, diệt các cứ điểm pháo binh của địch để bộ binh xung phong đánh vào. Nhiệm vụ vất vả, nguy hiểm nhưng ông và đồng đội đã thắng lợi ngay trong trận đầu tiên, tạo thuận lợi cho bộ binh tổ chức tiến công tiêu diệt gọn các cứ điểm Him Lam, Độc Lập, đập vỡ tuyến phòng thủ của địch.
Ở tuổi 97, ông Viên vẫn nhớ như in những tháng ngày “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non” và những kỷ niệm cùng đồng đội kéo pháo vào, kéo pháo ra do thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Đường cơ động cho pháo khó khăn. “Mỗi khẩu pháo cao xạ nặng trên 2 tấn nên phải bố trí khoảng 100 người kéo, rất vất vả. Những khẩu hiệu “thà chết cũng không rời pháo”, “còn người còn pháo” đã trở thành quyết tâm của bộ đội lúc bấy giờ. Bom đạn liên tục dội xuống, những ai sống sót trở về là một kỳ tích”, ông Viên chia sẻ.
Thương lắm đồng đội ơi
Theo mạch nguồn ký ức của cựu chiến binh Nguyễn Bá Ký (sinh năm 1929, quê ở tỉnh Nghệ An, hiện sinh sống tại phường Thành Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột), ngày ấy trong quá trình di chuyển lên Điện Biên, bộ đội ta phải vượt qua nhiều địa hình phức tạp, với đồi núi cao, dốc lớn, các con đường bí mật xuyên rừng, băng qua nhiều sông, suối. Mặc dù phải ăn măng rừng thay cơm, rải lá rừng để ngủ, mặc điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, người lính cụ Hồ vẫn luôn vui vẻ, động viên nhau cố gắng cho trận chiến.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, bằng vũ khí thô sơ và tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Dù không trực tiếp chứng kiến tướng giặc đầu hàng, nhưng đứng từ xa thấy lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát - Tổng chỉ huy quân viễn chinh pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ, ông Ký đã rơi những giọt nước mắt xúc động. Đến bây giờ, ông vẫn nhớ mãi cảm xúc hân hoan khi đứng giữa tiếng reo hò của toàn quân khi chiến dịch toàn thắng.
Cựu chiến binh Lê Minh (sinh năm 1936, quê ở tỉnh Thái Bình, hiện sinh sống ở phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột) bồi hồi kể lại những tháng ngày cùng đồng đội vai vác đạn và lương thực, hành quân ròng rã 33 ngày đêm để bổ sung lực lượng cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Lên đến Điện Biên, đơn vị của ông (Đại đội 211, Tiểu đoàn 23, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308) tham gia trận chiến đấu phòng ngự cây đa cụt.
“Trận chiến rất ác liệt, xe tăng địch phản kích ra, địch trèo qua cửa chiến hào xả súng. Mặc dù thắng lợi, giữ được trận địa, nhưng anh em hy sinh và bị thương nhiều. Tối về, anh Sáng (đại đội trưởng) rất đau buồn, cả đơn vị chỉ còn trên 30 người. Ngày ấy, lính mới có, lĩnh cũ có, người người lớp lớp bổ sung, thậm chí cán bộ, chiến sĩ còn chưa quen hết mặt nhau đã hy sinh. Song, tinh thần ai cũng dũng cảm, không sợ hy sinh”, ông Lê Minh xúc động nhớ lại.
Cũng theo cựu chiến binh Lê Minh, thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, bên cạnh sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự chỉ huy tài tình của quân đội, một điều làm nên thắng lợi là tình đoàn kết quân dân cao cả. Nhân dân đã "nhường cơm sẻ áo", dành dụm từng lon gạo, củ khoai, củ mì để đóng góp cho bộ đội. Sau khi chiến thắng, dọc đường trở về, nhân dân hai bên đường hò reo, vẫy tay, rất cảm động.
Trong lời kể của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa, lâu lâu lại có những nghẹn ngào khi nhắc, nhớ về những người đồng đội đã anh dũng hy sinh, mãi mãi nằm xuống nơi mảnh đất Điện Biên. Chiến trường ác liệt, mưa bom bão đạn, mới trò chuyện cùng nhau, kể cho nhau những câu chuyện, kỷ niệm nơi quê nhà thì ngoảnh lại, đồng đội đã hy sinh.
Cựu chiến binh, Anh hùng lao động Lê Xuân Bá chia sẻ “buổi tối ăn cơm với nhau, ngồi rất đông vui ở chiến hào. Nhưng khi đi ra triển khai nhiệm vụ là có thể hy sinh luôn. Trong tấc gang, nháy mắt một cái là bạn bè của mình đã hy sinh rồi. Anh em lại cáng nhau về. Các anh còn rất trẻ, gác lại bao ước mơ, hoài bão. Đau xót, thương lắm đồng đội ơi!”.
“Chín năm làm một Điện Biên/nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, thế hệ trẻ hôm nay xin nghiêng mình trước những chiến công, trước những hy sinh mất mát của cha, anh đã ngã xuống và luôn mãi tự hào về "một thời hoa lửa" oanh liệt của quân và dân ta. Chiến tranh đã lùi xa, những người chiến sĩ Điện Biên năm xưa nay giờ đây đã gần 100 tuổi, được gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, nghe các cụ kể chuyện, thế hệ trẻ chúng tôi càng được bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc và quyết tâm trở thành người có ích, xứng đáng với máu xương cha, ông ta đã đổ xuống vì nền độc lập dân tộc.