Ông Tập Cận Bình hy vọng đạt được gì qua chuyến công du châu Âu?

Góc nhìn - Ngày đăng : 15:15, 07/05/2024

Ngày 6.5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến công du châu Âu đầu tiên của ông, kể từ năm 2019.
Góc nhìn

Ông Tập Cận Bình hy vọng đạt được gì qua chuyến công du châu Âu?

Cẩm Bình 07/05/2024 15:15

Ngày 6.5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến công du châu Âu đầu tiên của ông, kể từ năm 2019.

Chuyến công du kéo dài 6 ngày với ba điểm đến là Pháp, Serbia, Hungary. Đây là cơ hội tăng cường quan hệ kinh tế lẫn chính trị trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu ngày càng leo thang.

ong.jpg
Chủ tịch Tập đến Pháp vào ngày 6.5 - Ảnh: Reuters

Phản ánh ưu tiên thay đổi

Giới quan sát cho biết châu Âu đã trở thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại Trung Quốc sau khi dỡ bỏ loạt hạn chế COVID-19. Tiến sĩ chính trị học Chong Ja Ian (Đại học quốc gia Singapore) phân tích Trung Quốc đang thúc đẩy thế giới đa cực và xem châu Âu như chủ thể tách biệt, độc lập với Mỹ.

“Họ nhìn thấy một thế giới có nhiều chủ thể lớn, nơi sự cạnh tranh và điều chỉnh lẫn nhau đem lại cho họ không gian chiến lược để hoạt động. Trung Quốc cũng đang cố gắng tìm kiếm đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, châu Âu nằm trong số đó”, theo tiến sĩ Chong.

Ông chỉ ra Tổng thống Emmanuel Macron luôn kêu gọi lục địa già tăng tính tự chủ, giảm phụ thuộc Mỹ. Vì vậy Pháp là điểm đến có lợi để Chủ tịch Tập triển khai chính sách đối ngoại. Ngoài ra, Serbia và Hungary cũng chủ trương tăng cường quan hệ với cường quốc khác như Nga thay vì Mỹ.

Lý do chọn Pháp, Serbia, Hungary

Giáo sư địa chính trị Cedomir Nestorovic (Trường Kinh tế ESSEC) không cảm thấy ngạc nhiên trước lựa chọn của Chủ tịch Tập.

Chuyến công du đúng dịp kỷ niệm 60 năm Trung - Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao, phản ánh mối quan hệ song phương nồng ấm.

Giới quan sát đánh giá việc Chủ tịch Tập chỉ chọn một cường quốc châu Âu là Pháp cho thấy tầm vóc của Tổng thống Macron với vai trò nhân vật trung gian đầy quyền lực trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU). Khi sang Bắc Kinh vào tháng 4 năm ngoái, nhà lãnh đạo Pháp từng phát biểu EU không nên bị kéo vào xung đột Mỹ - Trung quanh vấn đề Đài Loan.

Theo giáo sư Nestorovic: “Pháp là một trong số cường quốc phương Tây cởi mở, chịu nghe những gì Trung Quốc nói”.

Còn Serbia và Hungary khá thân thiện với Trung Quốc, dễ tiếp nhận sáng kiến Vành đai - Con đường, mời gọi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đầu tư vào hàng loạt lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng đến công nghệ. Hai nước đóng vai trò “bàn đạp” cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng kinh tế ở lục địa già.

Chương trình nghị sự

Ngày 6.5, Chủ tịch Tập hội đàm với Tổng thống Macron cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Cuộc chiến Nga - Ukraine có trong chương trình nghị sự. Tổng thống Macron cùng Chủ tịch Leyen hối thúc Chủ tịch Tập dùng sức ảnh hưởng của mình tác động đến Moscow giúp chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên giới quan sát lưu ý rằng Tổng thống Vladimir Putin sắp sang Bắc Kinh vào cuối tháng 5, nên không có khả năng Trung Quốc thay đổi lập trường làm mất lòng Nga.

Tại hội đàm, nhiều thách thức toàn cầu cùng tranh chấp thương mại cũng được các nhà lãnh đạo đề cập. Tổng thống Macron cùng Chủ tịch Leyen kêu gọi ông Tập tuân thủ các quy tắc thương mại toàn cầu. Hiện tại EU đang điều tra hàng loạt hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc.

Tiến sĩ Chong cho biết quan hệ kinh tế Trung Quốc - châu Âu rất đa chiều. Một số quốc gia châu Âu chỉ trích tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đang đẩy nhiều doanh nghiệp địa phương rơi vào cảnh khó khăn, một số khác lại xem nền kinh tế châu Á là mục tiêu đầu tư.

Theo ông Chong, khi đến quốc gia chưa gia nhập EU và thân thiện với Trung Quốc như Serbia cũng như nước thân thiện với Nga như Hungary, Chủ tịch Tập sẽ dễ dàng gửi đi thông điệp tốt đẹp về quan hệ Trung - Nga nên châu Âu không cần quá nghi ngại.

Cẩm Bình