Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là tiếp cận vốn
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:00, 09/05/2024
Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là tiếp cận vốn
Khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp (DN) Việt gặp phải theo khảo sát PCI 2023, là tiếp cận vốn (57,1% DN), tìm kiếm khách hàng (49%), biến động thị trường (34,5%)…
Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu xếp hạng PCI 2023
Theo báo cáo xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2023, tỉnh Quảng Ninh duy trì vị trí quán quân năm thứ 7 liên tiếp với 71,25 điểm. Đứng vị trí thứ 2 và thứ 3 là tỉnh Long An (70,94 điểm) và Hải Phòng (70,34 điểm).
Có bước tiến lớn về điểm số (2,49 điểm) và tăng tới 8 bậc so với năm 2022, tỉnh Long An giành vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng PCI 2023 với 70,94 điểm. Các DN đánh giá cao địa phương này về nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cho DN.
Nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất trong PCI 2023 có một số gương mặt mới so với năm 2022. Đó là các tỉnh Hải Dương, Bình Thuận, Ninh Bình, Tây Ninh, Đắk Nông, Cà Mau, Tiền Giang và Thanh Hóa.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện theo thời gian, với điểm số chỉ số PCI tổng hợp tại tỉnh trung vị của cả nước đạt 66,66 điểm năm 2023, tăng gần 1,44 điểm so với năm 2022.
Theo ông Công, nhiều tỉnh tiếp tục duy trì và có sáng kiến mới trong cải thiện môi trường kinh doanh. Đáng chú ý, các tỉnh nhóm cuối đang vươn lên mạnh mẽ nhờ tận dụng tốt “lợi thế của người đi sau” khi tích cực học hỏi, áp dụng những bài học thành công từ nhóm tỉnh có chất lượng điều hành cao hơn.
Ngoài ra, công tác hỗ trợ DN có chuyển biến tích cực, chi phí không chính thức cũng tiếp tục chiều hướng giảm; cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả tích cực…
Các DN FDI tại Việt Nam đang trên đà phục hồi ổn định sau đại dịch COVID-19, tỷ lệ DN FDI báo lãi trong năm 2023 tăng nhẹ lên mức 46,5%; gánh nặng thực thi quy định của DN FDI tại Việt Nam đã giảm bớt theo thời gian.
Thêm nữa, cơ cấu ngành sản xuất kinh doanh của các DN FDI có sự dịch chuyển tích cực sang các ngành công nghệ và dịch vụ chuyên sâu của kinh tế tri thức; nhiều DN FDI hơn đã sử dụng hàng hóa, dịch vụ đầu vào từ DN trong nước.
Tuy nhiên, ông Phạm Tấn Công cũng thẳng thắn chỉ ra rằng báo cáo PCI và PGI 2023 cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng có một số điểm cần quan tâm.
“Từ phản ánh của DN có thể thấy trở ngại trong tiếp cận đất đai có dấu hiệu gia tăng, môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng với các DNNVV, tính năng động, tiên phong của cán bộ chính quyền địa phương có dấu hiệu chững lại”, Chủ tịch VCCI chia sẻ.
Ông Công cũng cho biết các DN cũng đang gặp phải nhiều khó khăn trong hoạt động. Những khó khăn chủ yếu bao gồm tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, biến động chính sách, pháp luật, tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Khó khăn lớn nhất là tiếp cận tín dụng
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI cũng đồng tình rằng khó khăn lớn nhất mà DN gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí khó khăn hơn so với năm 2022 là tiếp cận tín dụng, tìm kiếm mặt bằng kinh doanh, tìm kiếm nhà cung cấp, tìm kiếm nhân sự, thực hiện thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, biến động thị trường, biến động chính sách pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…
Trong đó, 5 vấn đề khó khăn lớn nhất mà các DN gặp phải, theo khảo sát PCI 2023, bao gồm: tiếp cận vốn (57,1% số DN), tìm kiếm khách hàng (49%), biến động thị trường (34,5%), khó khăn từ tác động của dịch bệnh COVID-19 (25,5%) và tìm kiếm đối tác kinh doanh (17,1%).
Cụ thể, 57,1% DN phản ánh khó khăn lớn nhất mà các DN gặp phải là tiếp cận tín dụng. Xét theo chuỗi thời gian, đây cũng là con số cao nhất từ trước đến nay trong khảo sát DN thường niên của VCCI.
Phân theo lĩnh vực sản xuất kinh doanh, 60% DN trong lĩnh vực xây dựng đang gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng, cao nhất trong các nhóm; kế đến là các DN trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, với con số 58%.
Có 61% DN ở khu vực Đông Nam Bộ và 59% DN ở vùng đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn về tiếp cận tín dụng. Xét theo định hướng thị trường, 57% DN định hướng thị trường nội địa và 52% DN định hướng xuất khẩu gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng.
Khó khăn lớn tiếp theo mà các DN phản ánh trong khảo sát năm 2023 là biến động thị trường, với 34,5% DN lựa chọn. Con số này đã tăng tới 10,7 điểm phần trăm so với kết quả khảo sát năm 2022 (23,8%). Đây là khó khăn có sự gia tăng tỷ lệ DN lựa chọn cao nhất so với năm 2022.
Theo ông Tuấn, với con số lựa chọn 14,5% và chỉ cao thứ 6 trong số các khó khăn được phản ánh của năm 2023, nhưng biến động chính sách, pháp luật lại là khó khăn cần phải lưu ý.
Đầu tiên, con số khảo sát của năm 2023 đã tăng so với năm 2022 (9,5%), làm gián đoạn xu hướng giảm của chỉ tiêu này trong các năm 2018-2022. Kế đến, chỉ tiêu này đã tăng khoảng 5,1 điểm phần trăm so với năm trước đó, đây là mức tăng lớn thứ 2 trong số các nội dung khảo sát trong năm 2023.
“Dấu hiệu này có thể là hệ quả của những biến động chính sách trong điều hành thị trường xăng dầu, điện, trái phiếu trong năm vừa qua”, ông Tuấn nói.
Đáng lưu ý, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, khi DN được khảo sát về kế hoạch kinh doanh trong hai năm tới, mức độ lạc quan của doanh nghiệp ở mức thấp so với những năm trước.
Dữ liệu khảo sát còn cho thấy tỷ lệ DN dự kiến giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa DN trong khảo sát 2023 lên tới 16,2%. Con số này cao hơn đáng kể so với mức 10,7% được ghi nhận trong khảo sát năm 2022 và gần bằng mức cao kỷ lục 16,6% của khảo sát 2021 khi Việt Nam còn nằm trong tâm dịch COVID-19.
Dù có sự suy giảm vào năm 2023, song nhiệt kế DN tư nhân cũng có những điểm sáng theo đặc điểm DN. Các DN có quy mô vừa và lớn có mức độ lạc quan tương đối cao.
Ba ngành có tỷ lệ DN dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh cao nhất là sản xuất thiết bị điện (50%), sản xuất hóa chất (42,2%) và sản xuất cao su, nhựa (35,7%).