Bị chặn ở Trung Quốc từ lâu, WhatsApp bất ngờ hoạt động trở lại với một số người dùng
Thế giới số - Ngày đăng : 18:46, 09/05/2024
Bị chặn ở Trung Quốc từ lâu, WhatsApp bất ngờ hoạt động trở lại với một số người dùng
WhatsApp, ứng dụng nhắn tin nổi tiếng của hãng Meta Platforms đã bị chặn ở Trung Quốc, bất ngờ hoạt động trở lại với một số người dùng.
Đây là một hiện tượng bất thường ở quốc gia kiểm duyệt internet chặt chẽ nhất thế giới.
Theo hãng tin Bloomberg, người dùng ở thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thượng Hải trước đây thường nhờ mạng riêng ảo (VPN) để sử dụng WhatsApp. Giờ đây, một số người có thể gửi và nhận tin nhắn với WhatsApp mà không cần VPN nữa.
Các dịch vụ truyền thông xã hội khác như Signal và Instagram vẫn bị chặn ở Trung Quốc. Đây là một phần trong kế hoạch phong tỏa rộng rãi các nền tảng internet nước ngoài của chính phủ Trung Quốc mà các nhà phê bình gọi là Great Firewall (Tường lửa vĩ đại).
Không rõ có bao nhiêu người trên khắp Trung Quốc có thể sử dụng WhatsApp trong thời gian này. Hiện tượng đó vẫn chưa trở thành chủ đề thịnh hành trên các trang mạng xã hội trong nước, chẳng hạn Weibo.
Ước tính chỉ có vài triệu người sử dụng Meta Platforms ở Trung Quốc, so với hơn 1 tỉ người dùng siêu ứng dụng WeChat của Tencent Holdings. Đại diện của WhatsApp từ chối bình luận, trong khi Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc không trả lời câu hỏi từ Bloomberg.
Trung Quốc đã cấm sử dụng các nền tảng nhắn tin và truyền thông xã hội nước ngoài như WhatsApp, Facebook, Instagram (cũng của Meta Platforms), Twitter trong nhiều năm, một phần của chiến dịch rộng lớn hơn nhằm kiềm chế bất đồng chính kiến tiềm ẩn và thực thi quyền kiểm soát nội dung. Điều đó đã giúp các ứng dụng như WeChat và Weibo thống trị trong nước, dù người dùng Trung Quốc vẫn sử dụng VPN để xem phương tiện truyền thông phương Tây. Giống như hầu hết nền tảng nhắn tin nước ngoài, tin nhắn WhatsApp được mã hóa ở cả hai đầu và rất khó để cảnh sát kiểm soát.
Tuy nhiên, trước đây người dùng ở Trung Quốc đã thông cáo có thể truy cập các dịch vụ và trang web bị chặn một thời gian ngắn, điều mà các chuyên gia trong ngành cho rằng là do trục trặc ở các hạn chế của mạng.
Một số người ở hai thành phố lớn nhất Trung Quốc (Bắc Kinh và Thượng Hải) cho biết có thể gửi và nhận tin nhắn WhatsApp trong hai tuần qua mà không bị gián đoạn – khoảng thời gian dài bất thường ở nước này. Có người cho biết khoảng thời gian đó bắt đầu ngay vào thời điểm Apple xóa WhatsApp và các dịch vụ truyền thông xã hội khác gồm Threads, Signal, Telegram khỏi cửa hàng ứng dụng ở Trung Quốc của mình, nhằm đáp ứng các yêu cầu từ Bắc Kinh nhằm đóng cửa thêm các lỗ hổng trong tường lửa internet.
Hôm 19.4, truyền thông Mỹ đưa tin Apple đã gỡ bỏ WhatsApp, Threads (cũng của Meta Platforms), Telegram, Signal khỏi cửa hàng ứng dụng App Store ở Trung Quốc. Theo trang Bloomberg, Apple thực hiện động thái này theo yêu cầu của cơ quan quản lý internet của Trung Quốc.
“Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã yêu cầu xóa các ứng dụng này khỏi cửa hàng tại Trung Quốc dựa trên những lo ngại về an ninh quốc gia. Chúng tôi có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp ở các quốc gia nơi chúng tôi hoạt động, ngay cả khi chúng tôi không đồng tình với những nhận định”, trích tuyên bố của Apple.
Tuy nhiên, Apple khẳng định WhatsApp, Threads, Telegram, Signal vẫn có sẵn trên cửa hàng ứng dụng của hãng tại những nước khác. Các ứng dụng này vẫn có sẵn ở Hồng Kông và Ma Cao, hai đặc khu hành chính của Trung Quốc.
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc, việc Apple phải xóa WhatsApp và Threads khỏi App Store có thể liên quan đến quy định mới vào tháng 8.2023, bắt buộc tất cả ứng dụng có sẵn ở Trung Quốc phải đăng ký với chính phủ nếu không sẽ có nguy cơ bị gỡ bỏ. Thời hạn để các công ty hoàn tất đăng ký là cuối tháng 3 và các quy định có hiệu lực từ tháng 4.
Đây không phải lần đầu tiên Apple gỡ bỏ ứng dụng theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc, một trong những thị trường lớn và quan trọng nhất với hãng.
Năm 2017, Apple từng gỡ bỏ The New York Times vì cho rằng ứng dụng tin tức này vi phạm các quy định của địa phương. Năm ngoái, Apple xóa một số ứng dụng giống ChatGPT khi Trung Quốc đang xây dựng các quy định địa phương về dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI).
Trung Quốc chặn Facebook, Instagram và WhatsApp từ khi nào?
Hồi tháng 9.2017, WhatsApp đã bị chặn ở Trung Quốc. Trước đó, chính quyền Trung Quốc xem WhatsApp là mục tiêu chính cần can thiệp bởi tính năng mã hóa đầu cuối mạnh mẽ của nó hơn hẳn các dịch vụ khác như Skype hay FaceTime của Apple.
Ngay cả chính Facebook thời đó (hiện là Meta Platforms), công ty mẹ của WhatsApp, cũng không biết được những gì đang được nói trong các cuộc đàm thoại văn bản, thoại hay video trên máy chủ. Thông điệp được mã hóa này bị cho là có thể được sử dụng bởi các nhà bất đồng chính kiến với mục đích chống lại chính phủ.
Giữa tháng 7.2017, Trung Quốc đã bắt đầu chặn các cuộc trò chuyện video và gửi ảnh, file bằng WhatsApp cũng như làm ngừng nhiều cuộc trò chuyện thoại. Song lúc đó, hầu hết các tin nhắn văn bản trên ứng dụng này vẫn hoạt động bình thường.
Trên thực tế, những người ở Trung Quốc vẫn có thể sử dụng WhatsApp thông qua VPN. Song trong thời gian gần đây, chính phủ nước này đã mạnh tay loại bỏ các nhà cung cấp VPN trên thị trường.
Trung Quốc có truyền thống về việc chặn một cách không hoàn toàn các dịch vụ internet, cũng như làm chậm đến mức chúng trở nên vô dụng. Việc kiểm duyệt khiến nhiều người dùng ở Trung Quốc chuyển sang các lựa chọn khác như WeChat, ứng dụng hoạt động trơn tru và nhanh chóng.
Trung Quốc chặn Facebook từ năm 2009, còn Instagram bị chặn ở nước này từ tháng 9.2014.
Facebook từng tự mình thay đổi ở nhiều khía cạnh với hi vọng nhận được sự ủng hộ từ phía chính quyền Trung Quốc. Facebook từng xây dựng một phiên bản ứng dụng chia sẻ ảnh riêng tư mang tên Colorful Balloons, được phân phối dưới tên của công ty Youge. Hồi năm 2016, mạng xã hội Facebook xây dựng một công cụ kiểm duyệt nhằm thu hút sự chú ý của các nhà quản lý Trung Quốc. Tuy nhiên, lệnh cấm Facebook, Instagram và WhatsApp cho thấy có sự xung khắc, mẫu thuẫn rất lớn giữa quan điểm của chính quyền Trung Quốc với mong muốn kiểm duyệt và bản chất tự do ngôn luận trên mạng xã hội.