Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì?

Quốc tế - Ngày đăng : 17:03, 10/05/2024

Tuần qua, vũ khí hạt nhân chiến thuật thu hút sự chú ý khi Nga tuyên bố tập trận hạt nhân nhằm phản ứng trước loạt phát ngôn báo hiệu phương Tây muốn can dự sâu hơn vào cuộc chiến Ukraine.
Quốc tế

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì?

Cẩm Bình 10/05/2024 17:03

Tuần qua, vũ khí hạt nhân chiến thuật thu hút sự chú ý khi Nga tuyên bố tập trận hạt nhân nhằm phản ứng trước loạt phát ngôn báo hiệu phương Tây muốn can dự sâu hơn vào cuộc chiến Ukraine.

Đài ABC News cho biết, không như tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có thể phá hủy cả một thành phố, vũ khí hạt nhân chiến thuật dùng đối phó lực lượng trên chiến trường có sức công phá kém hơn – chỉ khoảng 1 kiloton. Sức công phá của quả bom mà Mỹ thả xuống Hiroshima, Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai là 15 kiloton.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật như bom thả từ trên không, đầu đạn tên lửa tầm ngắn, đạn pháo rất nhỏ gọn. Vì kích thước nhỏ gọn nên chúng có thể được vận chuyển bằng xe tải hoặc máy bay.

Khác với vũ khí chiến lược phải tuân thủ nhiều hiệp ước kiểm soát, vũ khí hạt nhân chiến thuật chưa bao giờ chịu ràng buộc bởi bất cứ hiệp ước nào. Nga chưa bao giờ tiết lộ thông tin về số vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình. Tuy nhiên, hãng tin Reuters cho biết Mỹ tin rằng Nga sở hữu khoảng 2.000 đầu đạn chiến thuật – gấp 10 lần Mỹ.

vu.jpg
Vũ khí hạt nhân chiến thuật dùng đối phó lực lượng trên chiến trường

Ở giai đoạn đầu cuộc chiến Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần tuyên bố sẽ sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga đã không còn đưa ra lời đe dọa cứng rắn như vậy sau khi đợt phản công mà Kyiv phát động mùa hè năm ngoái thất bại và Nga đạt nhiều thắng lợi ngoài chiến trường.

Học thuyết phòng vệ của Nga cho phép đáp trả bằng vũ khí hạt nhân trước một cuộc tấn công hạt nhân hay thậm chí một cuộc tấn công thông thường đe dọa đến sự tồn vong của đất nước. Một số chuyên gia Nga từng kêu gọi làm rõ hơn về ngôn từ để buộc phương Tây nghiêm túc xem xét cảnh báo từ Moscow, nhưng vào mùa thu năm ngoái, ông Putin nói rằng không cần làm vậy.

Đầu năm 2023, Nga thông báo triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đến nước láng giềng Belarus theo yêu cầu từ Tổng thống Alexander Lukashenko – đánh dấu lần đầu tiên kể từ giữa những năm 1990 Moscow đưa vũ khí hạt nhân ra nước ngoài.

Hai ông Putin và Lukashenko đều tuyên bố vũ khí hạt nhân chiến thuật triển khai đến Belarus là nhằm đối phó mối đe dọa phương Tây. Cả hai không cho biết số lượng vũ khí cụ thể.

Belarus có đường biên giới dài 1.084km với Ukraine. Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại đây cho phép Nga đánh trúng mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine nhanh và dễ dàng hơn. Số vũ khí này cũng đe dọa đến một số thành viên NATO ở Đông Âu và Trung Âu.

Cẩm Bình