Ngành chăn nuôi hết ‘nóng vội’, đề xuất được nằm ngoài diện kiểm kê khí nhà kính đến năm 2027
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:08, 10/05/2024
Ngành chăn nuôi hết ‘nóng vội’, đề xuất được nằm ngoài diện kiểm kê khí nhà kính đến năm 2027
Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết trước đây vì nóng vội, muốn chia sẻ với mục tiêu kiểm soát khí phát thải nên cho là có thể đưa lĩnh vực chăn nuôi vào diện kiểm kê khí nhà kính. Nhưng qua khảo sát thực tế, nghiên cứu, Hội thấy rằng điều này chưa thực sự phù hợp.
Hội Chăn nuôi Việt Nam có công văn số 51/CV-HCN về việc tham gia góp ý kiến nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP.
Theo Hội Chăn nuôi, giảm phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ozon là chủ trương đúng của Nhà nước nhằm hiện thực hóa các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu mà nước ta đã cam kết thực hiện.
Tuy nhiên, so với các nước công nghiệp phát triển thì không gian giảm phát thải nhà kính của Việt Nam còn khá rộng, có nhiều lĩnh vực có thể tham gia, đảm bảo để Việt Nam sẽ đạt được những cam kết về giảm phát thải nhà kính, như công nghiệp khai khoáng, luyện thép, xây dựng, giao thông, trồng rừng, canh tác lúa… những lĩnh vực này vừa có tiềm năng, lợi nhuận cao, vừa được nhà nước hỗ trợ như trồng rừng hay dự án thâm canh 1,0 triệu ha lúa chất lượng và giảm phát thải tại Đồng bằng sông Cửu Long…
Trong khi đó, sản xuất chăn nuôi trong nước là lĩnh vực đang gặp rất nhiều khó khăn so với các ngành kinh tế khác và so với chính lĩnh vực chăn nuôi của các nước phát triển. Việc đưa các cơ sở chăn nuôi vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính lúc này là chưa phù hợp, thiếu khả thi.
Hội chăn nuôi cũng cho rằng điều này cho thấy chưa có sự chia sẻ của Nhà nước với lĩnh vực đang gặp quá nhiều rủi ro trong hội nhập, khi mà hầu hết các nước trong các FTA mà Việt Nam ký kết, ví dụ như: CPTPP, EVFTA, Việt Mỹ - đều là những nước có điều kiện và không gian phát triển chăn nuôi thuận lợi hơn rất nhiều so với chăn nuôi nước ta.
TS Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam - cho biết có một số bất cập khi triển khai các quy định này.
Cụ thể, quy định sẽ phát sinh chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước, vốn hiện nay đã đang rất cao so với các nước phát triển.
“Chỉ tính riêng kinh phí chi cho hoạt động kiểm kê, thì hằng năm mỗi cơ sở chăn nuôi đã mất từ 100 - 150 triệu đồng, chưa kể các cơ sở thuộc diện này phải thực thi hạn ngạch buộc phải cắt giảm khí nhà kính hằng năm. Nếu không đạt (về cơ bản là không đạt) sẽ bị xử lý vi phạm, gây không ít khó khăn cho người chăn nuôi và phát sinh các tiêu cực không đáng có”, ông Dương nói.
Theo ông Dương, số lượng cơ sở chăn nuôi rất nhiều, trừ các trang trại chăn nuôi bò sữa, trại giống lợn của các công ty, tập đoàn trực tiếp quản lý thì có đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật tốt có thể thực hiện được kỹ thuật kiểm kê và áp dụng nghiêm túc các quy trình giảm phát thải nhà kính, còn phần lớn các trại chăn nuôi trong sản xuất của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu này.
“Kinh nghiệm của Tập đoàn TH đã làm trong 4 năm qua, thì 2 năm đầu việc triển khai hoạt động kiểm kê khí nhà kính của các trại rất khó khăn, mặc dù đã có sự đầu tư lớn và hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia nước ngoài”, ông Dương nói.
Ông Dương cũng cho rằng hiện nay, số lượng các tổ chức dịch vụ và chuyên gia trong nước có đủ trình độ và kinh nghiệm hướng dẫn việc kiểm kê và các biện pháp kiểm soát khí nhà kính lĩnh vực chăn nuôi rất ít, cần có thời gian để đào tạo.
Từ những lý do nêu trên, ông Dương đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đưa lĩnh vực, cơ sở chăn nuôi vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính trong giai đoạn hiện nay, ít nhất cũng là từ nay tới năm 2027, để các cơ quan quản lý, các đơn vị dịch vụ và người chăn nuôi có thêm thời gian, điều kiện làm quen, tiếp thu được kiến thức, công nghệ phù hợp, cải tạo chuồng trại và chuẩn bị các nguồn lực để có thể thực thi được những vấn đề rất còn mới mẻ và phức tạp này.
“Mặc dù trước đây vì nóng vội, muốn chia sẻ với mục tiêu quốc gia trong việc kiểm soát khí phát thải mà Hội Chăn nuôi Việt Nam cho là có thể đưa lĩnh vực chăn nuôi vào diện kiểm kê khí nhà kính. Nhưng qua khảo sát thực tế, tổ chức các cuộc hội thảo tham vấn các chuyên gia, doanh nghiệp, người chăn nuôi và nghiên cứu tài liệu, kinh nghiệm các nước xung quanh, thấy rằng chưa thực sự phù hợp nếu Việt Nam đưa lĩnh vực và cơ sở chăn nuôi vào diện kiểm kê khí nhà kính trong thời điểm hiện nay”, ông Dương nêu.