Ngân hàng hoạt động bình thường, người dân không cần rút tiền dự phòng
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 19:01, 01/04/2020
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, ngày 31.3, ngay sau khi có chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành công điện số 03/CĐ-NHNN.
Trong công điện này, Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo các đơn vị thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại triển khai ngay việc bố trí cán bộ làm việc tại nhà và một bộ phận cần phải được duy trì làm việc tại cơ quan.
Ngành ngân hàng là loại hình dịch vụ, phục vụ doanh nghiệp và người dân nhiều nhu cầu thiết yếu về tiền mặt và thanh toán nên vẫn phải bố trí cán bộ làm việc tại các trụ sở để đáp ứng yêu cầu đó.
Cụ thể, ông Tú nói rằng hoạt động cung ứng tiền mặt và hệ thống thanh toán trong nền kinh tế vẫn phải được Ngân hàng Nhà nước duy trì, đáp ứng đầy đủ cho lưu thông, đảm bảo thông suốt mạch máu của nền kinh tế. Đối với các ngân hàng thương mại, mọi hoạt động giao dịch thiết yếu như gửi tiền, rút tiền, thanh toán chuyển tiền, các hoạt động dịch vụ ngân hàng trực tuyến online; máy ATM vẫn được bố trí phục vụ bình thường trong 15 ngày tới.
“Chúng tôi giao cho lãnh đạo các ngân hàng thương mại thông báo với chính quyền địa phương để cho phép các chi nhánh, các phòng giao dịch được mở cửa hoạt động bình thường. Vì vậy, doanh nghiệp và người dân không nhất thiết phải rút tiền để dự phòng trong thời gian cách ly toàn xã hội mà vẫn thực hiện các dịch vụ tiền mặt thanh toán khi có nhu cầu cần thiết”, ông Tú khẳng định.
Ông Đào Minh Tú cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại về việc xây dựng các phương án, kịch bản nhằm đối phó với mọi diễn biến của dịch COVID-19. Do đó, việc triển khai các hoạt động phục vụ này không nằm ngoài các phương án, kịch bản đã có để đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn thông suốt.
Đáng chú ý, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực đến kinh tế trong nước, thời gian qua, ngành ngân hàng đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch đảm bảo hoạt động của hệ thống an toàn, thông suốt và hiệu quả.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01 mới chỉ được gần 2 tuần nhưng nhiều ngân hàng thương mại triển khai đồng loạt các gói, chương trình, sản phẩm đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt những khách hàng có dư nợ tín dụng bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Sau đó, ngày 31.3, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành chỉ thị 02 về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.
Cũng trong ngày 31.3, Thống đốc có công điện số 03/CĐ-NHNN về triển khai thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng. Trong đó, các tổ chức tín dụng được giao quyền tổ chức hoạt động ổn định nhưng phải bảo đảm hạn chế tối đa cán bộ phải đến trụ sở làm việc.
Đối với các bộ phận giao dịch trực tiếp, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, các ngân hàng thương mại phải bảo đảm hoạt động thông suốt, an toàn. Đồng thời, truyền thông tới người dân về việc “gửi tiền một nơi, rút tiền nhiều nơi” để người dân biết và đến các chi nhánh, giao dịch khác thực hiện giao dịch trong trường hợp chi nhánh, phòng giao dịch nào đó nằm trong vùng bị phong tỏa do dịch bệnh.
Theo dự báo, nền kinh tế năm nay có nhiều khó khăn và các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu ngân hàng thương mại cần thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất huy động đầu vào sao cho hợp lý, cùng đồng thuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.
Phan Diệu