Xuất hiện cực quang mạnh nhất 20 năm ở Trung Quốc và mây ngũ sắc đẹp hiếm thấy tại TP.HCM
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 21:50, 12/05/2024
Xuất hiện cực quang mạnh nhất 20 năm ở Trung Quốc và mây ngũ sắc đẹp hiếm thấy tại TP.HCM
Bầu trời đêm phía bắc Trung Quốc, gồm cả thủ đô Bắc Kinh, trở nên sống động với sự xuất hiện cực quang (aurora) hiếm thấy vào cuối tuần sau hàng loạt cơn bão địa từ Mặt trời.
Màn trình diễn cực quang bắt đầu vào tối 10.5 và tiếp diễn đến ngày 12.5, mang đến cho người dân từ Tân Cương (phía tây Trung Quốc) đến Hắc Long Giang (phía đông bắc Trung Quốc) cái nhìn về một hiện tượng khí quyển thường thấy ở các vĩ độ cao gần Bắc cực hoặc Nam cực.
Việc nhìn thấy cực quang cũng được báo cáo ở tỉnh Cam Túc, khu tự trị Nội Mông và thủ đô Bắc Kinh, nơi một số người đã chụp lại màn trình diễn ánh sáng gần Vạn Lý Trường Thành vào tối 11.5.
Truyền thông Trung Quốc cho biết đây là “cực quang mạnh nhất trong 20 năm”.
Hiện tượng này có thể nhìn thấy ở nhiều quốc gia trên bắc bán cầu, là do các cơn bão địa từ mạnh hoặc sự nhiễu loạn trong từ trường Trái đất gây ra, cũng có thể làm gián đoạn thiết bị viễn thông trên quỹ đạo và mặt đất.
Các cơn bão mạnh đến mức Trung tâm Cảnh báo sớm và Giám sát Thời tiết Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc đưa ra cảnh báo đỏ. Đây là mức cảnh báo cao nhất với các cơn bão địa từ vào sáng 11.5.
Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ cũng ban hành cảnh báo bão địa từ cấp độ cao nhất G5 vào ngày 10.5, lần đầu tiên kể từ tháng 10.2003.
Shao Sun, nhà khí hậu học thuộc Đại học California ở thành phố Irvine (Mỹ), cho biết hoạt động trong khí quyển này là “đặc biệt hiếm gặp”, đồng thời nói thêm: “Kể từ tháng 5, hoạt động Mặt trời vẫn diễn ra mạnh mẽ, với một số nhóm vết đen phát triển nhanh chóng trên bề mặt Mặt trời và phát ra những tia nắng dữ dội. Tác động của nó với thiết bị điện và thông tin vệ tinh vẫn còn đáng chú ý. Nếu không được bảo vệ đầy đủ, những biến động nhanh chóng về cường độ địa từ và ảnh hưởng của các hạt năng lượng cao có thể làm hỏng cơ sở hạ tầng lưới điện lẫn các thiết bị vệ tinh”.
Guo Jianguang, Giám đốc trạm dự báo thời tiết không gian tại Trung tâm Khí tượng Vệ tinh Quốc gia Trung Quốc, nói với trang The Paper rằng bão địa từ có thể ảnh hưởng đến thông tin liên lạc và điều hướng sóng ngắn, thậm chí khiến chim bồ câu lạc đường, “nhưng hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy chúng là vấn đề với sức khỏe cộng đồng”.
Xiu Lipeng, thành viên của Hiệp hội Thiên văn Trung Quốc, nói với hãng thông tấn Tân Hoa Xã rằng chu kỳ hoạt động của Mặt trời hiện có thể đạt đỉnh từ năm nay đến năm sau.
Xiu Lipeng cho biết: “Hoạt động của Mặt trời sẽ diễn ra thường xuyên và dữ dội đến mức xác suất xảy ra hiện tượng cực quang sẽ cao hơn những năm bình thường, điều đó có nghĩa là người dân ở các khu vực phía bắc Trung Quốc sẽ có nhiều cơ hội nhìn thấy cực quang đẹp hơn”.
1. Cực quang là một màn trình diễn ánh sáng tự nhiên trên bầu trời, chủ yếu được nhìn thấy ở các vùng vĩ độ cao (quanh Bắc Cực và Nam Cực). Hiệu ứng này được gây ra bởi sự va chạm của các hạt mang điện từ Mặt trời với các nguyên tử trong bầu khí quyển của Trái đất.
Cực quang thường có màu xanh lục, nhưng cũng có thể có màu đỏ, vàng, lam và tím. Màu sắc của cực quang phụ thuộc vào loại khí đang bị kích thích bởi các hạt mang điện. Ví dụ, oxy tạo ra ánh sáng màu xanh lục và đỏ, còn nitơ tạo ra ánh sáng màu xanh lam và tím.
Cực quang đẹp nhất thường được nhìn thấy vào mùa đông, khi bầu trời tối và không có ô nhiễm ánh sáng. Tuy nhiên, chúng có thể được nhìn thấy bất cứ lúc nào trong năm, miễn là điều kiện phù hợp.
Nếu muốn ngắm cực quang, bạn nên đến một nơi có vĩ độ cao và ít ô nhiễm ánh sáng. Một số nơi tốt nhất để ngắm cực quang là Alaska, Canada, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan.
2. Bão địa từ là sự xáo trộn tạm thời của từ quyển Trái đất do sự tương tác của gió Mặt trời và đám mây plasma từ Mặt trời với từ trường Trái đất.
Bão địa từ có thể gây ra một số tác động như:
- Có thể gây ra sự cố về điện áp trên diện rộng cho lưới điện, dẫn đến hư hỏng máy biến áp và thậm chí mất điện hoàn toàn.
- Có thể làm hỏng hoặc vô hiệu hóa vệ tinh trong quỹ đạo Trái đất, gây gián đoạn dịch vụ GPS, truyền thông và các dịch vụ dựa trên vệ tinh khác.
- Có thể gây nhiễu hoặc gián đoạn các hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến, gồm cả điện thoại di động và radio.
- Dù không có bằng chứng nào cho thấy bão địa từ gây ra tác hại trực tiếp đến sức khỏe con người, nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến những người dùng máy tạo nhịp tim hoặc các thiết bị y tế cấy ghép khác.
- Bão địa từ mạnh có thể tạo ra màn trình diễn cực quang ngoạn mục, đặc biệt là ở các vĩ độ cao.
Bão địa từ được đo lường trên thang điểm từ G1 đến G5, với G5 là mức mạnh nhất. Bão địa từ G5 tương đối hiếm, nhưng có thể gây ra tác động đáng kể đến cơ sở hạ tầng và cuộc sống của con người.
Mây ngũ sắc đẹp và rộng hiếm thấy ở TP.HCM
Khoảng 15 giờ 30 đến 16 giờ chiều 12.5, trên bầu trời TP.HCM xuất hiện những đám mây ngũ sắc lớn, tỏa ra các gam màu sắc rực rỡ xen lẫn nhau. Nhiều người dân thích thú chiêm ngưỡng hiện tượng này và chụp ảnh đăng lên mạng xã hội.
Theo các chuyên gia khí tượng, mây ngũ sắc không phải hiện tượng hiếm gặp nhưng không phải lúc nào cũng có thể quan sát được rực rỡ và đẹp như ở TP.HCM chiều nay.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn TP.HCM, nói nguyên nhân chính hình thành nên những đám mây ngũ sắc là do hiện tượng vật lý nhiễu xạ và giao thoa của ánh sáng xuyên qua các hạt nước trên đám mây.
Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết mây ngũ sắc là hiện tượng tự nhiên xảy ra khi có sự nhiễu xạ ánh sáng. Thỉnh thoảng trong bầu khí quyển xảy ra hiện tượng này, khi các hạt mây hoặc các tinh thể băng có kích thước nhỏ cấu trúc riêng lẻ tán xạ ánh sáng. Màu sắc trong mây khi hiện tượng này xảy ra không giống như cầu vồng (7 màu) theo dải phổ Mặt trời. Màu sắc trong mây ngũ sắc có khi nhạt, có khi rất sặc sỡ.
Chúng ta có thể thấy cầu vồng xuất hiện khi quay lưng với Mặt trời, nghĩa là vào sáng hoặc chiều tối, góc quan sát là 42 độ, hay xảy ra khi trời vừa tạnh mưa. Trong khi đó, chúng ta có thể quan sát hiện tượng mây ngũ sắc ở bất kì vị trí nào.
"Đây chỉ là hiện tượng quang trong khí tượng, không nói lên bất kỳ dấu hiệu nào về diễn biến thời tiết sắp xảy ra như nào", ông Lê Đình Quyết lý giải.