Thịt lợn đến tay người dân vẫn đắt đỏ, thương lái lãi quá đậm
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 21:39, 04/04/2020
Tại miền Bắc, mức giá thịt lợn hơi tại chuồng phổ biến ở mức từ 76.000 - 77.000 đồng/kg. Giá lợn hơi hôm nay (4.4) ở thị trường miền Trung tiếp tục chững lại sau vài ngày giảm giá nhẹ, được giao dịch trong khoảng 70.000 - 79.000 đồng/kg. Còn tại miền Nam, giá thịt lợn hơi hôm nay tiếp tục đi xuống ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền Tây. Giá hiện dao động quanh mức 70.000 - 79.000 đồng/kg, giảm sâu 2.000 - 6.000 đồng/kg về sát mức 70.000 đồng/kg.
Ngày 1.4, các doanh nghiệp chăn nuôi như CP Việt Nam, Dabaco, GreenFarm đều có thông báo giảm giá lợn hơi về 70.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt lợn trong siêu thị và ngoài chợ dân sinh vẫn ở rất đắt đỏ, thậm chí giá còn cao hơn do nhu cầu tăng trong khi nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã thông báo giảm giá từ ngày 1.4.
Theo ghi nhận của PV tại một số chợ dân sinh tại Hà Nội ngày 4.4, giá thịt lợn đang dao động phổ biến ở mức 140.000 - 180.000 đồng/kg.
Lý giải vì sao giá thịt lợn tại chợ bán đến tay người dân vẫn ở mức cao ngất ngưởng, các thương lái đều cho biết dù giá thịt lợn hơi tại chuồng và các doanh nghiệp đều giảm mạnh về khoảng 70.000 đồng/kg, nhưng các tiểu thương lấy lại mức giá vẫn cao, không lấy được với mức giá giảm tương ứng.
Tại siêu thị, giá thịt lợn còn ở mức cao hơn, dao động từ 150.000 - 280.000 đồng/kg (tùy xuất xứ). Cụ thể, thịt mông giá khoảng 150.000 đồng/kg; thịt vai từ 160.000 - 230.000 đồng/kg; thịt thăn 140.000 - 160.000 đồng/kg; chân thịt giò từ 150.000 - 200.000 đồng/kg; sườn thăn từ 190.000 - 250.000 đồng/kg, thịt sườn sụn chạm ngưỡng gần 300.000 đồng/kg...
Theo một số chủ trang trại nuôi lợn, giá thịt lợn đến tay người dân đắt chính là do khâu trung gian "ăn lãi" quá lớn. Vấn đề cốt lõi theo các chủ trang trại là phải giải quyết được mức giá ở khâu trung gian, nếu chỉ giảm giá xuất chuồng thì chỉ có người chăn nuôi và người dân chịu thiệt.
Lý giải về mức chênh lệch giá từ trại nuôi ra thị trường, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng để đưa lợn hơi từ cổng trại ra tới thị trường mất rất nhiều chi phí, khâu trung gian có thể chiếm đến 40% giá thành thịt.
Đơn cử, chi phí vận chuyển trung bình 1.500 đồng/kg tùy vào khoảng cách, chi phí bốc lợn lên xe 1.000 đồng/kg, chi phí hao hụt trung bình 4.000 đồng/kg. Đây chính là nguyên nhân khiến giá thịt lợn ngoài thị trường thời gian qua neo cao.
Giải thích cặn kẽ hơn về khâu trung gian, trao đổi với báo chí, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết khâu trung gian ở mặt hàng thiệt lợn có phần phức tạp hơn do mặt hàng này cần qua các công đoạn sơ chế, chế biến đặc thù trước khi đến tay người tiêu dùng và đặc thù thói quen tiêu dùng thịt lợn nóng của người dân và việc tồn tại hệ thống lò giết mổ nhỏ lẻ, phân tán để cung cấp lợn thịt cho các chợ dân sinh.
Theo ông Tuấn, giá thịt lợn tăng dần theo 2 đường chính gồm: Một là chi phí tăng tại các khâu của chuỗi cung ứng và chi phí qua các công đoạn giết mổ. Chuỗi cung ứng thịt lợn bắt nguồn từ cơ sở chăn nuôi hoặc doanh nghiệp chăn nuôi nơi có giá bán ra 70.000 đồng/kg. Sau đó qua đại lý cấp 1 mỗi công đoạn tăng thêm từ 8-10%, đại lý cấp 2, lò mổ, bán buôn, bán lẻ và cuối cùng mới tới tay người tiêu dùng.
Như vậy, qua mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng thì giá lợn hơi/thịt lợn sẽ tăng trung bình khoảng 8-10% (lấy lãi suất vay ngân hàng làm thước đo) do mỗi công đoạn của chuỗi cung ứng đều có chi phí sản xuất và lợi nhuận tương đương.
Theo đó, từ doanh nghiệp chăn nuôi đến người tiêu dùng, giá lợn hơi từ 70.000 đồng/kg sẽ tăng lên khoảng từ 90.000 - 100.000 đồng/kg. Ngoài ra, giá trị thịt lợn thành phẩm các loại thay đổi qua các giai đoạn giết mổ, pha lóc. Lãnh đạo Vụ thị trưởng trong nước khẳng định giá thịt lợn qua các công đoạn lưu thông và chế biến đến tay người tiêu dùng đúng theo cơ chế thị trường
Để giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng giảm thời gian tới, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng phải đảm bảo được nguồn cung vì bản chất thị trường hiện nay vẫn là cung cầu quyết định giá cả. Để đảm bảo nguồn cung được ổn định thì cần phải tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học. Bên cạnh đó, nhập khẩu thịt lợn, đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm.
"Các doanh nghiệp chăn nuôi cần tiếp tục giảm giá bán vì mức 70.000 đồng/kg hiện vẫn còn quá cao. Còn để giảm tối đa khâu trung gian thì cần tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa ngành chăn nuôi theo hướng giảm số lượng cơ sở chăn nuôi và lò mổ nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn và giết mổ tập trung...", ông Tuấn cho hay.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về giải pháp bình ổn giá thịt lợn hồi tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần kiên quyết đưa giá thịt lợn xuống (dưới 60.000 đồng/kg thịt lợn hơi) trong thời gian tới bằng các biện pháp phù hợp.
Nói về phương án để giảm giá thịt lợn, Thủ tướng nhấn mạnh, quan trọng nhất là tăng cung bằng cách đẩy mạnh phục hồi đàn lợn trên 32 triệu con, tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại, tập đoàn, hộ chăn nuôi như về giá thuê đất, vay ngân hàng... Phải tập trung khắc phục khâu trung gian, thu mua, giết mổ, nhất là các lò mổ. "Khâu này rất phức tạp, thực ra người nông dân, người mua thì thiệt hại còn ở giữa thì hưởng lợi". Thủ tướng đề nghị thanh tra khâu này.
Bài và ảnh: Tuyết Nhung