Doanh nghiệp 'than' bị phân biệt đối xử trong dự thảo nghị định mới về xăng dầu
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 20:24, 14/05/2024
Doanh nghiệp 'than' bị phân biệt đối xử trong dự thảo nghị định mới về xăng dầu
Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Nai cho rằng dự thảo nghị định về xăng dầu mang tính phân biệt đối xử, hạn chế các quyền tự do, chủ động kinh doanh của doanh nghiệp.
Góp ý về dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Nai cho rằng dự thảo nghị định vẫn giữ cách tiếp cận và phương pháp cũ đã không còn phù hợp từ bối cảnh thực tế cách đây hơn mười năm của Nghị định 83/2014.
Thứ nhất, không xác định đúng tính chất hàng hoá của xăng dầu không phải là hàng cấm, hàng hạn chế kinh doanh, hàng nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh mà chỉ là hàng hoá đặc thù thuộc diện “kinh doanh có điều kiện” theo thị trường.
Thứ hai, thị trường sản xuất, kinh doanh xăng dầu đã trở nên tự do và mở cửa cho doanh nghiệp mọi thành phần, trong đó có cả đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, bởi vì xác định cả tính chất mặt hàng lẫn thị trường không đúng và phù hợp nên dự thảo tiếp tục phân chia thị trường, phân loại các doanh nghiệp bao gồm thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ, đi kèm theo đó là các địa vị pháp lý, quyền, nghĩa vụ, lợi ích và chế độ đối xử, quản lý từ phía Nhà nước khác nhau.
“Đáng lưu ý là thương nhân đầu mối (thuộc thiểu số trong số lượng hàng nghìn doanh nghiệp) được xếp hạng cao nhất có vị trí riêng với nhiều đặc quyền, tiếp đến là thương nhân phân phối và cuối cùng là thương nhân bán lẻ”, ông Phụng nêu.
Theo ông, quan điểm và cách tiếp cận về chính sách và quản lý như trên rõ ràng là sự áp đặt duy ý chí và mang tính phân biệt đối xử, hạn chế các quyền tự do, chủ động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều đó hoàn toàn trái với tinh thần cơ bản của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.
Ví dụ, thương nhân đầu mối phải có hệ thống phân phối gồm tối thiểu 40 thương nhân bán lẻ; thương nhân phân phối phải có hệ thống phân phối gồm 5 cửa hàng bán lẻ, 10 thương nhân bán lẻ và có văn bản thỏa thuận với thương nhân đầu mối; hay thương nhân bán lẻ phải có văn bản thỏa thuận với thương nhân phân phối hoặc thương nhân đầu mối…
“Chúng tôi thấy rằng trong bối cảnh thực tế hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang không có điều kiện bình đẳng để cạnh tranh công bằng trên thị trường, đặc biệt trong tương quan giữa thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ; giữa doanh nghiệp lớn, siêu lớn thống lĩnh thị trường và doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Phụng nêu.
Dẫn ví dụ, ông Phụng cho biết có tập đoàn chiếm tới 51% thị phần và cùng với 6/32 doanh nghiệp lớn khác chiếm tới 88% thị phần. Tuy nhiên, từ quan điểm chính sách và pháp luật, dự thảo lại quy định theo hướng bất lợi và triệt tiêu khả năng cạnh tranh công bằng và bình đẳng của các doanh nghiệp nhỏ hơn là thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ.
Ví dụ: bắt buộc các thương nhân này phải có và/hoặc thuộc một hệ thống phân phối nhất định do một thương nhân đầu mối hay thương nhân phân phối làm chủ, hay đối với thương nhân phân phối “chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu” (Điều 14, Dự thảo Nghị định).
Cũng theo ông Phụng, cơ chế định giá xăng dầu theo dự thảo không phù hợp với các nguyên tắc và quy định của Luật Giá.
Điều 8, Luật Giá, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có quyền “Tự định giá và điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể”. Điều 3, Luật Giá cũng quy định Nhà nước chỉ định giá (thông qua khung giá, ấn định giá tối đa, giá tối thiểu) đối với một số hàng hóa, dịch vụ mà không có xăng dầu, đồng thời quy định “Yếu tố hình thành giá bao gồm giá thành toàn bộ thực tế; lợi nhuận (nếu có) hoặc khoản lỗ (nếu có); các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật”.
Trong khi đó, theo ông Phụng, dự thảo nghị định lại quy định một cơ chế duy nhất và bắt buộc áp dụng về xác định và điều chỉnh giá xăng dầu của thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối (Điều 32) và ấn định giá bán xăng dầu tối đa như là biện pháp duy nhất và cố định để bình ổn giá (Điều 33). Điều này trái với mục tiêu và các quy định và của Luật Giá trong điều kiện kinh tế thị trường.
Ông Phụng cũng nêu rằng cơ chế dự trữ lưu thông xăng dầu quy định tại Điều 25 và 26 của dự thảo không phù hợp với Luật Dự trữ quốc gia.
Theo đó, xăng dầu là nhóm hàng nhiên liệu có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế và đời sống dân sinh, do đó thuộc danh mục hàng hóa được dự trữ bắt buộc theo Điều 27, Luật Dự trữ quốc gia.
Theo quy định của luật, việc mua hàng hóa này bằng tiền ngân sách nhà nước và việc bảo quản và sử dụng hàng hóa dự trữ này thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước mà không phải của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Điều 26, dự thảo lại quy định cả trách nhiệm và thẩm quyền có liên quan thuộc về Thương nhân đầu mối.
“Việc trao trách nhiệm và đi kèm với các quyền và lợi ích có liên quan cho doanh nghiệp là thương nhân đầu mối theo chúng tôi là không phù hợp với quy định của luật”, ông nêu.