Ukraine tiếp tục rút quân khỏi Kharkiv, cảnh báo nguy cơ Nga tấn công tỉnh Sumy lân cận

Quốc tế - Ngày đăng : 13:57, 15/05/2024

Theo Reuters, quân đội Ukraine hôm 14.5 cho biết lực lượng của họ đã rút lui về các vị trí mới ở hai khu vực phía đông bắc Kharkiv.
Quốc tế

Ukraine tiếp tục rút quân khỏi Kharkiv, cảnh báo nguy cơ Nga tấn công tỉnh Sumy lân cận

Hoàng Vũ (theo Reuters) {Ngày xuất bản}

Theo Reuters, quân đội Ukraine hôm 14.5 cho biết lực lượng của họ đã rút lui về các vị trí mới ở hai khu vực phía đông bắc Kharkiv.

Lực lượng Ukraine cũng đưa ra cảnh báo về việc Nga tăng cường lực lượng ở phía bắc gần khu vực Sumy. Một cuộc tấn công xuyên biên giới vào vùng Sumy có thể sẽ kéo căng lực lượng phòng thủ đã suy kiệt của Kyiv hơn nữa sau khi Nga tiến vào khu vực Kharkiv, mở ra một mặt trận mới hồi cuối tuần trước, buộc Ukraine phải gấp rút tăng viện.

Reuters cho biết Nga đã tiến vào phía bắc khu vực Kharkiv hôm 14.5 và kiểm soát được Buhruvatka, ngôi làng biên giới thứ 10. Cảnh sát trưởng Vovchansk, một thị trấn cách biên giới 5km nằm trên mũi tấn công chính của Nga, đã báo cáo về các cuộc đọ súng ở phía bắc khu vực.

nga-tan-cong-kharkov.png
Kharkiv đang trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng Nga - Ảnh: Reuters

“Tại một số khu vực nhất định ở Lukyantsi và Vovchansk, các đơn vị đã rút về các vị trí thuận lợi hơn do hỏa lực và hành động tấn công dữ dội của đối phương, đồng thời để bảo toàn mạng sống của các quân nhân của chúng tôi và tránh tổn thất”, Bộ Tổng tham mưu Ukraine tuyên bố cùng ngày.

Thống đốc khu vực Oleh Syniehubov cũng tiết lộ hơn 7.500 người Ukraine ở Vovchansk và các khu vực biên giới lân cận đã phải sơ tán.

Phát biểu tối 14.5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Tổng tư lệnh Syrskyi đã báo cáo về tình hình tại các khu vực chiến sự. “Các vùng Donetsk và Kharkiv đang rất khó khăn. Ông Syrskyi hiện đang ở vùng chiến sự để làm việc với các lữ đoàn tại vị trí chiến đấu. Còn quá sớm để kết luận điều gì, nhưng kế hoạch tác chiến đang được kiểm soát”, ông nói.

Ông Zelensky nhấn mạnh, lực lượng Ukraine đang cố gắng ngăn cản bước tiến của đối phương. “Tình hình khá căng thẳng, song chúng tôi đã tăng cường sức mạnh cho các mặt trận, đặc biệt là Kharkiv. Nhiều binh sĩ Ukraine, và cả cư dân Kharkiv, đã đứng lên bảo vệ vùng đất của họ. Họ đang thực hiện công việc của mình và tôi đánh giá cao tinh thần này”, nhà lãnh đạo Ukraine cho hay.

Hãng tin Reuters nhận định việc Nga tấn công dồn dập Kharkiv đã làm suy giảm tinh thần chiến đấu của Ukraine, gây xao lãng cho các hoạt động phòng thủ của Kyiv ở phía đông, nơi Nga đã tập trung nhân lực trong nhiều tháng.

Giám đốc tình báo quân sự Ukraine Kyrylo Budanov cho biết Moscow đã điều động toàn bộ quân đội có ở khu vực biên giới cho chiến dịch Kharkiv, song họ còn có lực lượng dự bị khác mà ông dự báo sẽ được sử dụng trong những ngày tới.

Nga đang duy trì nhịp độ tấn công trong khu vực, theo dữ liệu do Bộ Tổng tham mưu Ukraine tổng hợp cho biết đã có 14 cuộc tấn công của Nga trong ngày 14.5, so với 13 và 22 lần lượt vào hai ngày trước đó.

Theo ông Budanov, Nga có các nhóm lực lượng nhỏ ở gần thị trấn Sudzha giáp với Sumy của Ukraine, nơi khí đốt tự nhiên của Nga trung chuyển qua Ukraine tới khách hàng ở châu Âu. “Đối với khu vực Sumy, người Nga thực sự đã lên kế hoạch cho một hoạt động tấn công ngay từ đầu… nhưng tình hình không cho phép họ thực hiện các hành động đó”, ông nói.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng, cuộc tấn công của Nga là một phép thử đối với Ukraine và cho thấy Kyiv đang thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng chiến đấu và cần được bổ sung ngay lập tức. Sự thiếu hụt đó càng trầm trọng hơn do gói viện trợ quân sự của Mỹ bị trì hoãn nhiều tháng. Tới nay, Ukraine vẫn đang chờ Mỹ chuyển giao vũ khí mới.

Emil Kastehelmi, một nhà phân tích tình báo nguồn mở của Black Bird Group, chia sẻ với Reuters rằng trận chiến quan trọng nhất trong cuộc tấn công của Nga đang diễn ra ở Vovchansk, cách thành phố Kharkiv khoảng 45km.

"Nếu Nga muốn tiến xa hơn về phía nam, Vovchansk cần phải được kiểm soát. Tại thị trấn này, Ukraine đang giao chiến và có vẻ như lực lượng phòng thủ mạnh hơn của Ukraine cũng bắt đầu xuất hiện cách biên giới khoảng 6-8km ở những nơi khác”, ông nói.

Tamaz Gambarashvili, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự của Vovchansk bình luận trên truyền hình rằng thị trấn "gần như đã bị phá hủy". “Nó hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Kyiv, nhưng có những nhóm nhỏ của lực lượng Nga cố gắng tiến vào vùng ngoại ô thành phố, vì vậy đã xảy ra một số cuộc đấu súng”, ông nói.

Tổng thống Putin ủng hộ kế hoạch hòa bình của Trung Quốc

Trong cuộc phỏng vấn của hãng Tân Hoa Xã được công bố hôm 15.5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga vẫn sẵn sàng đối thoại và đàm phán để giải quyết cuộc xung đột kéo dài hơn hai năm với Ukraine.

“Chúng tôi đánh giá tích cực về cách tiếp cận của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Ở Bắc Kinh, họ thực sự hiểu nguyên nhân gốc rễ và ý nghĩa địa chính trị toàn cầu của vấn đề”, ông Putin nói.

Theo ông chủ Điện Kremlin, các nguyên tắc bổ sung do ông Tập đưa ra trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz gần đây là những bước đi thực tế và mang tính xây dựng nhằm phát triển ý tưởng về sự cần thiết phải vượt qua tâm lý chiến tranh lạnh.

Cách đây hơn một năm, Bắc Kinh đã đưa ra một bản đề xuất 12 điểm nêu ra những nguyên tắc chung để chấm dứt chiến tranh nhưng không đi sâu vào chi tiết cụ thể.

Vào thời điểm đó, nó đã nhận được sự đón nhận kém nồng nhiệt ở cả Nga và Ukraine, trong khi Mỹ cho biết Trung Quốc đang thể hiện mình là bên kiến tạo hòa bình nhưng phản ánh “lời kể sai lầm” của Nga và không lên án chiến dịch quân sự của nước này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi tháng trước gọi đề xuất này là “kế hoạch hợp lý mà nền văn minh vĩ đại Trung Quốc đề xuất để thảo luận”.

Trong khi đó, kế hoạch hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi Nga rút quân, khôi phục biên giới hậu Xô Viết năm 1991 và buộc Moscow phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình.

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine dự kiến diễn ra ở Thụy Sĩ vào tháng 6. Tuy nhiên, Nga không được mời và nói rằng sáng kiến này là vô nghĩa khi cho rằng các cuộc đàm phán phải tính đến yếu tố "thực tế mới". Trung Quốc đã tham dự một số cuộc đàm phán chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh và Ukraine đã triển khai những nỗ lực lớn để thuyết phục Bắc Kinh tham dự.

Hoàng Vũ (theo Reuters)