Microsoft yêu cầu hàng trăm nhân viên rời Trung Quốc do căng thẳng Trung – Mỹ về AI và chip

Thế giới số - Ngày đăng : 16:58, 16/05/2024

Microsoft yêu cầu hàng trăm nhân viên ở Trung Quốc xem xét việc chuyển công tác ra nước ngoài trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng về các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và chip.
Thế giới số

Microsoft yêu cầu hàng trăm nhân viên rời Trung Quốc do căng thẳng Trung – Mỹ về AI và chip

Sơn Vân 16/05/2024 16:58

Microsoft yêu cầu hàng trăm nhân viên ở Trung Quốc xem xét việc chuyển công tác ra nước ngoài trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng về các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và chip.

Theo trang The Wall Street Journal, Microsoft đang yêu cầu khoảng 700 đến 800 nhân viên ở Trung Quốc đang làm việc về học máy và các công việc khác liên quan đến điện toán đám mây xem xét việc chuyển địa điểm làm việc.

"Cung cấp cơ hội nội bộ là một phần thường xuyên trong việc quản lý doanh nghiệp toàn cầu của chúng tôi. Trong quá trình này, chúng tôi đã chia sẻ một cơ hội chuyển công tác nội bộ tùy chọn với một số nhân viên", người phát ngôn Microsoft cho biết trong một tuyên bố qua email gửi cho Reuters, không chỉ ra số lượng nhân viên mà họ đã gửi yêu cầu.

Microsoft vẫn cam kết với Trung Quốc và sẽ tiếp tục hoạt động ở đó cùng các thị trường khác, người phát ngôn nói thêm.

Các nhân viên Microsoft, chủ yếu là kỹ sư có quốc tịch Trung Quốc, được cung cấp lựa chọn chuyển đến Mỹ, Ireland, Úc và New Zealand trong tuần này, The Wall Street Journal đưa tin, dựa trên nguồn tin quen biết với vấn đề này.

microsoft-yeu-cau-hang-tram-nhan-vien-roi-trung-quoc-do-cang-thang-trung-my-ve-ai-va-chip.jpg
Bên ngoài văn phòng Microsoft ở Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Việc trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tăng thuế quan lên một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc gồm ô tô điện, pin năng lượng mặt trời, chip máy tính và các sản phẩm y tế.

Hôm 14.5, chính quyền Biden đã công bố mức thuế quan mới với ô tô điện do Trung Quốc sản xuất, tăng gấp 4 lần mức thuế hiện tại từ 27,5% lên 102,5%, cũng như áp các mức thuế mới với pin năng lượng mặt trời, thép, nhôm…

Các mức thuế mới sẽ tác động đến 18 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo tạp chí Time, hiện Trung Quốc xuất khẩu rất ít ô tô điện sang Mỹ nên khó có khả năng mức thuế mới sẽ có nhiều tác động trong ngắn hạn. Trong quý 1/2024, chỉ có một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc là Geely xuất khẩu ô tô điện sang Mỹ và hãng này chiếm chưa đến 1% thị phần. Tuy nhiên, chính quyền Biden giải thích họ lo ngại về lâu dài, các khoản trợ cấp từ Bắc Kinh dành cho ngành công nghiệp ô tô điện có thể giúp phía Trung Quốc giành được thị phần lớn hơn ở Mỹ.

Cuối tháng 2, Nhà Trắng cho biết Mỹ đang mở một cuộc điều tra về việc liệu ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc có gây ra rủi ro an ninh quốc gia hay không và có thể áp đặt các hạn chế do lo ngại về công nghệ ô tô “được kết nối”. Nhà Trắng tuyên bố cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ là cần thiết vì các phương tiện "thu thập lượng lớn dữ liệu nhạy cảm về tài xế và hành khách, thường xuyên sử dụng camera và cảm biến để ghi lại thông tin chi tiết về cơ sở hạ tầng của Mỹ".

Vì các ô tô tự lái có thể "được điều khiển hoặc vô hiệu hóa từ xa", Bộ Thương mại Mỹ cũng sẽ xem xét các loại xe này.

Thời điểm đó, Tổng thống Joe Biden tuyên bố: “Các chính sách của Trung Quốc có thể làm thị trường Mỹ ngập tràn xe của họ, gây ra rủi ro cho an ninh quốc gia. Tôi sẽ không để điều đó xảy ra dưới dưới sự quản lý của tôi".

Hôm 15.5, Nhà Trắng cho biết các quan chức Mỹ đã nêu lên những quan ngại của họ về việc Trung Quốc "sử dụng sai mục đích" AI trong cuộc đàm phán song phương chính thức đầu tiên về vấn đề này.

Cuộc gặp diễn ra tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ) hôm 14.5 trong bối cảnh hai siêu cường tìm cách tránh đối đầu nhau trong lĩnh vực AI đang phát triển nhanh chóng này.

Tại cuộc họp, phái đoàn Mỹ nhấn mạnh với các đối tác Trung Quốc về sự cần thiết phải “duy trì các đường dây liên lạc cởi mở về những rủi ro và an toàn AI như một phần quan trọng của việc quản lý cạnh tranh có trách nhiệm”, Nhà Trắng cho hay.

Adrienne Watson, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc Nhà Trắng, nói thêm: “Mỹ cũng nêu lên mối lo ngại về tình trạng lạm dụng AI, gồm cả việc lạm dụng AI của Trung Quốc”.

Các quan chức Mỹ ngày càng lo ngại về khả năng tiếp cận AI của Trung Quốc, trong bối cảnh lo ngại rằng công nghệ này có thể bị Bắc Kinh sử dụng để đảo ngược kết quả bầu cử ở các quốc gia khác, tạo ra vũ khí sinh học và tiến hành các cuộc tấn công mạng.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã thúc giục Trung Quốc và Nga phát ngôn phù hợp với các tuyên bố của Mỹ rằng chỉ có con người, chứ không bao giờ là AI, đưa ra quyết định triển khai vũ khí hạt nhân.

Giới chức Mỹ cũng bày tỏ lo ngại rằng việc Trung Quốc triển khai nhanh chóng năng lực AI trên khắp các lĩnh vực dân sự, quân sự và an ninh quốc gia có thể làm suy yếu an ninh của Mỹ và các đồng minh.

Các nguồn tin của Reuters cho biết chính quyền Biden đã sẵn sàng mở ra một mặt trận mới trong nỗ lực bảo vệ AI của Mỹ khỏi Trung Quốc với kế hoạch sơ bộ nhằm thiết lập các rào chắn xung quanh các mô hình AI tiên tiến nhất. Đó là phần mềm cốt lõi của các hệ thống AI như ChatGPT.

Bộ Thương mại Mỹ đang cân nhắc một động thái pháp lý mới nhằm hạn chế xuất khẩu các mô hình AI độc quyền hoặc nguồn đóng, có phần mềm và dữ liệu đào tạo được giữ kín, ba người quen thuộc với vấn đề này tiết lộ với hãng tin Reuters.

Bất kỳ hành động nào cũng sẽ bổ sung vào hàng loạt biện pháp được thực hiện 2 năm qua để ngăn chặn việc xuất khẩu chip AI tiên tiến sang Trung Quốc, trong nỗ lực làm chậm quá trình phát triển công nghệ tiên tiến của nước này cho mục đích quân sự. Dù vậy, các cơ quan quản lý ở Mỹ sẽ khó có thể theo kịp sự phát triển nhanh chóng của ngành.

Hiện tại, không gì có thể ngăn cản các gã khổng lồ Mỹ về AI như Microsoft, OpenAI, Google DeepMind của Alphabet và Anthropic, vốn đã phát triển một số mô hình AI nguồn đóng mạnh mẽ nhất, bán chúng cho hầu hết mọi người trên thế giới mà không có sự giám sát của chính phủ.

Các nhà nghiên cứu của chính phủ và khu vực tư nhân lo ngại các đối thủ cạnh tranh với Mỹ có thể sử dụng các mô hình AI này khai thác lượng lớn văn bản và hình ảnh để tóm tắt thông tin và tạo nội dung, rồi thực hiện các cuộc tấn công mạng mạnh mẽ hoặc thậm chí tạo ra vũ khí sinh học nguy hiểm.

Để phát triển biện pháp kiểm soát xuất khẩu với các mô hình AI, Mỹ có thể chuyển sang ngưỡng có trong lệnh về AI được ban hành vào tháng 10.2023, dựa trên lượng sức mạnh tính toán cần thiết để đào tạo một mô hình AI. Khi đạt đến ngưỡng đó, các công ty phải báo cáo kế hoạch phát triển mô hình AI của mình và cung cấp kết quả thử nghiệm cho Bộ Thương mại Mỹ.

Theo hai quan chức Mỹ và một nguồn tin khác tóm tắt về các cuộc thảo luận, ngưỡng sức mạnh tính toán đó có thể trở thành cơ sở để xác định những mô hình AI nào sẽ bị hạn chế xuất khẩu. Họ từ chối nêu tên vì thông tin chi tiết chưa được công khai.

Nếu được áp dụng, quy định có thể chỉ hạn chế việc xuất khẩu các mô hình AI vẫn chưa được phát hành. Lý do vì chưa có mô hình AI nào đã đạt đến ngưỡng này, dù Gemini Ultra của Google được cho đang tiến gần tới, theo EpochAI - Viện nghiên cứu theo dõi các xu hướng AI.

Các nguồn tin nhấn mạnh rằng Bộ Thương mại Mỹ vẫn chưa hoàn thiện đề xuất quy định. Thế nhưng, việc xem xét động thái như vậy cho thấy chính phủ Mỹ đang tìm cách vá lỗ hổng trong nỗ lực ngăn chặn tham vọng AI của Trung Quốc, bất chấp những thách thức nghiêm trọng về áp đặt chính sách quản lý cứng rắn với công nghệ phát triển nhanh chóng này.

Khi chính phủ Biden xem xét sự cạnh tranh với Trung Quốc và những nguy cơ từ AI tinh vi, "các mô hình AI rõ ràng là một trong những điểm nghẽn (rủi ro) tiềm ẩn mà bạn cần suy nghĩ ở đây. Liệu bạn có thể thực sự biến nó thành một điểm nghẽn bị kiểm soát xuất khẩu trong thực tế hay không thì vẫn cần phải xem xét thêm", theo Peter Harrell, cựu quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.

Cộng đồng tình báo Mỹ, các tổ chức nghiên cứu và học giả ngày càng lo ngại về những rủi ro do các tác nhân xấu nước ngoài tiếp cận với các khả năng AI tiên tiến gây ra. Các nhà nghiên cứu tại tổ chức Gryphon Scientific và Rand Corporation lưu ý rằng các mô hình AI tiên tiến có thể cung cấp thông tin giúp tạo ra vũ khí sinh học.

Trong đánh giá mối đe dọa an ninh nội địa năm 2024, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết rằng các tác nhân mạng có thể sẽ sử dụng AI để "phát triển các công cụ mới nhằm giúp cuộc tấn công mạng quy mô lớn hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và khó ngăn chặn hơn".

Một trong những nguồn tin của Reuters cho biết bất kỳ quy định xuất khẩu mới nào cũng có thể nhắm tới các quốc gia khác.

"Sự bùng nổ tiềm tàng trong việc sử dụng và khai thác AI là rất lớn. Chúng tôi thực sự đang gặp khó khăn trong việc theo dõi điều đó", Brian Holmes, quan chức Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, nói tại một cuộc họp kiểm soát xuất khẩu vào tháng 3, nhấn mạnh sự tiến bộ của Trung Quốc là một mối quan ngại đặc biệt.

Sơn Vân