Nhà vườn ngậm ‘trái đắng’ vì mua phải máy đo độ mặn dỏm
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 09:57, 06/04/2020
Máy đo độ tinh khiết của nước biến thành máy đo độ mặn
Dưới cái nắng như đổ lửa, ông Chín ở xã Tam Bình (H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) bần thần đứng nhìn mấy người thợ cưa cây đang dùng cưa máy đốn hạ những gốc sầu riêng gần 10 năm tuổi. Ông Chín cho biết, ông có 3.000 m2 đất trồng sầu riêng với hơn 70 cây, nhưng hiện nay đang bị suy kiệt nặng, nhiều cây đã bị rụng lá và có dấu hiệu chết dần.
“Tui đã tìm đủ mọi cách để cứu mấy cây sầu riêng, nhưng không cứu được, đành chấp nhận chết cây nào đốn bỏ cây đó, chờ đến lúc có nguồn nước ngọt ổn định sẽ trồng mới”, ông Chín nói. Ông Chín kể, lúc nước mặn bắt đầu xuất hiện trên sông Tiền, ông đã rất cảnh giác, đến mấy đại lý vật tư nông nghiệp quen biết nhờ họ mua giùm cái máy đo độ mặn để tự đo hàm lượng muối trong nước ở những con mương vườn trồng sầu riêng.
Vườn sầu riêng của ông Chín đang chết dần, phải đốn bỏ - Ảnh: Thanh Anh
Đặt hàng gần 1 tuần, ông Chín nhận được cái máy đo độ mặn giá 800.000 đồng, nhưng ghi toàn là tiếng nước ngoài, đem về không biết làm cách nào để sử dụng. Đem trả thì đại lý vật tư nông nghiệp không nhận, họ nói nhờ người quen mua ở TP.HCM, máy ngoại nhập nên… không có bảo hành, miễn trả lại. Nhưng họ hướng dẫn ông Chín nếu cho máy xuống nước mà nhìn thấy màn hình hiện lên con số 0 là an toàn, tưới cây thoải mái.
“Tui đem máy về làm đúng như chỉ dẫn, thấy máy báo số 0, nên tui an tâm bơm nước tưới sầu riêng. Không ngờ chưa đầy tuần lễ sau cây bắt đầu bị cháy lá, rụng bông, rụng trái non ào ào, nên tui hoảng quá lấy mẫu nước đem ra xã nhờ đo lại độ mặn thì mới biết lượng muối trong nước là 2 gam/lít, trong khi cây sầu riêng chỉ chịu đựng được nước nhiễm mặn dưới mức 0,5 gam/lít.
Từ đó đến nay tui cố gắng mua nước ngọt về tưới để cứu vườn sầu riêng, nhưng cây đã bị nhiễm mặn, không cứu được”, ông Chín buồn rầu, kể. Sau khi vườn cây bị rụng lá, chết dần, ông Chín đem chiếc máy đi hỏi mấy cán bộ nông nghiệp thì tá hỏa vì đó không phải là máy đo độ mặn mà là… máy đo độ tinh khiết của nước.
Ở xã Đông Hòa Hiệp (H.Cái Bè, Tiền Giang), ông Bảy Thành, chủ 4.000 m2 vườn trồng mít Thái, sầu riêng cũng mua 1 máy đo độ tinh khiết của nước, nhưng được người bán giới thiệu là máy đo độ mặn. May mắn hơn ông Chín, nhờ cảnh giác nên ông Thành và nhiều nhà vườn khác không bị thiệt hại vườn cây ăn trái, chỉ mất tiền mua máy.
Ông Thành kể: “Sau Tết Canh Tý tui nghe nói nước mặn trên sông Tiền đã lên đến địa phận Cái Bè, nên nhờ người quen tìm mua giùm cái máy đo độ mặn. Mấy chủ vườn xung quanh tui nhiều người cũng nhờ mua máy đo, được hét giá 1 triệu đồng/chiếc, hàng ngoại nhập.
Máy đem về, lúc đài thông báo độ mặn trên sông là 2 gam/lít, nhưng múc nước dưới sông lên đo thì máy hiện số 0, nên tui vẫn cảnh giác không dám bơm nước tưới cho cây. Chưa hết, khi cả xóm xúm lại để 3-4 cái máy đo cạnh nhau trong cùng 1 mẫu nước thì mỗi cái hiện lên 1 chỉ số khác nhau. Thấy vậy tụi tui bỏ luôn mấy cái máy, đem mẫu nước nhờ mấy ông cán bộ thủy nông đo độ mặn cho chắc ăn”.
Trong khi đó ở các huyện như Châu Thành, Chợ Lách của tỉnh Bến Tre, nhiều nhà vườn cho biết mua máy đo độ mặn… dễ như mua kẹo. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, nhà vườn ở xã Vĩnh Bình (H.Chợ Lách), hầu như các cửa hàng tạp hóa lớn, các tiệm kinh doanh, sửa chữa đồ điện tử, điện gia dụng… đều có bán máy đo độ mặn, giá từ 200.000 đồng đến 2 - 3 triệu đồng/chiếc.
“Họ bảo đảm là hàng ngoại nhập, nhưng cương quyết không bảo hành, thuận mua vừa bán. Sau khi đem máy về sử dụng, nhiều nhà vườn ngậm đắng nuốt cay vì lỡ tưới nước nhiễm mặn cho cây trồng do máy thông báo… nước an toàn. Đem máy hỏi các cán bộ nông nghiệp thì mới biết các máy đo độ mặn đều là máy đo độ tinh khiết của nước”, ông Sơn kể.
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT H.Chợ Lách, toàn huyện có hơn 8.500 héc-ta vườn cây ăn trái, 1.300 héc-ta cây giống, hoa kiểng, nhưng đã có hàng trăm héc-ta bị thiệt hại do nước mặn, chủ yếu là các vườn sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, các cơ sở sản xuất cây giống… và diện tích vườn cây bị thiệt hại sẽ tiếp tục tăng vì hạn, mặn còn kéo dài.
Một vườn sầu riêng ở xã Tam Bình đang cho trái bắt đầu héo lá, chết cây, dù nhà vườn cố chở nước ngọt về cứu - Ảnh: Thanh Anh
Do nhiều vườn cây bị suy kiệt nặng và chết, nên nhà vườn phải đốn bỏ để trồng mới. Dù ngay từ đầu mùa xâm nhập mặn 2020, ngành nông nghiệp H.Chợ Lách đã tổ chức nhiều điểm đo độ mặn phục vụ miễn phí cho người dân, nhưng nhiều chủ vườn và chủ cơ sở sản xuất cây giống vẫn bị thiệt hại do mua những chiếc máy đo độ mặn dỏm.
Cách nhận biết máy đo độ mặn dỏm
Theo ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình, bản thân ông có nghe thông tin nhiều nhà vườn tự trang bị máy đo độ mặn nhưng mua nhầm máy đo độ tinh khiết của nước. Tuy nhiên do thuận mua vừa bán, không rõ nguồn gốc xuất xứ của máy, không có chế độ bảo hành, số tiền bỏ ra mua máy không lớn, nên hầu hết những người bị lừa đều bỏ qua, không đến chính quyền địa phương để khiếu nại.
“Nhà vườn nóng ruột tự mua máy đo độ mặn để cứu vườn sầu riêng là chuyện bình thường, vì 1 héc-ta sầu riêng từ 5 năm tuổi trở lên cho năng suất bình quân 20 tấn trái/năm, với giá bán trung bình 50.000 đồng/kg thì thu được 1 tỉ đồng/năm. Nếu cây chết, nhà vườn còn phải tốn vài trăm triệu đồng để đầu tư trồng, chăm sóc cây mới. Tam Bình hiện có hơn 1.600 héc-ta sầu riêng, do nước mặn mà hiện nay hơn 40% vườn cây đã bị suy kiệt và chết dần, thiệt hại rất nặng nề, nên nhà vườn xót ruột”, ông Lâm cho biết.
Để giúp nhà vườn tránh cảnh “tiền mất tật mang” do mua phải máy đo độ mặn dỏm, hiện tại UBND xã Tam Bình đã được trang bị 3 máy đo chuyên dụng và lập 7 điểm đo nước mặn trên địa bàn xã, đồng thời nhận đo độ mặn miễn phí khi nhà vườn mang mẫu nước đến. Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, cho biết hiện nay máy đo độ mặn chuyên dụng chỉ được cung cấp bởi những doanh nghiệp chuyên ngành ở TP.HCM, không có chuyện bày bán tràn lan khắp các cửa hàng tạp hóa, điện tử gia dụng trên thị trường.
“Theo tôi biết thì hầu hết các máy đo độ mặn người dân đang sử dụng đều là máy đo độ tinh khiết của nước, hay nói chính xác đó là máy đo hàm lượng tổng chất rắn hòa tan trong nước. Nếu người dân muốn mua máy tự đo độ mặn thì phải đến những cơ sở chuyên ngành có uy tín, máy có xuất xứ rõ ràng, hướng dẫn sử dụng chính xác và phải có bảo hành”, ông Pháp nói.
Một điểm cung cấp nước ngọt miễn phí cứu vườn sầu riêng đặc sản do UBND tỉnh Tiền Giang thành lập ở xã Tam Bình - Ảnh: Thanh Anh
Theo 1 cán bộ thủy nông ở Tiền Giang, hiện nay thị trường máy đo độ mặn rất bát nháo, hầu hết máy đều được người bán giới thiệu xuất xứ nước ngoài, nhưng thông tin không rõ ràng. Nếu thực sự cần mua máy đo độ mặn thì người dân phải nhận biết các đặc điểm rất quan trọng: máy đo độ mặn chuyên dụng đều có ký hiệu “salt” hoặc “salinity”; còn máy đo độ tinh khiết của nước thì luôn có dòng chữ TDS.
“Trong tháng 3 và tháng 4, UBND tỉnh Tiền Giang đã chấp thuận chi ngân sách hơn 120 tỉ đồng để mở 37 điểm cung cấp 3 triệu m3 nước ngọt miễn phí cho nhà vườn cứu hạn mặn các vườn cây ăn trái, trong đó có khoảng 1,3 triệu m3 nước để cứu hơn 13.000 héc-ta vườn sầu riêng đang cho thu hoạch.
Hiện nay nhà vườn cũng không cần phải tự trang bị máy đo độ mặn, vì UBND các xã, các trạm thủy nông… đã được trang bị máy đo chuyên dụng. Người dân chỉ cần đem mẫu nước đến những nơi này thì sẽ được giúp đo độ mặn miễn phí, không phải chịu cảnh bị lừa mua máy đo độ mặn dỏm”, ông Pháp cho biết.
Thanh Anh