Lãi suất có xu hướng tăng, áp lực lạm phát đang lớn dần

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:14, 17/05/2024

Mặc dù về mặt tổng thể lạm phát đã được kiểm soát trong mục tiêu của Chính phủ 4 tháng đầu năm 2024, tuy nhiên áp lực lạm phát đang lớn dần, đòi hỏi các giải pháp kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ.
Tài chính và đầu tư

Lãi suất có xu hướng tăng, áp lực lạm phát đang lớn dần

Lam Thanh 17/05/2024 15:14

Mặc dù về mặt tổng thể lạm phát đã được kiểm soát trong mục tiêu của Chính phủ 4 tháng đầu năm 2024, tuy nhiên áp lực lạm phát đang lớn dần, đòi hỏi các giải pháp kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ.

Áp lực mạnh dần

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4.2024 tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 1,19% so với tháng 12.2023, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, mức tăng CPI 4 tháng đầu năm đã gần chạm ngưỡng mục tiêu 4 - 4,5% của cả năm 2024.

“Mặc dù về mặt tổng thể lạm phát đã được kiểm soát trong mục tiêu của Chính phủ trong 4 tháng đầu năm 2024, tuy nhiên áp lực lạm phát đang lớn dần, đòi hỏi các giải pháp kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ”, VEPR nêu.

anh-man-hinh-2024-05-17-luc-14.54.33.png
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Theo VEPR, mặc dù lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát dưới ngưỡng mục tiêu, song có thể gia tăng trong thời gian tới, đặc biệt lạm phát chi phí đẩy là yếu tố đáng quan tâm. Trước hết, giá một số nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu có xu hướng tăng do VNĐ giảm giá khoảng 5% từ đầu năm đến nay.

Ngoài ra, lãi suất đang có xu hướng đi lên có thể làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy giá cả hàng hóa tăng trong thời gian tới.

Đáng chú ý, việc tăng lương cơ bản cũng như lương tối thiểu vùng tăng 6% từ ngày 1.7.2024 vừa làm tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, vừa có thể tạo lạm phát kỳ vọng do tâm lý tăng giá bán theo tăng lương.

Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mức tăng giá chung của nền kinh tế có xu hướng đi lên trong các tháng đầu năm 2024 nhưng có thể giảm trong các tháng tới.

Trong 3 tháng trở lại đây, lạm phát tính theo năm đều tăng từ 4 - 4,4%. Góp phần chính vào mức tăng cao của lạm phát các tháng đầu năm nay là tác động trễ đến từ nhóm lương thực, thực phẩm; nhóm nhà ở và vật liệt xây dựng; nhóm dịch vụ y tế và giáo dục.

Nhìn về tình hình lạm phát các tháng còn lại của năm 2024, các yếu tố sẽ phản ánh lên khả năng lạm phát gồm tỷ giá và diễn biến giá dầu.

VDSC cho rằng, trừ khi có cú sốc về địa chính trị dẫn đến việc giá dầu tăng tốc trong một thời gian ngắn, giá dầu Brent thế giới được kỳ vọng sẽ dao động trong vùng 85 - 90USD/thùng từ nay đến cuối năm 2024. Theo đó, giá dầu bình quân năm 2024 ước tăng 5 - 7% so với năm 2023, điều này sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến xu hướng lạm phát.

Ngoài ra, lạm phát trung bình theo tháng từ đầu năm đến nay khoảng 0,3%/tháng cho thấy Việt Nam vẫn đang trong môi trường lạm phát vừa phải, đồng thời áp lực tăng giá các mặt hàng như thực phẩm, xăng dầu và mặt hàng Nhà nước điều tiết giá vẫn được kiểm soát tương đối tốt.

lam-phat-2.jpeg
Việt Nam vẫn đang trong môi trường lạm phát vừa phải

Do đó, VDSC kỳ vọng việc tiền đồng mất giá khoảng 5% từ đầu năm đến nay sẽ không tác động quá lớn đến diễn biến lạm phát nửa sau năm 2024.

VDSC điều chỉnh nhẹ mức dự báo lạm phát năm 2024 từ mức 3,5% lên 3,8% sau khi cân nhắc ảnh hưởng của giá dầu và tỷ giá. Mức tăng giá chung kỳ vọng vẫn thấp hơn mục tiêu kiểm soát lạm phát 4,5% của Chính phủ.

Kịch bản nào cho lạm phát năm nay?

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đưa ra 2 kịch bản cho lạm phát năm 2024.

Theo ông Thịnh, nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu tăng cao, lạm phát của các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 5,5 - 6,5% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,2 - 3,5%.

Nếu giá dầu thô, nguyên vật liệu dao động ở mức như hiện nay hoặc thấp hơn, cơ hội chống lạm phát của các quốc gia tốt hơn, kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn dự báo từ đầu năm, các gói hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng kinh tế phát huy tốt tác dụng, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới, tiếp tục đẩy mạnh xuất nhập khẩu, khu vực du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ, giải ngân đầu tư công đạt mức cao... thì khả năng lạm phát cả năm có thể từ 3,5 - 3,8%.

lam-phat-1.jpeg
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV dự báo cho năm 2024 là lạm phát sẽ cao hơn so với năm 2023, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Theo đó, dự kiến lạm phát năm nay sẽ dao động khoảng 3,5 - 4%, so với mức 3,25% của năm trước.

Các chuyên gia của VEPR đánh giá áp lực lạm phát tăng do xu hướng lạm phát trên thế giới vẫn cao và tài chính tiền tệ ở Việt Nam được nới lỏng. Bên cạnh đó, chi phí ở một số lĩnh vực hàng nhập khẩu và dịch vụ công có xu hướng tăng.

Theo VEPR, Việt Nam đang duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kiên định với các chính sách cân bằng cán cân vĩ mô và phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên, do nguồn lực tài khóa hạn hẹp sau nhiều năm thâm hụt ngân sách, cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá, Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước khác trên thế giới.

Trước đó, Bộ Tài chính dự báo 3 kịch bản điều hành giá từ nay đến cuối năm. Ở kịch bản thấp, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,64% so với năm 2023.

Kịch bản thứ hai, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,05% so với năm 2023.

Kịch bản dự báo mức cao nhất, CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,5% so với năm 2023.

Lam Thanh