Sau khi chạy marathon, nam thanh niên phải lọc thận cấp
Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:29, 21/05/2024
Sau khi chạy marathon, nam thanh niên phải lọc thận cấp
Do vận động mạnh khi chạy marathon, nam vận động viên 31 tuổi phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, bứt rứt, có cơn co giật, phải thở oxy qua mask… Bệnh nhân được chẩn đoán hội chứng ly giải cơ vân phải lọc thận cấp.
Chiều 21.5, TS-BS Phạm Minh Huy – Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, sau 2 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân T.Q.T (SN 1993, ngụ Bình Thuận) bị hội chứng ly giải cơ vân phải lọc thận cấp do vận động nặng khi chạy marathon đã có những chuyển biến tích cực.
Trước đó, lúc 17 giờ 54 phút ngày 19.5, bệnh nhân được đưa vào Khoa Cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, bứt rứt, có cơn co giật, tự thở oxy qua mark và tiểu nước có màu nâu sẫm.
Sau khi khai thác tiền sử và hội chẩn, bệnh nhân được chuyển nhập điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bước đầu, bệnh nhân được xử trí bù dịch, kiềm hóa nước tiểu, thuốc chống co giật và cho lọc thận chậm CRRT.
“Sau 2 ngày điều trị tích cực, đến chiều nay (21.5), bệnh nhân đã tỉnh táo không còn co giật, tự ăn uống được, sinh hiệu ổn, mạch khoảng 60 lần/phút, huyết áp 110/70. Tuy nhiên, chức năng thận của bệnh nhân chưa hồi phục, vẫn đang được lọc thận CRRT. Bệnh nhân sẽ được tiếp tục theo dõi thêm 2-3 ngày nữa để chức năng thận ổn hơn, không còn phải chạy thận nữa và chuyển Khoa Nội thận để theo dõi tiếp trước khi xuất viện”, bác sĩ Huy thông tin.
Qua trường hợp bị hội chứng ly giải cơ vân do vận động nặng như vậy, bác sĩ Huy lưu ý người tập thể dục, rèn luyện sức khỏe nên tập luyện từ từ rồi tăng dần với cường độ, không nên làm quá sức ngay một lúc sẽ rất dễ đi vào cơ vân.
“Có 3 yếu tố quan trọng rất dễ dẫn tới khu cơ vân như: vận động kéo dài, vận động cường độ cao, trong môi trường nắng nóng. Nếu có bất kỳ 1 trong 3 yếu tố đó thì người tập nên cẩn thận, phải bù đủ dịch, bù đủ điện giải và các chất dinh dưỡng trong quá trình tập luyện. Khi có triệu chứng của các tiêu cơ vân như: quá mệt mỏi, mệt mỏi quá sức không giơ tay chân được, đặc biệt đi tiểu nước tiểu có màu sẫm (giống màu xá xị) nên đến các cơ quan y tế để kiểm tra và xử trí kịp thời”, bác sĩ Huy lưu ý thêm.