Có thể cấm đấu giá đến 5 năm đối với người trúng đấu giá mà bỏ cọc

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:27, 21/05/2024

Người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá có thể bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong 5 năm. Điều này nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc...
Theo dòng thời sự

Có thể cấm đấu giá đến 5 năm đối với người trúng đấu giá mà bỏ cọc

Lam Thanh {Ngày xuất bản}

Người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá có thể bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong 5 năm. Điều này nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc...

Chiều 21.5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 43 điều và bãi bỏ 3 điều của luật hiện hành; bổ sung 3 điều mới.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá. Pháp luật chuyên ngành sẽ quy định tài sản nào, giá trị như thế nào thì phải đấu giá, tài sản nào, giá trị bao nhiêu thì không đấu giá, tài sản nào thì đấu giá quyền cho thuê, tài sản nào thì đấu giá quyền sở hữu.

Tại dự thảo luật cũng đã có quy định chung mang tính khái quát đối với tài sản khác mà pháp luật chuyên ngành quy định phải đấu giá để bảo đảm tính bao quát, đầy đủ và dự liệu trước các tài sản có thể phát sinh trong tương lai.

thanh-4.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng thay cụm từ “bán thông qua đấu giá” thành “đấu giá” nhằm bao quát hết các loại tài sản mà hiện nay pháp luật quy định phải thực hiện thông qua đấu giá không chỉ nhằm mục đích để bán tài sản mà còn để được giao, cho thuê, chuyển nhượng, cấp phép quyền khai thác tài sản…

Về các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo luật đã bỏ cụm từ “nhằm mục đích trục lợi” đối với hành vi “để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá” tại điểm đ khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 9 để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và tính khả thi của quy định này.

Để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, ngăn chặn tình trạng thông đồng, móc nối với nhau trong một cuộc đấu giá tài sản, dự thảo luật đã bỏ cụm từ “để trả giá” tại khoản 5 Điều 9.

Việc này nhằm mở rộng hành vi bị nghiêm cấm mà không cần xét đến mục đích đối với trường hợp người tham gia đấu giá nhận ủy quyền tham gia cuộc đấu giá của một hoặc hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó hoặc những người này là người tham gia đấu giá tài sản đó.

Về chứng chỉ hành nghề đấu giá viên, dự thảo luật đã bổ sung tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản tại khoản 4 Điều 15 và điểm b khoản 5 Điều 17 là một trong những trường hợp không được cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề đấu giá. Điều này nhằm bảo đảm tính nghiêm minh trong việc cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá, phù hợp với quy định tại Điều 218 của Bộ luật Hình sự.

Dự thảo luật cũng chỉnh lý theo hướng tổ chức hành nghề đấu giá tài sản được cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản mà không phân biệt tài sản công hay tài sản tư; bổ sung quyền của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản được liên kết với các tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác để tổ chức việc đấu giá tài sản quy định tại khoản 2 Điều 4.

thanh-5.jpeg
Quốc hội thảo luận

Về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo luật quy định rõ hơn về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù và thường là tài sản có giá trị lớn, có thể tác động đến thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, mức tiền đặt trước tối thiểu là 10% và mức tối đa là 20% giá khởi điểm để góp phần hạn chế tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản, đất đai, tần số vô tuyến điện…

Về đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá và đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định đấu giá viên chỉ công bố giá trả của từng phiếu trả giá mà không phải công bố tất cả các thông tin trên phiếu trả giá.

Về chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo luật đã bổ sung trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.

Điều này nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong hoạt động đấu giá tài sản...

Lam Thanh