CEO Microsoft muốn chúng ta ngừng đối xử với AI như con người
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 11:26, 22/05/2024
CEO Microsoft muốn chúng ta ngừng đối xử với AI như con người
Satya Nadella, Giám đốc điều hành Microsoft, muốn mọi người nhớ rằng trí tuệ nhân tạo (AI) là một công cụ chứ không phải trí thông minh thực sự của con người.
Một tuần sau khi OpenAI ra mắt mô hình AI đa phương thức GPT-4o có thể cười, hát và nói bằng nhiều giọng khác nhau, đối tác thân cận nhất của công ty khởi nghiệp này là Microsoft đã đưa ra cái nhìn khác về cách mọi người nên tương tác với các công cụ AI.
“Tôi không thích việc nhân cách hóa AI”, Satya Nadella nói với Bloomberg Television, đề cập đến việc sử dụng động từ và danh từ để mô tả AI thường chỉ dành riêng cho con người. “Tôi tin rằng đó là một công cụ”, ông nhấn mạnh.
Nhận xét của Satya Nadella gợi ý về cuộc tranh luận đang diễn ra trong ngành công nghệ về mức độ nhân hóa các dịch vụ AI vào thời điểm công nghệ đang phát triển và phản ứng theo những cách giống con người hơn. Nhân hóa là làm cho cái gì đó trở nên giống hoặc có những đặc điểm của con người.
Tuần trước, một lãnh đạo Google nói với hãng tin Bloomberg rằng dù có thể xây dựng các công cụ AI “thể hiện cảm xúc”, nhưng công ty lại muốn tập trung vào việc “siêu hữu ích và siêu tiện dụng”.
Sissie Hsiao, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Gemini Experiences và Google Assistant, cho hay: “Bạn có thể khiến các công nghệ này thể hiện cảm xúc nếu bạn muốn. Thế nhưng, tôi nghĩ sản phẩm của chúng tôi hướng tới việc trở nên siêu hữu ích và siêu tiện dụng”.
OpenAI đã thực hiện một cách tiếp cận khác. Công ty này đã trình diễn một trợ lý giọng nói AI mới vào tuần trước có thể hiểu được cảm xúc và bày tỏ cảm xúc của chính mình. Trong video trình diễn của OpenAI, GPT-4o dường như tác động mạnh đến nhân viên OpenAI trò chuyện với mô hình AI này hai lần bằng cách khen trang phục của anh và nói: “Ồ dừng lại đi! Anh làm tôi đỏ mặt" khi được tâng bốc.
Nhiều người đã so sánh giọng nói quyến rũ của ChatGPT với giọng trợ lý AI (do nữ diễn viên Scarlett Johansson lồng tiếng) trong bộ phim khoa học viễn tưởng Her năm 2013. Đây là sự so sánh mà Giám đốc điều hành OpenAI - Sam Altman ngầm ám chỉ thông qua bài đăng với một từ her trên mạng xã hội X.
Scarlett Johansson tiết lộ Sam Altman đã liên hệ và đề nghị cô xem xét lồng tiếng cho một tính năng trò chuyện âm thanh vào năm ngoái.
Theo Scarlett Johansson, Sam Altman đã cố gắng thuyết phục nữ diễn viên người Mỹ này về ý tưởng rằng cô có thể “giúp người tiêu dùng cảm thấy thoải mái với sự thay đổi lớn lao liên quan đến con người và AI”. Scarlett Johansson từ chối Sam Altman vì lý do cá nhân và cho biết buộc phải thuê luật sư vì chuyện OpenAI dùng giọng nói cho ChatGPT “giống giọng cô một cách kỳ lạ”.
OpenAI đã gỡ bỏ giọng nói giống Scarlett Johansson và thay thế bằng giọng khác.
Ngay cả trước khi ChatGPT đưa AI trở thành xu hướng phổ biến, các hãng công nghệ đã đưa tính cách con người vào các chương trình AI, thường có tên và đặc điểm hơi hướng giống phụ nữ, trong nỗ lực rõ ràng nhằm giúp người dùng kết nối và cảm thấy thoải mái với công nghệ.
Microsoft cũng không tránh khỏi hành vi đó. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã phát hành nhiều chương trình đàm thoại và AI khác nhau trong nhiều năm, gồm cả Tay và Cortana, được đặt theo tên trợ lý AI có ngoại hình là nữ của Halo. Nhiều người có lẽ quên được Bing Chat (chatbot AI của Microsoft) bất hảo mang tên Sydney? Năm ngoái, Sydney đưa ra những câu trả lời kỳ lạ khiến người dùng giật mình. Nói gọi người dùng là hoang tưởng, cố gắng đánh lừa họ về 2023 là năm nào khác và thậm chí nói lời yêu với một số người.
Có xu hướng tự nhiên là muốn mô tả AI theo thuật ngữ của con người, khi nhiều người tìm cách giải thích toán học, các con số và mã đằng sau phần mềm theo những cách mà người dùng có thể liên tưởng đến, chẳng hạn nói rằng AI đang "học hỏi". Xu hướng đó sẽ mạnh mẽ hơn khi các hãng công nghệ tung ra nhiều sản phẩm có khả năng thực hiện cuộc trò chuyện theo thời gian thực.
Song trong cuộc phỏng vấn, Satya Nadella cho biết người dùng cần lưu ý rằng khả năng mà phần mềm AI thể hiện không phải là trí thông minh của con người. “Nó có trí thông minh, nếu bạn muốn đặt cho nó biệt danh đó, nhưng không giống với trí thông minh mà tôi có”, doanh nhân 56 tuổi người Mỹ gốc Ấn Độ nói.
Trên thực tế, Satya Nadella còn đi xa hơn nữa khi than thở về việc lựa chọn thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo”, được đặt ra lần đầu tiên vào những năm 1950. “Tôi nghĩ một trong những cái tên đáng tiếc nhất là trí tuệ nhân tạo. Tôi ước gì chúng ta gọi nó là trí tuệ khác biệt. Vì tôi có trí thông minh của mình, nên tôi không cần bất kỳ trí tuệ nhân tạo nào”, Giám đốc điều hành Microsoft lý giải.
Satya Nadella chỉ muốn phần mềm AI trợ giúp khi ông muốn. “Tôi nghĩ đó là mối quan hệ lý tưởng”, ông thổ lộ.
Cũng trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television, Satya Nadella đặt cược vào thế hệ PC mới của Microsoft với chip AI chuyên dụng và hiệu năng nhanh hơn sẽ làm sống lại cuộc cạnh tranh lâu dài giữa PC Windows và Mac của Apple.
“Apple đã làm được một công việc tuyệt vời. Bây giờ, chúng tôi muốn mang lại sự cạnh tranh thực sự giữa Windows và Mac”, Satya Nadella nói.
Tại sự kiện trong trụ sở chính công ty ở thành phố Redmond (bang Washington, Mỹ) rạng sáng 21.5 giờ Việt Nam, Microsoft đã giới thiệu một danh mục PC tập trung vào AI mới có tên Copilot+ PC. Theo Microsoft, nhờ một phần vào chip chuyên xử lý AI, các máy tính mới thuộc dòng Surface của Microsoft và các nhà sản xuất khác sẽ mạnh hơn và nhanh hơn 58% so với MacBook Air dùng chip M3 của Apple.
Các Copilot+ PC có thể xử lý trực tiếp nhiều tác vụ AI hơn mà không cần thông qua trung tâm dữ liệu đám mây, với giá khởi điểm 1.000 USD và bắt đầu được giao hàng từ ngày 18.6.
Đầu tháng 5, Apple đã trình làng chip M4 mới tập trung vào AI mà các nhà phân tích dự đoán sẽ được sử dụng trên các laptop MacBook Pro và MacBook Air trong tương lai.
Apple đang cố gắng bắt kịp các hãng công nghệ lớn khác trong lĩnh vực AI và sẵn sàng đưa ra chiến lược đầy tham vọng tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC) vào ngày 10.6 tới. Apple đang đặt những chip cao cấp (tương tự chip dành cho máy Mac) vào máy chủ điện toán đám mây được tạo ra để xử lý các tác vụ AI tiên tiến nhất sắp có trên dòng iPhone 16 và thiết bị khác của mình, trang Bloomberg đưa tin. Các tính năng liên quan đến AI đơn giản hơn của Apple sẽ được xử lý trực tiếp trên iPhone, iPad và Mac.
Apple sẽ tập trung vào các tính năng giúp người dùng trở nên dễ dàng hơn trong cuộc sống, chẳng hạn đưa ra các đề xuất và cung cấp trải nghiệm tùy chỉnh.
Microsoft tận dụng mối quan hệ của mình với công ty khởi nghiệp AI hàng đầu OpenAI để sớm tạo dựng vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực dịch vụ AI tạo sinh đang phát triển. Thế nhưng, quan hệ đối tác này bị giám sát theo quy định. Các quan chức ở Mỹ, châu Âu và Anh đang kiểm tra các khoản đầu tư vào AI của Microsoft, cũng như các đối thủ cạnh tranh với họ, để xác định xem liệu chúng có cản trở cạnh tranh hay cần được quản lý chặt chẽ hơn không, tương tự các vụ sáp nhập.
Satya Nadella cho biết quan hệ đối tác của Microsoft với OpenAI đang làm tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực non trẻ này hơn là hạn chế nó.
“Ngày nay có rất nhiều sự cạnh tranh phải không, dù đó là giữa các công ty lớn hay các hãng nhỏ. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng vấn đề là liệu một công ty có mua lại một hãng khác hay không, mà là về việc tạo ra và duy trì sự cạnh tranh trên thị trường”.