Thời gian tới mặt bằng lãi suất có thể còn thấp hơn
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 22:07, 13/04/2020
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, để đối phó với các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các giải pháp rất mạnh về lãi suất, ban hành các quy định đầy đủ.
Về lãi suất, từ cuối năm 2019 và đặc biệt từ tháng 3.2020, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động kịp thời điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành ở mức giảm khá mạnh từ 0,5-1% các mức lãi suất điều hành. Đây là cơ sở rất quan trọng để các tổ chức tín dụng hoạt động ổn định và tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung tiết giảm chi phí hoạt động, đặc biệt là chi phí lương, thưởng và trong năm nay không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung mọi nguồn lực cần thiết để có thể giảm mạnh lãi suất cho vay.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết thêm, sau khi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã đồng thuận rất cao là giảm 2% lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ hiện hữu cũng như các khoản vay mới. Đến nay, tổng số tiền cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi cho vay mới khoảng trên 300.000 tỉ đồng. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là khoảng 18.000 tỉ đồng, miễn giảm lãi và điều chỉnh lãi suất là khoảng 126.500 tỉ đồng, cho vay mới với doanh số cho vay khoảng xấp xỉ 180.000 tỉ đồng.
Để góp phần khắc phục khó khăn của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cũng như giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cũng dự báo, mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới, với kỳ vọng giảm 0,5%. Nguyên nhân là do tác động của COVID-19 khiến nhu cầu tín dụng các doanh nghiệp có sự sụt giảm mạnh. Điều này thể hiện qua tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm chỉ ở mức 0,06%, thấp nhất trong vòng 6 năm, trong khi thanh khoản hệ thống ở trạng thái dồi dào. Mặt khác, chi phí huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng giảm, kết hợp với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ.
“Với dự báo lạm phát sẽ sớm hạ nhiệt trong các quý tới, chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để đẩy mạnh các chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Bên cạnh đó, chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ đẩy mạnh các chính sách kích thích tài khóa bao gồm giãn, hoàn nộp thuế, phí, lãi suất, bảo hiểm... có tác động trực tiếp nhằm hỗ trợ thanh khoản các doanh nghiệp đang gặp khó khăn mà không ảnh hưởng tới yếu tố lạm phát. Việc điều chỉnh lần này giúp hỗ trợ các ngân hàng”, KBSV nhìn nhận.
Ngoài ra, KBSV dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì mức tăng trưởng cung tiền (M2) và tín dụng trong biên độ tăng trưởng 10-14% xuyên suốt năm. Việc này nhằm tránh những hệ lụy về sau như nợ xấu và bong bóng giá tài sản (ví dụ như bất động sản) như giai đoạn 2009 - 2011.
Mức tăng trưởng này được đánh giá phù hợp và là mục tiêu Ngân hàng Nhà nước duy trì trong 2 năm qua nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng, khi chỉ số tín dụng/GDP của Việt Nam sau khi điều chỉnh GDP vẫn ở mức cao trong khu vực (khoảng 110%).
Đối với mặt bằng lãi suất cho vay, xu hướng giảm nhiều khả năng sẽ rõ rệt hơn trong thời gian tới. “Quan sát mối quan hệ giữa lãi suất cho vay và lãi suất điều hành, chúng tôi nhận thấy xu hướng đồng pha rõ rệt, nhất là trong trường hợp thanh khoản hệ thống gặp vấn đề. Xu hướng lệch pha trong thời gian 3 năm trở lại đây chủ yếu do quy định kiểm soát thanh khoản từ Ngân hàng Nhà nước (quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn)”, KBSV phân tích.
Phan Diệu