Cựu Chủ tịch tỉnh Lào Cai mong sớm được đoàn tụ gia đình
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 20:22, 24/05/2024
Cựu Chủ tịch tỉnh Lào Cai mong sớm được đoàn tụ gia đình
Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng mong muốn sớm được đoàn tụ với gia đình. Bị cáo Hưởng bị Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 4 - 5 năm tù.
Ngày 24.5, HĐXX TAND tỉnh Lào Cai tiếp tục xét xử 17 bị cáo trong vụ án khai thác quặng apatit trái phép.
Nói lời sau cùng tại phiên tòa, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng mong muốn sớm được đoàn tụ với gia đình.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Hưởng cho biết khi còn làm lãnh đạo tỉnh, khối lượng công việc tại địa phương rất nhiều; và ngay sau ký văn bản liên quan hoạt động thu gom khoáng sản, bị cáo đã ký một văn bản khác để ngăn chặn những hành vi tiêu cực có thể phát sinh sau đó.
Tuy nhiên, bị cáo Hưởng phân trần rằng văn bản ngăn chặn sau đó đã chưa được nghiêm túc thực hiện, dẫn đến những hậu quả đau lòng như hôm nay.
Ở phần tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Văn Vịnh (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai) mong HĐXX xem xét đến sự “rực rỡ” của tỉnh Lào Cai những năm gần đây, và bị cáo nhận mình được đóng góp một phần vào đó.
Trước đó, VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Thừa (Giám đốc Công ty Lilama) từ 3 - 3 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”; từ 4 - 5 năm tù về tội “Rửa tiền”. Tổng hợp hình phạt chung cho cả 2 tội danh, bị cáo Thừa bị đề nghị xử phạt từ 7 - 8 năm 6 tháng tù.
Các bị cáo khác bị xác định phạm tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, VKS đề nghị xử phạt từ 2 năm 6 tháng - 3 năm 6 tháng tù; có một số bị cáo được VKS đề nghị cho hưởng án treo.
Với các bị cáo phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, VKS đề nghị HĐXX xử phạt Nguyễn Văn Vịnh (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai) từ 5 - 6 năm tù; Doãn Văn Hưởng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh) từ 4 - 5 năm tù. Nguyễn Thanh Dương (cựu Phó chủ tịch tỉnh) bị đề nghị xử phạt từ 2 - 3 năm tù; Lê Ngọc Hưng (cựu Phó chủ tịch tỉnh) từ 3 - 4 năm tù.
Các bị cáo còn lại trong tội danh này bị VKS đề nghị xử phạt từ 2 - 4 năm tù, có 2 bị cáo được VKS đề nghị cho hưởng án treo.
Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS đề nghị HĐXX buộc bị cáo Nguyễn Mạnh Thừa nộp lại gần 160 tỉ đồng để sung quỹ nhà nước, trước đó đã nộp khắc phục hơn 3 tỉ đồng; tạm giữ 1 xe ô tô và hơn 4 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Đồng Tả Phời để đảm bảo thi hành án…
Theo đại diện VKS, dù biết rõ việc khai thác quặng apatit phải có giấy phép, nhưng bị cáo Nguyễn Mạnh Thừa đã lợi dụng việc Công ty Lilama được UBND tỉnh Lào Cai cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án khách sạn, nhà hàng; đồng thời sử dụng các văn bản được ban hành chưa đúng quy định để chỉ đạo khai thác trái phép tổng cộng 1,532 triệu tấn quặng apatit các loại, trị giá hơn 610 tỉ đồng và hơn 39.000 tấn quặng apatit loại 3 không có cơ sở xác định giá.
VKS nhận thấy hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế và chế độ quản lý của Nhà nước trong nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương.
Trong đó, bị cáo Thừa là người trực tiếp chỉ đạo tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép.
Theo kết quả định giá của Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Lào Cai và các hồ sơ liên quan, tổng khối lượng quặng apatit có trong diện tích 37,7ha, trong đó có hơn 2,26ha chồng lấn vào diện tích thuộc Khai trường 18 mà các công ty trên đã khai thác và tiêu thụ trái phép là 974.088 tấn các loại, trị giá hơn 312,5 tỉ đồng.