Sau dịch, nếu kinh doanh tốt thì Vietnam Airlines phải mất 5 năm mới bù được lỗ
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:05, 17/04/2020
Nhiều doanh nghiệp lớn khó khăn, lỗ nặng
Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết, sau 2 tuần giãn cách xã hội toàn quốc, lượng khai thác của các hãng hàng không Việt Nam chỉ còn có 2-5% năng lực.
Ông Thành cho rằng, với quy mô như hiện nay, sau dịch bệnh mà kinh doanh tốt, các cơ chế đảm bảo thì cũng phải mất 5 năm Vietnam Airlines mới bù lại được các khoản lỗ đang phát sinh.
Vì vậy, ông Thành cho rằng chính sách hỗ trợ không phải trong thời gian dịch bệnh mà vấn đề trong thời gian ảnh hưởng dịch bệnh, có ngành 1 đến 2 năm, thậm chí có ngành mất 3 đến 4 năm. Các gói hỗ trợ cũng cần có lộ trình, thứ tự những ngành nào mang tính chất dẫn đường thì cần phải được ưu tiên trước.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG cho biết cũng chia sẻ doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng nặng nề, tính sơ bộ khoảng 1.000 tỉ đồng; ngoài ra, hiện nay Tập đoàn vẫn còn tồn 3.700 tấn gạo chưa được xuất khẩu. Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương và TP, Tập đoàn đã ủng hộ 5 tỉ đồng cho Trung ương MTTQ Việt Nam và trao tặng 16.000 phần quà trị giá 1,4 tỉ đồng ủng hộ các gia đình khó khăn.
Trước tình hình của dịch bệnh, để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho nhân dân, Tập đoàn đề nghị thành phố cử lực lượng công an, dân phòng các phường đến hỗ trợ bảo vệ tại các điểm bán hàng vì người dân đến mua hàng rất đông; cấp giấy phép lưu thông giao dịch hàng hóa từ Hà Nội đi các tỉnh và ngược lại; cho phép các doanh nghiệp của tập đoàn được thi công, cải tạo để nâng cấp các điểm bán hàng thiết yếu.
Đồng thời, hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa, nhanh chóng cho phép mở cửa lại các khách sạn, sân golf nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch (giữ khoảng cách); tạo điều kiện cho lực lượng lao động từ các tỉnh vào làm việc tại các dự án xây dựng.
Tập đoàn BRG cũng đề nghị Bộ KH-ĐT nghiên cứu giảm thuế lên tới 50%; áp dụng mức thuế giá trị gia tăng từ 0% hoặc giảm đến 50%; miễn thuế sử dụng đất, hỗ trợ thúc đẩy đối với các dự án vàng đang bị chậm tiến độ...
Trong khi đó, Tập đoàn Hòa Phát kiến nghị tạo điều kiện lưu thông vận chuyển hàng hóa để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, đề nghị TP kiến nghị với Chính phủ có cơ chế đặc thù để chuyên gia nhập cảnh Việt Nam tuân thủ đúng quy định cách ly và phòng chống dịch bệnh, để tạo điều kiện cho các dự án cần chuyên gia được thực hiện đúng tiến độ, nhất là các dự án về công nghệ.
Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội Đỗ Quang Hiển cho biết, các DNNVV đang bị ảnh hưởng rất lớn của đại dịch, gặp nhiều khó khăn, yếu và thiếu về vấn đề thị trường, chỉ tập trung tại một số thị trường trong nước và nước ngoài, nhưng hiện nay những thị trường này lại bị ảnh hưởng rất lớn của đại dịch.
Hiệp hội DNNVV TP và các doanh nghiệp mong Chính phủ và TP có các giải pháp, hỗ trợ quyết liệt, có các bước, tiêu chí, quy trình hướng dẫn cụ thể, nhanh, đúng, trúng và kịp thời đến các doanh nghiệp.
Điều tra nhanh vụ Nhật Cường để đảm bảo thông suốt dịch vụ công
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho hay, về việc bảo vệ các điểm bán hàng, Hà Nội đã triển khai các lực lượng và tiếp tục đôn đốc, yêu cầu thực hiện tốt hơn.
Về việc cải cách hành chính, ông Chung cho biết, đến nay, thành phố đã triển khai 1.818 thủ tục dịch vụ công từ phường đến các sở ngành. 82% các thủ tục đã được triển khai ở mức độ 3, 4.
Cho biết việc triển khai dịch vụ công trực tuyến có bị chậm do ảnh hưởng liên quan đến vụ án ở Công ty Nhật Cường, Chủ tịch Hà Nội cho hay đã kiến nghị Bộ Công an khẩn trương điều tra, kết luận vụ án Nhật Cường để dịch vụ công của thành phố được thực hiện thông suốt.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đã triển khai trở lại hoạt động của tổ công tác với giám đốc các sở, ngành, tiếp nhận các kiến nghị của doanh nghiệp và họp hàng tuần để tháo gỡ kịp thời.
Trước đề xuất của các doanh nghiệp về việc thành lập các quỹ xúc tiến đầu tư, khởi nghiệp sáng tạo, Hà Nội sẽ nghiên cứu sớm triển khai.
Chủ tịch cũng cho biết, TP vừa qua đã đưa vào hoạt động ứng dụng Hà Nội SmartCity. Ngoài phục vụ công tác phòng chống dịch, các doanh nghiệp có thể phản ánh các kiến nghị qua tiện ích của phần mềm này và thành phố sẽ tiếp nhận giải quyết ngay. Các hiệp hội cũng có thể tổng hợp kiến nghị của các doanh nghiệp hàng ngày, thành phố sẽ tiếp nhận xử lý ngay.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung kêu gọi các doanh nghiệp nghiên cứu, đầu tư xây dựng chuỗi kho lạnh để thúc đẩy gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp; tạo điều kiện chuỗi liên kết cho các hộ sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nêu rõ việc ở Hà Nội các hộ kinh doanh cá thể, lao động trong lĩnh vực dịch vụ sẽ bị tác động nặng nề nhất, Chủ tịch nhấn mạnh, dịch bệnh cũng tạo ra cơ hội dể doanh nghiệp nhìn lại, tái cơ cấu để phù hợp; cũng là dịp để thành phố tiếp tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ hơn để phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng khẳng định Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt, kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch và tuyệt đối không có tiêu cực trong việc thực thi các cơ chế, chính sách của Chính phủ về giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu rõ: Hà Nội cam kết đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thích ứng với điều kiện giãn cách xã hội. Theo đó, Thành phố sẽ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy đầu tư công theo nguyên tắc “góp gió thành bão”, từ các công trình của thôn, tổ dân phố đến các xã, phường, thị trấn và quận, huyện, cũng như các dự án đầu tư tư nhân, các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).
Lam Thanh