Vải thiều Thanh Hà được giá, 'đổ bộ' Hà Nội
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:33, 27/05/2024
Vải thiều Thanh Hà được giá, 'đổ bộ' Hà Nội
Năm 2024 là năm vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) được đánh giá có chất lượng cao nhất từ trước tới nay.
Những ngày này, khắp các tuyến phố hoặc chợ dân sinh tại Hà Nội, các xe hàng rong, ô tô tải chở vải thiều từ Hải Dương, Bắc Giang đổ bộ. Tuy nhiên, giá bán mỗi nơi một khác.
Theo ghi nhận của PV, dọc các tuyến phố tại Hà Nội như Láng, Nguyễn Trãi, đại lộ Thăng Long, Ngã Tư Sở, Nguyễn Xiển... tập trung số lượng lớn các xe hàng rong, ô tải bán vải thiều. Đa phần những chùm vải được tiểu thương buộc theo cân nặng, trung bình từ 2 - 3 kg/chùm.
Còn tại các chợ và dọc nhiều tuyến phố nội đô, giá bán vải rất khác nhau. Với hàng mới từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, vải U hồng giá đắt hơn từ 100.000 - 120.000 đồng/kg.
Một tiểu thương bán vải thiều tại chợ Long Biên cho biết hiện nay giá vải u trứng của Hải Dương tại các khu chợ bán lẻ Hà Nội có mức giá tương đối cao. Các tiểu thương bán với giá 90.000 - 100.000 đồng/kg. Tại khu chợ Nghĩa Tân, trong chợ hầu như các tiểu thương không bày bán do đầu mùa vải còn chua, trong khi các sạp ngoài chợ lại bán với giá dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/kg. Ở cửa hàng hoa quả của chợ Thành Công, giá vải lên tới 120.000 đồng/kg.
Chị Xuân Thu - tiểu thương bán vải tại khu vực Ngã Tư Sở (Thanh Xuân) - cho biết mỗi ngày, chị bán được gần 1 tạ vải. Những ngày đầu tháng 6, giá vải khoảng 50.000 đồng/kg. Loại vải này được nhập trực tiếp từ vườn vải Thanh Hà (Hải Dương).
Theo chị Thu, vải Thanh Hà khi chín có sắc vỏ màu hồng nhạt, cùi vải ráo, hạt vải nhỏ, khi ăn có vị ngọt thanh, không có vị chát ở cổ nên được người dân Hà Nội rất ưa chuộng.
Trong khi đó, dọc đường đại lộ Thăng Long (Hà Nội), các xe hàng quảng cáo bán vải Bắc Giang với giá 45.000 - 50.000 đồng/kg nhưng sức mua vẫn còn chậm do mới đầu mùa.
Tại các chợ dân sinh, theo tìm hiểu của PV, giá vải sẽ từ 50.000 - 70.000 đồng/kg. Nhiều người bán chia sẻ, vải thiều bắt đầu vào vụ thu hoạch nên giá sẽ giảm nhanh từng ngày. Hiện vải thiều được bán với nhiều giá khác nhau tùy vào loại, chất lượng.
Hiện đang là thời điểm các hộ trồng vải ở huyện Thanh Hà tập trung nhận lực thu hoạch trà vải sớm, vải nhỡ. Việc tiêu thụ năm nay diễn ra tương đối thuận lợi, thương lái ở các nơi về mua nhiều, giá vải đầu vụ bán tại các điểm cân là 80.000 đồng/kg. Thời điểm này giá vẫn ổn định ở mức từ 30.000 - 40.000 đồng/kg
Vải Thanh Hà hiện được bán tại chuỗi cửa hàng hoa quả sạch tại Hà Nội với giá từ 110.000 - 120.000 đồng/kg vải U hồng. Không chỉ tiêu thụ ở trong nước, vải Thanh Hà đã và đang được xuất khẩu sang các thị trường như: Nhật Bản, Úc, Anh.... trong đó có 1 tấn vải U trứng trắng được một doanh nghiệp xuất sang thị trường Úc với giá cao gấp 4 đến 5 lần so với giá bán trong nước, gần 600.000 đồng/kg.
Năm 2024, huyện Thanh Hà có 3.282ha vải, trong đó vải sớm khoảng 1.900ha, còn lại là vải thiều chính vụ. Theo đánh giá sơ bộ, năm nay, sản lượng vải của huyện ước khoảng 20.000 - 22.000 tấn. Vải thiều Thanh Hà được tiêu thụ chủ yếu trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường lớn, chuộng hàng cao cấp như: Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia...
Trong đó, lượng cung ứng ra các tỉnh thành bình quân hằng năm khoảng 20.000 tấn; xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 15.000 tấn. Hiện nay, vải sớm của Thanh Hà đang được bán với mức giá khoảng 120.000 đồng/kg. Dự kiến giá thu mua xuất khẩu sẽ tăng cao.
Năm 2024, toàn huyện có 48 vùng trồng vải với 167 mã số đủ điều kiện xuất khẩu (48 mã xuất khẩu sang Trung Quốc, 39 mã xuất khẩu đi Úc, 38 mã xuất khẩu sang Mỹ, 34 mã xuất khẩu sang Nhật Bản, 8 mã xuất khẩu sang Thái Lan); 12 cơ sở đóng gói với 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu được cấp phép.
UBND huyện Thanh Hà cho biết sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm vải thiều Thanh Hà thông qua việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, xây dựng các vùng sản xuất vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; với mỗi mã số vùng trồng xuất khẩu, chỉ đạo sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường xuất khẩu hướng tới.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị: tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã ký hợp đồng liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các tổ sản xuất vải. Huyện cũng hỗ trợ, giám sát các hộ dân trong tổ sản xuất từ khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo đúng các quy trình đến khâu tổ chức thu hoạch, sơ chế, đóng gói.
Tăng cường xây dựng thương hiệu và quảng bá xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức: trực tiếp tại các hội chợ, điểm bán hàng; trực tuyến qua các điểm cầu trong và ngoài nước để vải thiều Thanh Hà được người dân nhiều quốc gia biết đến, tạo điều kiện để xuất khẩu thuận lợi.