Mỹ, Nga, Trung Quốc chạy đua phát triển công nghệ phá vệ tinh

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:12, 29/05/2024

CNN ghi nhận 3 cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc đang phát triển hàng loạt công nghệ phá hoại, thậm chí là phá hủy hạ tầng trên Trái đất lẫn ngoài không gian của đối phương.
Khoa học - công nghệ

Mỹ, Nga, Trung Quốc chạy đua phát triển công nghệ phá vệ tinh

Cẩm Bình {Ngày xuất bản}

CNN ghi nhận 3 cường quốc Mỹ, Nga và Trung Quốc đang phát triển hàng loạt công nghệ phá hoại, thậm chí là phá hủy hạ tầng trên Trái đất lẫn ngoài không gian của đối phương.

Khi Nga đưa quân sang Ukraine bắt đầu chiến dịch quân sự, một cuộc tấn công âm thầm nhắm vào mạng internet kết nối vệ tinh cũng được tiến hành.

Phương Tây xác định Nga tiến hành tấn công trên hệ thống mạng ngay trước lúc đưa quân sang, với mục đích làm tê liệt năng lực chỉ huy - kiểm soát của Ukraine ở thời điểm quan trọng. Cuộc tấn công khiến modem kết nối vệ tinh liên lạc tê liệt, nhưng lại khiến cả tua bin gió tại Đức ngừng hoạt động cùng hàng chục nghìn người lẫn doanh nghiệp khắp châu Âu mất kết nối internet. Ukraine sau đó phải tìm cách khôi phục mạng.

Với chính phủ các nước lẫn giới chuyên gia, cuộc tấn công mạng trên đã phơi bày nguy cơ mạng lưới vệ tinh (đóng vai trò quan trọng trong bố trí quân sự, triển khai hoặc phát hiện vũ khí, thông tin liên lạc) trở thành mục tiêu. Ngày càng có nhiều quốc gia chạy đua phát triển công nghệ phá hoại, thậm chí phá hủy hạ tầng trên Trái đất lẫn ngoài không gian.

Loạt công nghệ mà Mỹ, Nga, Trung Quốc có thể sử dụng với vệ tinh đối phương có thể gây nhiễu hoặc giả mạo tín hiệu, dùng laser hiệu suất cao gây chói cảm biến hình ảnh, tên lửa chống vệ tinh và tàu vũ trụ tác động đến vệ tinh quỹ đạo...

Đầu năm nay, tình báo Mỹ xác định Nga đang phát triển vũ khí hạt nhân chống vệ tinh triển khai ngoài không gian, tuy nhiên, Điện Kremlin đã lên tiếng bác bỏ.

Vũ khí như vậy không chỉ nhắm vào vệ tinh phục vụ mục đích quân sự mà còn có thể làm hỏng vệ tinh dự báo thời tiết và ứng phó thảm họa, thậm chí ảnh hưởng đến hệ thống định vị toàn cầu được sử dụng cho mọi thứ, từ ngân hàng, vận chuyển đến gọi xe, điều xe cứu thương.

Tuần trước, Mỹ cáo buộc Nga phóng một vệ tinh sở hữu khả năng tấn công vệ tinh khác ở quỹ đạo thấp của Trái đất. Trước đó, Washington cũng nghi ngờ Moscow triển khai “hệ thống tác chiến không gian” lần lượt vào hai năm 2019 và 2022.

Loạt công nghệ nêu trên được phát triển trong kỷ nguyên tập trung chạy đua lên không gian. Mỹ - Trung cạnh tranh đưa phi hành gia và xây dựng cơ sở nghiên cứu trên Mặt trăng, công nghệ phóng tiến bộ vượt bậc cho phép nhiều quốc gia khác như CHDCND Triều Tiên hay Iran tham gia cuộc đua. Khi căng thẳng địa chính trị gia tăng thì Nga cùng Trung Quốc ngày càng quan tâm đến việc xây dựng năng lực đối phó Mỹ - quốc gia có năng lực tác chiến không gian đứng đầu.

cuoc1.jpg
Mỹ, Nga, Trung Quốc đang chạy đua phát triển công nghệ phá vệ tinh

Chạy đua công nghệ tác chiến không gian

Nhiều thập kỷ trước Mỹ và Liên Xô đã đua nhau phát triển công nghệ tiêu diệt vệ tinh của nhau. Mỹ thực hiện hàng loạt vụ thử nghiệm tác chiến không gian sau khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik năm 1957. Đến lúc Liên Xô sụp đổ, Mỹ trở thành cường quốc vượt trội ở lĩnh vực này.

Tiến sĩ Rajeswari Pillai Rajagopalan (Tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation) cho biết: “Phát triển năng lực tác chiến không gian chẳng hạn như vũ khí chống vệ tinh là cung cấp phương tiện phá hoại sức mạnh không gian của đối thủ, từ thông tin liên lạc, định vị, chỉ huy - kiểm soát đến hậu cần. Ngăn chặn Mỹ sử dụng lợi thế không gian cho một cuộc xung đột quân sự thông thường thúc đẩy Nga cùng Trung Quốc phát triển năng lực lẫn chiến lược của mình”.

Tổ chức nghiên cứu Secure World Foundation (SWF) xác định để đạt mục tiêu trên, Nga khôi phục nhiều chương trình nghiên cứu vũ khí chống vệ tinh thời Chiến tranh Lạnh, trong đó có hệ thống laser trang bị trên máy bay quấy rối vệ tinh trinh sát bằng hình ảnh. Bằng chứng mới chỉ ra họ đang phát triển công nghệ gây nhiễu tín hiệu vệ tinh trên quỹ đạo, vài năm gần đây còn phóng tàu vũ trụ giám sát vệ tinh nước ngoài (hai tàu sở hữu tốc độ nhanh, một số phun được khí dung như vũ khí).

Trung Quốc cũng tỏ rõ tham vọng vào năm 2007 khi phóng tên lửa phá hủy một vệ tinh dự báo thời tiết đã cũ. Động thái này phá vỡ thời kỳ lắng dịu kéo dài hàng thập kỷ hậu Chiến tranh lạnh, thúc đẩy Mỹ, Ấn Độ, Nga thực hiện các hoạt động tương tự.

Giới phân tích nhận định rằng Trung Quốc sau này còn tiến hành nhiều vụ thử dùng tên lửa phá hủy vệ tinh. SWF xác định vụ thử gần đây nhất là vào tháng 4 năm ngoái.

Lực lượng Không gian Mỹ tin rằng đối thủ châu Á đang phát triển thiết bị gây nhiễu dùng với nhiều loại vệ tinh và triển khai không ít hệ thống laser trên Trái đất. Các hoạt động không gian khác (chẳng hạn vệ tinh Thực Nghiệm-7 sở hữu cánh tay robot phóng năm 2013) khó xác định được có phải là phát triển vũ khí hay không, nhưng không loại trừ khả năng phục vụ mục đích quân sự.

Sau khi phá hủy một vệ tinh gặp trục trặc năm 2008, Mỹ cam kết không thực hiện thêm vụ thử nào như vậy. Washington cũng không có chương trình phát triển vệ tinh hay tàu vũ trụ nhắm mục tiêu vào vệ tinh khác nào được công khai. Theo SWF, Mỹ thử nghiệm rộng rãi nhiều công nghệ không mang tính tấn công để tiếp cận vệ tinh.

Tuy nhiên, Mỹ thừa nhận sở hữu năng lực tác chiến điện tử có thể can thiệp tín hiệu vệ tinh. Họ cũng nghiên cứu hệ thống laser đặt tại Trái đất gây chói vệ tinh chụp ảnh.

Tháng 11 năm ngoái, người đứng đầu Lực lượng Không gian Mỹ Chance Saltzman nhấn mạnh cần phát triển năng lực tác chiến không gian để củng cố chuỗi đảo thứ hai, đối phó chiến lược “mạng lưới tiêu diệt” của Trung Quốc.

Chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai là hệ thống đảo nằm giữa lục địa Trung Quốc và Tây Thái Bình Dương được Mỹ dùng để kiềm chế Trung Quốc kể từ thời Chiến tranh lạnh. Khái niệm này được nhà ngoại giao Mỹ John Foster Dulles đề cập lần đầu vào năm 1951.

Lo ngại về hoạt động của đối thủ tiềm năng cũng thúc đẩy Pháp, Úc, Israel xây dựng năng lực tác chiến không gian “mềm” (chỉ can thiệp chứ không phá hủy) chẳng hạn như laser quấy rối hoặc hệ thống gây nhiễu tín hiệu. Israel thừa nhận triển khai một số biện pháp gây nhiễu GPS trong cuộc chiến tại Dải Gaza.

Nhà nghiên cứu Juliana Suess (Viện Nghiên cứu Royal United Service) ghi nhận hiện nay, xu hướng dùng đến biện pháp tác động ngắn hạn như gây nhiễu, giả mạo tín hiệu, tấn công mạng đang nổi lên. Các nước không cần đầu tư nhiều vào vũ khí mang hơi hướm khoa học viễn tưởng mà chỉ cần tiến hành tấn công mạng là có thể làm tê liệt toàn mạng lưới.

Theo số liệu do Liên minh Các nhà khoa học (UCS) công bố tháng 5.2023, quanh Trái đất có hơn 7.500 vệ tinh đang hoạt động. Trong đó hơn 5.000 vệ tinh thuộc về Mỹ và hầu hết là vệ tinh thương mại. Trung Quốc sở hữu 628 vệ tinh, Nga có chưa đến 200.

Khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, Nga cáo buộc phương Tây sử dụng vệ tinh thương mại cho mục đích quân sự, do đó chúng là mục tiêu tấn công hợp pháp. Ngược lại Moscow cũng bị cáo buộc tấn công mạng hệ thống vệ tinh Starlink mà quân đội Ukraine sử dụng.

Hiệp ước không gian

Năm 1967, nhiều quốc gia ký kết Hiệp ước Không gian cấm triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt ra ngoài không gian. Tuy nhiên, văn kiện này không cấm vũ khí thông thường hay tên lửa phóng từ Trái đất.

Hiệp ước Không gian 1967 qua hàng thập kỷ vẫn đóng vai trò nền tảng cho một lĩnh vực đang thiếu các chuẩn mực quốc tế.

Tháng trước, Nga phủ quyết nỗ lực do Mỹ - Nhật dẫn đầu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm tái khẳng định loạt nguyên tắc do hiệp ước đề ra. Nga - Trung đang hợp tác kêu gọi mở rộng phạm vi hiệp ước, cấm bố trí bất cứ loại vũ khí nào ngoài không gian. Giới chuyên gia nhận định bất cứ nỗ lực thống nhất chuẩn mực nào trong tương lai đều sẽ đối mặt với khó khăn lớn.

Cẩm Bình