Sau Nvidia, Microsoft và Amazon, Google đầu tư lớn vào Malaysia

Thế giới số - Ngày đăng : 13:42, 30/05/2024

Google hôm 30.5 cho biết sẽ đầu tư 2 tỉ USD vào Malaysia để xây dựng trung tâm dữ liệu đầu tiên và trung tâm đám mây (Google Cloud) khu vực tại quốc gia này.
Thế giới số

Sau Nvidia, Microsoft và Amazon, Google đầu tư lớn vào Malaysia

Sơn Vân 30/05/2024 13:42

Google hôm 30.5 cho biết sẽ đầu tư 2 tỉ USD vào Malaysia để xây dựng trung tâm dữ liệu đầu tiên và trung tâm đám mây (Google Cloud) khu vực tại quốc gia này.

Đây là động thái mới nhất trong làn sóng đầu tư của các hãng công nghệ trên thế giới vào Đông Nam Á.

Chính phủ Malaysia nói khoản đầu tư này sẽ thúc đẩy tham vọng kỹ thuật số của nước này, khả năng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến khác sẽ giúp ngành công nghiệp địa phương vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Với hơn 692 triệu dân, Đông Nam Á gần đây đã thu hút được sự quan tâm và đầu tư từ các ông lớn công nghệ như Microsoft, Amazon, Nvidia, Apple.

Google cho biết trung tâm dữ liệu đầu tiên và trung tâm đám mây khu vực sẽ được đặt tại Khu công nghiệp Elmina của hãng Sime Darby Property ở trung tâm bang Selangor. Trung tâm dữ liệu sẽ cung cấp năng lượng cho các dịch vụ Google gồm Search, Maps và Workspace, đồng thời sẽ giúp cung cấp các dịch vụ AI. Trong khi trung tâm đám mây của Google sẽ cung cấp dịch vụ cho các công ty địa phương và tổ chức khu vực công, theo gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

"Malaysia và Google đang hợp tác để thúc đẩy công việc chung của chúng tôi nhằm tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ đổi mới và mở khóa tiềm năng của chuyển đổi kỹ thuật số", Giám đốc tài chính Google - Ruth Porat cho biết trong tuyên bố.

Tháng 11.2023, chính phủ Malaysia và Google đã công bố một dự án hợp tác nhằm mục đích đẩy nhanh đổi mới công nghệ trong nước.

gettyimages-1207206237.jpg
Google đầu tư 2 tỉ USD vào Malaysia để xây dựng trung tâm dữ liệu đầu tiên và trung tâm đám mây khu vực tại quốc gia này - Ảnh: Internet

Các gã khổng lồ công nghệ Mỹ khác đã công bố khoản đầu tư lớn vào khu vực Đông Nam Á. Giám đốc điều hành Microsoft - Satya Nadella công bố khoản đầu tư vào dịch vụ đám mây trị giá 2,2 tỉ USD tại Malaysia và 1,7 tỉ USD ở Indonesia trong chuyến thăm gần đây tới Đông Nam Á.

Tháng 12.2023, công ty tiện ích YTL Power International (Malaysia) thông báo sẽ hợp tác với Nvidia để phát triển cơ sở hạ tầng AI trong một thỏa thuận đầu tư trị giá 4,3 tỉ USD.

Amazon đã công bố kế hoạch đầu tư 9 tỉ USD vào Singapore, 5 tỉ USD vào Thái Lan và 6 tỉ USD vào Malaysia.

Những gã khổng lồ công nghệ xem Đông Nam Á như thị trường trọng điểm tiếp theo

Giám đốc điều hành Apple, Microsoft và Nvidia nằm trong số lãnh đạo các hãng công nghệ lớn đã có mặt tại khu vực Đông Nam Á vài tháng qua, cam kết đầu tư hàng tỉ USD và gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia.

Đầu tháng 5, Amazon đã chiếm trọn một hội trường khổng lồ ở trung tâm Singapore để công bố kế hoạch đầu tư 9 tỉ USD trước sự cổ vũ của hàng nghìn khán giả hân hoan và vẫy gậy phát sáng.

Sau nhiều thập kỷ xếp sau Trung Quốc và Nhật Bản, khu vực Đông Nam Á đang thu hút nhiều đầu tư công nghệ hơn bao giờ hết. Chỉ riêng về trung tâm dữ liệu, các công ty lớn nhất thế giới dự kiến sẽ chi tới 60 tỉ USD trong vài năm tới khi giới trẻ Đông Nam Á ưa chuộng phát trực tuyến video, mua sắm trực tuyến và AI tạo sinh.

Theo truyền thống, khu vực này luôn chào đón đầu tư từ phương Tây. Thời điểm của Đông Nam Á đã đến khi Trung Quốc trở nên thù địch hơn với các công ty Mỹ, còn Ấn Độ vẫn gặp khó khăn trong việc điều hướng về mặt chính trị. Thung lũng Silicon (Mỹ) đang hướng đến các chính quyền thân thiện với doanh nghiệp, nguồn nhân lực phát triển nhanh và thu nhập ngày càng tăng. Sự phát triển của AI đang thúc đẩy các nhà lãnh đạo công nghệ tìm kiếm nguồn tăng trưởng mới, đặt nền tảng hạ tầng kỹ thuật số cho tương lai cho Đông Nam Á.

Sean Lim, đối tác quản lý của NWD Holdings (Singapore) – công ty chuyên đầu tư vào các dự án dựa trên AI và các lĩnh vực khác, nhận xét: “Các quốc gia như Singapore và Malaysia phần lớn giữ thái độ trung lập trước những căng thẳng địa chính trị xảy ra với Trung Quốc, Mỹ, Ukraine và Nga. Khi các cuộc chiến tranh đang diễn ra, khu vực này đã trở nên hấp dẫn hơn”.

Tim Cook (Giám đốc điều hành Apple) và Satya Nadella (Giám đốc điều hành Microsoft) gần đây đã thực hiện chuyến thăm các nước Đông Nam Á quan trọng nhất trong nhiều năm. Các khoản đầu tư mà họ cam kết sẽ biến Đông Nam Á thành chiến trường lớn của những gã khổng lồ công nghệ như Apple, Amazon, Microsoft, Google trong các lĩnh vực như AI và đám mây.

Lực lượng lao động ngày càng tăng của Đông Nam Á đang khiến khu vực này trở thành một lựa chọn thay thế khả thi cho Trung Quốc như trung tâm nhân tài để hỗ trợ hoạt động toàn cầu của các công ty. Khi chính phủ các nước trong khu vực đẩy mạnh cải thiện giáo dục và cơ sở hạ tầng, Đông Nam Á trở thành địa điểm hấp dẫn cho mọi thứ, từ sản xuất, trung tâm dữ liệu đến nghiên cứu và thiết kế.

Sean Lim cho biết: “Các chính phủ đang ủng hộ đầu tư xuyên biên giới và có nguồn nhân tài dồi dào”.

Đông Nam Á cũng trở thành một thị trường lớn cho các tiện ích và dịch vụ trực tuyến. Theo ước tính của chính phủ Singapore, khoảng 65% dân số Đông Nam Á sẽ thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030, với sức mua ngày càng tăng. Điều đó sẽ giúp tăng gấp đôi thị trường dịch vụ dựa trên internet của khu vực lên 600 tỉ USD, theo ước tính của Google, Temasek Holdings Pte và Bain & Co.

Một chất xúc tác cụ thể cho các hãng công nghệ là AI tạo sinh, với các dịch vụ như ChatGPT đang nhanh chóng thu hút được người dùng. Việc tăng tốc áp dụng AI ở Đông Nam Á có khả năng giúp nền kinh tế khu vực này có thêm khoảng 1.000 tỉ USD vào năm 2030, theo báo cáo từ công ty tư vấn Kearney.

Điều đó đồng nghĩa là cần có nhiều trung tâm dữ liệu hơn để lưu trữ và xử lý lượng thông tin khổng lồ được truyền đi giữa người sáng tạo nội dung, công ty và khách hàng. Theo dữ liệu của hãng Cushman & Wakefield, nhu cầu trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á và Bắc Á dự kiến sẽ tăng khoảng 25% mỗi năm cho đến 2028. Con số này so với mức tăng 14% mỗi năm ở Mỹ. Đến năm 2028, Đông Nam Á sẽ trở thành nguồn doanh thu trung tâm dữ liệu lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ.

Một điểm nóng là khu vực Johor Bahru phía nam Malaysia, nơi Nvidia năm ngoái đã hợp tác với một công ty tiện ích địa phương để lên kế hoạch xây dựng công viên trung tâm dữ liệu AI trị giá 4,3 tỉ USD. Nvidia cũng đang nhắm đến Việt Nam, nơi Giám đốc điều hành Jensen Huang coi là ngôi nhà thứ hai tiềm năng của hãng chip lớn nhất thế giới, trong chuyến thăm vào tháng 12.2023.

Nvidia xem Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng là những địa điểm tiềm năng để đầu tư. Keith Strier, Phó chủ tịch phụ trách các sáng kiến AI toàn cầu của Nvidia, có chuyến tham quan các thành phố này vào tháng 4.

Là một khu vực gồm hơn 10 quốc gia khác nhau về chính trị, văn hóa và địa lý, Đông Nam Á không phải là thị trường dễ dàng hoạt động nhất với các công ty toàn cầu, theo NWD Holdings. Rủi ro là khó khăn trong việc điều chỉnh văn hóa làm việc địa phương cũng như sự biến động của các loại tiền tệ khác nhau, theo Sean Lim từ NWD Holdings.

Song hiện tại, các hãng công nghệ lớn đang tận dụng những lợi thế của khu vực như lực lượng lao động có tay nghề cao nhưng chi phí tương đối thấp - hữu ích cho việc xây dựng các công nghệ đắt tiền như mô hình ngôn ngữ lớn, không chỉ đòi hỏi nhiều tiền mà còn cả các kỹ sư lành nghề.

Hầu hết các hãng công nghệ lớn Mỹ đều công bố chương trình đào tạo với các chính quyền địa phương, trong đó Microsoft hứa hẹn sẽ đào tạo về kỹ năng AI cho tổng cộng 2,5 triệu người Đông Nam Á vào năm 2025.

“Sự thay đổi này bị ảnh hưởng bởi cả yếu tố bên ngoài và bên trong. Ngoài sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ với Trung Quốc và sự khác biệt về chính sách giữa các khu vực pháp lý lớn, tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại và chi phí tăng cao cũng cho thấy các công ty cần phải quản lý chi phí một cách thận trọng”, theo Nicholas Lee, Phó giám đốc tại văn phòng Singapore của công ty tư vấn chính trị Global Counsel.

Sơn Vân